Cần sớm có quy chuẩn đối với cà phê rang xay

Thứ Tư, 25/04/2018, 11:17
Hiện chưa có quy chuẩn đối với cà phê rang xay để các cơ sở thực hiện theo. Chính kẽ hở này khiến nhiều cơ sở có thể trộn thêm các thành phần khác vào cà phê nguyên chất.

Những ngày vừa qua, vụ việc dùng lõi pin hòa với nước nhuộm màu cà phê vừa được Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh phát hiện trên địa bàn huyện Đắk RLấp đã khiến dư luận hoang mang. 

Đặc biệt, nhiều người lo ngại, sự việc này sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường cà phê, đặc biệt là việc xuất khẩu. Thông tin Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố vụ án và bắt giữ 6 người để điều tra, làm rõ hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm xảy ra tại cơ sở thu mua nông sản của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông) đã có hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm... đã phần nào nói lên sự quyết liệt xử lý đối với những hành vi kinh doanh gây nguy hại cho sức khoẻ cộng đồng. 

Tuy nhiên, vụ việc đang làm dấy lên lo ngại sẽ ảnh hưởng đến thị trường cà phê trong nước và cả xuất khẩu. Trong khi cà phê vừa mới trải qua thời kỳ xuống giá thấp, thậm chí năm 2017, nông dân trồng cà phê tại nhiều vùng đã phải phá bỏ cây cà phê để chuyển sang trồng loại cây khác. 

Cơ quan điều tra đang làm việc với bà Loan, chủ cơ sở sản xuất “cà phê… pin”.

Bên cạnh đó, theo dự báo, niên vụ 2018 – 2019, thế giới chuyển sang trạng thái dư thừa cà phê chủ yếu vì sản lượng niên vụ 2018 – 2019 của Brazil dự báo sẽ đạt kỷ lục 60 triệu bao, gồm 44 triệu bao Arabica và 16 triệu bao Robusta. Chính vì vậy, sự việc trên dù chỉ là đơn lẻ nhưng cũng làm mất lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm này.

Theo Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2018, lượng cà phê xuất khẩu đạt 529.000 tấn, trị giá 1,02 tỷ USD, tăng 17% về lượng. Tính chung 3 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.943 USD/tấn, giảm 14,4% so với 3 tháng đầu năm 2017. 

Thực tế, tuy là nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng thực tế đến nay chỉ 10% sản lượng cà phê của Việt Nam được dùng để chế biến sâu như: Rang xay, bột, hòa tan… chủ yếu bán tại thị trường trong nước, 90% còn lại xuất khẩu thô ra thị trường thế giới nên không xây dựng được thương hiệu và giá trị thương mại rất thấp. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có nhiều đề án chuyên biệt dành cho cây cà phê như tái canh cà phê, phát triển sản phẩm quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao. Bộ cũng đã xác định việc tập trung sản xuất, liên kết sản xuất, xây thương hiệu… để bảo đảm 50 doanh nghiệp đầu ngành sẽ được gắn thương hiệu cà phê Việt với chất lượng cao để vươn ra khu vực và thế giới. 

Trao đổi với báo chí sau sự việc “cà phê pin”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, cà phê đang là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2017 đã đạt 3,2 tỉ USD. Ngay trong quý 1, xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng đạt gần 1 tỉ USD. 

Ông Nam cho biết, Bộ NN&PTNT coi cà phê là cây trồng chủ lực, hướng đến xuất khẩu và có nhiều chính sách, cơ chế để phát triển vùng trồng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng. Trên thực tế, cà phê Việt Nam đã có vị thế và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng nhận định: “Trong khi toàn ngành hàng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam, vẫn có những đơn vị vì lợi nhuận vẫn cố tình vi phạm. Cà phê trộn lõi pin dù chỉ là hạt cát, cá biệt trên thị trường, nhưng vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng, thương hiệu cà phê Việt Nam”. 

Ông Nam đánh giá, hành động pha tạp chất vào cà phê không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như thương hiệu cà phê của Việt Nam mà còn làm mất lòng tin của người tiêu dùng. 

Vụ việc này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng. Cần lên án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật không để tình trạng này xảy ra.

Điều đáng bàn là hiện nay, chưa có quy chuẩn đối với cà phê rang xay để các cơ sở thực hiện theo. Chính kẽ hở này khiến nhiều cơ sở có thể trộn thêm các thành phần khác vào cà phê nguyên chất. 

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) khẳng định: “Doanh nghiệp chế biến cà phê phải công bố đầy đủ thành phần, có nhãn mác. Sau khi Nhà nước hậu kiểm mà không đúng theo chuẩn thì sẽ phạt. Phải làm mạnh nhưng để làm được thì phải có một cái thước. Tuy nhiên thước đó hiện chưa có. Bây giờ cứ công bố cà phê bẩn nhưng thế nào là cà phê bẩn?”. 

Hiện nay theo ông Vinh, dự thảo quy chuẩn đối với cà phê rang xay mới được Bộ Y tế thực hiện xong và chuyển cho Bộ NN&PTNT. 

Phát biểu tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2018 sáng 24-4, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cũng báo động, chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu trong việc đẩy mạnh xuất khẩu. Mặc dù chưa có con số ảnh hưởng cụ thể từ vụ việc cà phê “pin” nhưng vụ việc này cũng như tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng” không chỉ là hồi chuông báo động về an toàn thực phẩm trong nước mà còn là “cái cớ” để các nước tẩy chay hàng Việt.

“Có giữ gìn được uy tín, chất lượng thì mới giúp hàng Việt Nam tiếp cận thị trường tốt hơn. Do vậy ngăn chặn các sản phẩm bẩn trong nước cũng chính là cách để đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu. Xúc tiến thương mại không chỉ là vệc tìm kiếm bạn hàng mà chính là việc giữ gìn hình ảnh, chất lượng, uy tín sản phẩm”, ông Hải nhấn mạnh.

Hỗn hợp pha chế pin với cà phê chưa được tiêu thụ ra thị trường

Liên quan đến vụ việc Công an tỉnh Đắk Nông bắt quả tang cơ sở thu mua nông sản dùng pin để nhuộm phế phẩm cà phê, sáng 24-4, Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, hỗn hợp pha chế bị bắt giữ chưa được tiêu thụ ra thị trường. 

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Công an tỉnh Đắk Nông đã tập trung lực lượng vào cuộc điều tra, xác minh. “Căn cứ vào lời khai của các đối tượng liên quan cũng như tài liệu thu thập được, ngày 23-4, Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm theo quy định điều 317 của Bộ luật Hình sự. 

Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng đã có quyết định tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 5 đối tượng liên quan gồm: Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đăk Rlấp, chủ cơ sở), Nguyễn Xuân Bảo (33 tuổi, trú tại xã Nghĩa Thắng, huyện Đăk Rlấp, chung sống như vợ chồng với bà Loan), Phan Thị Dung (56 tuổi, trú tại khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), Lê Thị Hồng Thơ (39 tuổi trú tại thôn 5, xã Nâm NJang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, làm nghề kinh doanh) và Trần Văn Tuấn (32 tuổi, trú tại thôn 2, xã Nâm NJang, huyện Đắk Song).

Theo lời khai ban đầu của Loan tại cơ quan điều tra, mục đích của việc dùng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước và pin) để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê rồi bán lại cho Lê Thị Hồng Thơ và Trần Văn Tuấn kiếm lời. Tổng số lượng bà Loan bán cho 2 đối tượng này khoảng 3 tấn. 

Sau khi Thơ và Tuấn mua số lượng hỗn hợp này thì bán lại cho bà Phan Thị Dung (Giám đốc Công ty TNHH SXTM Thảo Dung, đóng tại ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).

“Qua lời khai của các đối tượng, Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã tiến hành khám xét khẩn cấp tại kho nông sản của bà Dung. Tại đây, cơ quan điều tra đã tiến hành thu giữ toàn bộ số hỗn hợp này. Có thể nói, đến thời điểm này, số hỗn hợp mà bà Loan khai bán đã được thu giữ, chưa được tiêu thụ ra thị trường. Hiện Công an tỉnh Đắk Nông đang tập trung điều tra, củng cố hồ sơ, chứng cứ để khởi tố các bị can theo quy định của pháp luật”, Thượng tá Bình Thông tin. 

Văn Thành

Chi Linh
.
.
.