Cần công khai danh tính nhà cung cấp mỹ phẩm giả
- Vấn nạn mỹ phẩm giả: Tai họa khó lường
- Phát hiện gần nửa triệu sản phẩm mỹ phẩm giả
- Sử dụng mỹ phẩm giả: Tiền mất tật mang1
- Phát hiện 2.000 mỹ phẩm giả thương hiệu nổi tiếng
Tại buổi tọa đàm "Thị trường mỹ phẩm: Tăng cường công tác quản lý và giải pháp từ doanh nghiệp" diễn ra vào chiều 22-3, bác sĩ Đỗ Thiện Trung (Khoa Chăm sóc da, Bệnh viện Da liễu) cho biết những hậu quả từ mỹ phẩm giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ: Nhiều bệnh nhân đến bệnh viện với những tình trạng da rất xấu. Ban đầu chỉ gây kích ứng, ngứa, bong tróc ở trên mặt, rồi nặng hơn thì màu sắc của da bị thay đổi. Với mục tiêu làm trắng da thì không những không trắng lên mà da còn xấu đi, đen sạm và khó có thể phục hồi được bình thường.
Nghiêm trọng hơn nữa có những trường hợp sử dụng mỹ phẩm giả để lại sẹo trên da, ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và sức khoẻ của người sử dụng. “Vì thế, tôi rất mong có được nhiều giải pháp để chống được hàng giả, hàng nhái, giúp cho người tiêu dùng sử dụng được mỹ phẩm có chất lượng, tốt cho sức khoẻ” - bác sĩ Trung bày tỏ.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều đồng ý rằng, thị trường mỹ phẩm đang xuất hiện rất nhiều hàng giả, hàng nhái, gây mất lòng tin cho người tiêu dùng. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp lợi dụng các “lỗ hổng” để kinh doanh chộp giật. Các lực lượng chức năng đã bắt giữ rất nhiều lô hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, các sản phẩm nhái nhãn mác... đã phản ánh phần nào những bất cập trong công tác quản lý.
Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ các lô mỹ phẩm giả. |
Ông Nguyễn Văn Lợi – Trưởng phòng Mỹ phẩm (Cục quản lý Dược - Bộ Y tế) cho biết: “Năm 2017, chúng tôi phối hợp với các Sở Y tế thanh kiểm tra doanh nghiệp có sản phẩm công bố xem sản phẩm thực tế ra thị trường có đúng như khai báo không và việc kiểm tra cho thấy còn nhiều sai phạm như công thức trong mỹ phẩm không đúng như đăng ký với cơ quan quản lý, không đúng địa điểm sản xuất...
Trong 50 doanh nghiệp đã xử phạt hành chính 13 doanh nghiệp và rút không dưới 100 số công bố sản phẩm. Có đơn vị xử phạt tới 180 triệu đồng”.
Là người có thâm niên trong việc chống hàng giả, hàng nhái, ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo 389 về chống hàng giả, hàng nhái. Những dẫn chứng gần đây đủ cho chúng ta thấy vấn nạn này đang là cuộc chiến cam go, như vụ thuốc chữa ung thư VN Pharma giả, lô mỹ phẩm của Công ty TS Việt Nam.
Theo ông Hùng, lỗ hổng mỹ phẩm hiện nay trên thị trường vẫn diễn ra trọng điểm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vì thế, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp đấu tranh chống hàng giả. Trên thực tế người nghèo là đối tượng bị tác động nhiều nhất, chị em phụ nữ nông thôn là người tiêu thụ lượng lớn hàng giá rẻ này.
Ông Hùng nhấn mạnh: "Công tác phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan nhà nước còn chưa chặt chẽ. Có những cơ quan vẫn còn giữ kín thông tin. Trong khi chúng tôi có sự vụ đều công khai xuống tận các chi cục, các đội. Do đó, phải dám làm và làm công khai để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng”.
Chia sẻ kinh nghiệm từ “đất nước của mỹ phẩm”, ông Tae Hwa Jang - Giám đốc điều hành Thế giới mỹ phẩm K-Beauty (Hàn Quốc) cho biết, kinh nghiệm để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, các công ty sản xuất ở Hàn Quốc đều do Chính phủ quản lý. Công ty muốn đưa sản phẩm ra nước ngoài cũng phải do Chính phủ quản lý chặt chẽ.
Chính phủ sẽ quản lý doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm bằng một mã số và người tiêu dùng sẽ tra mã số đó để kiểm tra sản phẩm. Thị trường mỹ phẩm Việt Nam rất lớn, rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm các nước muốn thâm nhập. Tuy vậy, các bạn cần phải đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho người tiêu dùng.
Về phía cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý cụ thể như cấp mã sản phẩm để người tiêu dùng có thể tra được. Người tiêu dùng cũng cần phải thông thái hơn. Các doanh nghiệp cần làm việc có tâm hơn để đưa những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng.