Thị trường "giọt đắng"... "run rẩy" sau vụ phế phẩm cà phê trộn lõi pin

Thứ Ba, 24/04/2018, 08:43
Trong mấy ngày qua, dư luận chấn động trước vụ việc cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông phát hiện một cơ sở thực hiện việc pha trộn phế phẩm cà phê với lõi pin Con Ó. Mặc dù chưa xác định được mục đích của việc pha trộn này để tạo ra “sản phẩm” gì của chủ cơ sở, nhưng với thông tin trên, thị trường cà phê đã bị ảnh hưởng đáng kể.

Tại TP Hồ Chí Minh, theo ghi nhận của PV, ngay sau khi có thông tin cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông phát hiện một cơ sở thực hiện việc pha trộn phế phẩm cà phê với lõi pin thì ảnh hưởng đầu tiên là các quán cà phê bán ở vỉa hè, quán nhỏ lẻ, không có thương hiệu. 

Chị Hương, kinh doanh trái cây ở chợ Xóm Chiếu (quận 4) cho biết, ngày nào chị cũng đều uống 2 ly cà phê do người bán trong chợ mang đến, giá 8.000 đồng/ly, nhưng từ khi nghe thông tin trên thị trường có loại cà phê trộn với lõi pin, sợ quá chị bỏ hẳn cà phê, chuyển sang uống trà đậm.

Lo sợ cà phê bẩn, nhiều người tiêu dùng chọn uống cà phê có thương hiệu.

Anh Nguyễn Trung Thành, nhân viên công ty bất động sản (quận 7) cho biết, mỗi sáng anh thường uống cà phê vỉa hè trên đường Phạm Hữu Lầu (quận 7). Anh chọn quán cà phê này vì quen uống với loại cà phê có vị đậm đà, đặc sánh, và giá cũng khá mềm, chỉ 10.000 đồng/ly. Tuy nhiên, khi nghe trên thị trường có cà phê trộn lõi pin, anh mới giật mình vì ly cà phê mình thường hay uống có màu đen thẫm, trong khi cà phê nguyên chất có màu nhạt hơn.

Lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, anh Thành đã chuyển sang uống quán Milano Coffee (cũng trên đường Phạm Hữu Lầu) giá 14.000 đồng/ly hoặc quán Viva Star Coffee (gần chung cư Belleza) giá 20.000 đồng/ly. “Mặc dù giá có cao hơn, cà phê không đậm đà bằng quán vỉa hè mình thường dùng, nhưng đây là những chuỗi cà phê nhượng quyền có thương hiệu, có uy tín, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên mình yên tâm sử dụng hơn”, anh Thành chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hồng, vừa bán cà phê hạt các loại, vừa là chủ quán cà phê trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) cho biết, trong những ngày qua lượng khách hàng đến uống cũng như mua cà phê hạt, rang xay tại chỗ tăng gần gấp đôi so với trước đây. Nguyên nhân là người tiêu dùng (NTD) nghi ngại cà phê đóng gói sẵn không biết trong đó có chứa gì, bao nhiêu phần trăm là cà phê thật nên họ muốn tận mắt chứng kiến cà phê hạt được rang xay tại chỗ.

Theo chị Hồng, mỗi kilogam hạt cà phê chị bán ra 130.000 đồng, nếu khách mua về thì cộng thêm 10.000 đồng công xay. Nếu bán khách uống tại quán, cứ mỗi kilogam cà phê rang xay pha phin được 35-40 ly, còn pha máy lên đến 50 ly, bán với giá 12.000 đồng/ly, giá chỉ nhỉnh hơn cà phê “cóc” một tí, nhưng đảm bảo chất lượng nên thu hút được nhiều khách hàng.

Không chỉ các quán cà phê ở vỉa hè, lề đường bị ảnh hưởng mà các quán cà phê lớn cũng bị tác động. Anh Nguyễn Hoàng, chủ quán cà phê G.P (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) cũng cho hay: “Nhiều khách quen trước đây chỉ toàn gọi cà phê ở quán, nhưng giờ họ chuyển sang uống các loại thức uống khác. Cũng có một số khách thì họ lại chuyển hướng sang dùng cà phê ngoại như Mỹ, Ý, Thái Lan... nhưng số khách này không nhiều vì giá cà phê ngoại đắt hơn nhiều so với cà phê Việt”.

Liên quan đến vụ việc trên, nhiều người nghi ngờ rằng cách pha trộn phế phẩm cà phê với lõi pin để “sản xuất” ra cà phê siêu rẻ. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam giải thích, nếu sử dụng phế phẩm cà phê, lõi pin nhuộm đen để rang xay thành cà phê bột thì sẽ có mùi hắc của pin, người mua sẽ phát hiện ra ngay. Vì vậy, nếu dùng phương pháp này, cơ sở phải xử lý mùi hắc phát sinh chi phí rất cao nên không phù hợp với giả định sản xuất cà phê siêu rẻ.Vì vậy, rất cần cơ quan điều tra sớm làm rõ và công bố cho dư luận biết.

Liên quan đến vụ cà phê trộn pin và hóa chất, chiều 23-4, Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã đủ chứng cứ để chứng minh đối tượng có hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm theo quy định điều 317 của Bộ luật Hình sự.

Theo Đại tá Lê Vinh Quy, ngay trong ngày hôm nay, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông sẽ tiến hành khởi tố vụ án, tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk Rlấp, chủ cơ sở), Ngô Ngọc Sơn (công nhân làm việc tại cơ sở), Lương Xuân Bảo (sống chung như vợ chồng với bà Loan) cùng với 2 người khác (chưa rõ danh tính) để xác minh, củng cố hồ sơ, xử lý theo pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm vụ cà phê trộn pin

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Công an tỉnh Đắk Nông cần sớm điều tra xử lý nghiêm vụ cơ sở thu mua cà phê trộn pin và hóa chất…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hàng hóa Việt Nam cơ bản có chất lượng tốt, mà con số xuất khẩu hơn 200 tỷ USD trong năm 2017 là một minh chứng.

“Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh” và câu chuyện phát hiện cơ sở nhuộm phế phẩm cà phê bằng lõi… pin ở Đắk Nông là một ví dụ. Tôi yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông cần sớm điều tra, khởi tố vụ việc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Như trước đó Báo CAND đã thông tin, từ ngày 15 đến 17-4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở NN&PTNT đã phát hiện, bắt quả tang tại cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk Rlấp) làm chủ đang dùng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước và pin) để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê. Cơ quan chức năng lập biên bản, niêm phong tổng cộng 21,265 tấn phế phẩm cà phê đã ngâm, tẩm, nhuộm đen và được đóng bao bì, 40 lít dung dịch, 35kg pin bị đập dẹp, 192kg lõi, nắp và vỏ Pin. (Văn Thành)

T.Hà - Văn Thành
.
.
.