Cần cơ chế phù hợp để thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện

Thứ Sáu, 10/08/2018, 07:29
Tại diễn đàn Năng lượng Việt Nam với chủ đề: “Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 9-8 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới, cần đảm bảo tốt đồng hành 2 giải pháp là kiểm soát nhu cầu phụ tải và đảm bảo về nguồn cung điện.


Nguy cơ thiếu điện có thể sẽ bắt đầu vào giai đoạn 2020-2030

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong giai đoạn đến năm 2030, nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Ngành điện cần phải đảm bảo sản xuất 265-278 tỷ kWh vào năm 2020 và khoảng 572-632 tỷ kWh vào năm 2030.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 là 10,3-11,3%/năm, giai đoạn 2021-2030 khoảng 8-8,5%/năm - cũng là mức tăng trưởng cao. Việc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng này trong bối cảnh rất nhiều nguồn điện nằm trong quy hoạch đang chậm tiến độ. Việc cung cấp nhiên liệu khí cho các nhà máy điện khí cũng rất khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nguy cơ thiếu điện sẽ bắt đầu ngay trong những năm đầu tiên của giai đoạn 2020-2030. Từ nay đến năm 2030, giai đoạn có nhiều khả năng xảy ra nguy cơ thiếu điện là từ năm 2021-2023 và năm thiếu điện cao điểm nhất là năm 2022. Đấy là chưa kể tốc độ tăng trưởng phụ tải có thể tăng cao hơn so với dự báo của chúng ta.

“Dự báo của chúng ta mới đưa ra tăng trưởng đến năm 2025 chỉ khoảng 9% và sau năm 2025 là khoảng 8%. Nhưng nếu nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn, nhu cầu điện tăng cao hơn; các nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy điện ở hai trung tâm khí lớn là Ô Môn và khu vực miền Trung, ở Dung Quất và Chu Lai đi vào hoạt động chậm thì khả năng thiếu điện còn trầm trọng hơn nữa...”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.

Hầu hết các quốc gia đều đang chịu áp lực về nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế. 

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, trong các năm 2019-2020 nhìn chung cung ứng điện có thể được đảm bảo. Tuy nhiên, nguồn nhiệt điện chạy dầu sẽ phải huy động với sản lượng tương ứng khoảng 4,4 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh năm 2020.

Về đảm bảo nguồn cung, phía EVN cũng cho rằng, trước mắt đến năm 2021, cần hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào vận hành các công trình nguồn điện, đặc biệt ở phía Nam như các dự án nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1, BOT Duyên Hải 2; đảm bảo tiến độ phát điện trở lại Nhà máy nhiệt điện Xekaman 3-Lào (2020).

Nhiều áp lực trong đảm bảo an ninh năng lượng

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá, hiện nay nhu cầu năng lượng là thách thức rất lớn với Việt Nam khi các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… hoặc được khai thác hết, hoặc đang cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước, mặt khác các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường cũng tạo ra áp lực to lớn đối với việc thực hiện chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững.

Theo đó, nguy cơ thiếu hụt nguồn điện cho phát triển kinh tế do hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện.

Tốc độ tăng trưởng phụ tải cao cũng gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi. Cùng với đó là thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng.

Theo ông Ngô Sơn Hải, để đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới, cần đảm bảo tốt đồng hành 2 giải pháp là kiểm soát nhu cầu phụ tải và đảm bảo về nguồn cung điện. Để kiểm soát phụ tải, cần tăng cường các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả và quản lý nhu cầu sử dụng điện (DSM), ưu tiên cho khu vực miền Nam. Trong đó, cần có cơ chế của nhà nước để đẩy mạnh chương trình điều tiết phụ tải.

Ngành chức năng kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất công nghiệp trong việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Đồng thời, lựa chọn áp dụng quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến, biện pháp công nghệ phù hợp và thiết bị công nghệ có hiệu suất cao.

Tại diễn đàn, các ý kiến cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng bền vững thì cần tiếp tục nghiên cứu phát triển các nguồn điện hợp lý; đặc biệt là cơ chế giá cho điện cũng là động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió.

Ông Bùi Văn Thịnh, Giám đốc Công ty CP Phong điện Thuận Bình cho rằng, năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu, song cần xem xét vấn đề quy hoạch; cơ chế giá điện; lựa chọn nhà đầu tư có năng lực; phê duyệt cấp phép sao cho phù hợp với thực trạng lưới điện truyền tải hiện nay để tránh quá tải cục bộ, đảm bảo ổn định hệ thống.

Bên cạnh đó, ông Ngô Sơn Hải cũng cho rằng cần khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán và các dự án điện mặt trời tại các khu vực khả thi về đấu nối. Đặc biệt, hỗ trợ và khuyến khích khách hàng sử dụng điện (sinh hoạt, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ) đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời áp mái, đặc biệt ở khu vực miền Nam. 

Phan Đức
.
.
.