Các giải pháp cấp bách nhằm đón đầu xu hướng nhân lực 2019

Thứ Hai, 25/02/2019, 10:47
“Dự kiến năm 2019, TP Hồ Chí Minh cung cấp cho người lao động 320.000 chỗ làm việc, trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới”, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết.

Tuy nhiên, trong đó, 80% vị trí việc làm cũng yêu cầu người lao động phải được qua đào tạo bài bản.

Nhiều ngành dự báo nhu cầu việc làm sẽ "lên ngôi"

Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay quý I, TP Hồ Chí Minh cung cấp cho thị trường 90.000 chỗ làm việc, quý II khoảng 75.000 vị trí, quý III khoảng 80.000 vị trí và quý IV là 75.000 vị trí việc làm.

Ông Trần Anh Tuấn cũng cho hay, cùng với sự phát triển và hội nhập kinh tế, sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiếng Anh và công nghệ thông tin tốt là rất cần. 

Theo đó, các nhóm ngành kinh tế - dịch vụ tại TP Hồ Chí Minh dự kiến nhân lực cần nhiều gồm: Tài chính, Tín dụng, Ngân hàng, Bảo hiểm, Du lịch, Y tế, Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ, nghiên cứu và triển khai; Thương mại Dịch vụ vận tải – Kho bãi – Dịch vụ cảng; Thương mại điện tử  và Dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin.... với  tổng số nhân lực đầu việc cần là 173.790 chỗ làm. 

Giỏi tiếng Anh, vững chuyên môn, kỹ năng mềm và có kinh nghiệm trong thực tế sẽ có việc làm tốt. Ảnh minh hoạ.

Đặc biệt là ngành thương mại điện tử, theo nhận định tại Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ,đặc biệt trong những năm gần đây. Nhu cầu nhân lực tăng cao do các doanh nghiệp có hoạt động thương mại điện tử ngày càng nhiều, các công nghệ ứng dụng trong thương mại điện tử luôn thay đổi với tốc độ nhanh tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. 

Trong năm nay, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các vị trí: digital marketing (tiếp thị số), chăm sóc khách hàng, dịch vụ logistics (kho bãi, vận chuyển) , bán lẻ hàng hóa, dịch vụ thời trang, hàng tiêu dùng… Hay nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ thông tin tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019 với các vị trí an ninh mạng, lập trình, phát triển ứng dụng, thiết kế, điều hành trang web. Tuy nhiên, một thông tin đáng chú ý quan trọng mà người lao động và các đơn vị đào tạo nhân lực cần nắm bắt, đó là 80% các vị trí việc làm phải đáp ứng yêu cầu khá cao của việc đào tạo bài bản. 

Đặc biệt, trong tình hình hội nhập và xu thế cuộc cách mạng 4.0, sự giao lưu qua lại thuận lợi, nguồn nhân lực nước ngoài với nhiều yếu tố vượt trội về kỹ năng, chuyên môn, tính chuyên nghiệp hoá sẽ có thể "đánh bật" nguồn nhân lực Việt Nam ngay trên "sân nhà".

Các giải pháp cấp bách nhằm đón đầu xu hướng thị trường nhân lực

Xoay quanh câu hỏi, vậy nguồn lao động tại TP Hồ Chí Minh, cụ thể là người lao động để có việc làm tốt nhất cần đáp ứng ra sao với yêu cầu của xã hội, tại một cuộc hội thảo nhân lực gần đây tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Cao Hào Thi - Hiệu trưởng ĐH Công nghệ Sài Gòn đã đưa ra khá nhiều cảnh báo, góp ý, về phía các trường ĐH cũng như các doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam. 

Trong đó giữa hai bên vẫn luôn cần phải có sự chuẩn bị, cùng chia sẻ và hợp tác chặt chẽ với nhau trong vấn đề đào tạo và sử dụng lao động. Một trong giải pháp đầu tiên là cần phải nâng cao năng lực ngoại ngữ của người học trong xu hướng quốc tế hóa giáo dục. Năng lực ngoại ngữ của người học còn hạn chế hiện nay cũng là nhân tố làm gia tăng khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động. 

Việc hạn chế này khiến các cơ sở đào tạo sẽ rất khó triển khai các chương trình học tiên tiến mang tính quốc tế hóa cho người học, người học cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức mới từ môi trường bên ngoài, cũng như vận dụng kiến thức đã học từ nhà trường vào thực tế trong tương lai khi bối cảnh thị trường lao động đang ngày càng quốc tế hóa. Riêng vấn đề giảng dạy bằng tiếng Anh, đòi hỏi các trường phải có chương trình giảng dạy tiếng Anh thật chuẩn.

Ngoài ra, cần có cách tiếp cận về tiếng Anh trong học tập giảng dạy bộ môn và đây vẫn là bài toán khó với các trường. Không phải trường nào cũng chuẩn về vấn đề này. 

Cần động viên đội ngũ giảng viên có thể giảng dạy bằng tiếng Anh. Nhưng về lâu dài hơn cần phải có lộ trình cụ thể để nâng cấp năng lực ngoại ngữ của giáo viên về tiếng Anh. Ưu tiên là đội ngũ giáo viên trẻ, đội ngũ kế thừa có năng lực tiếng Anh. Cần có lộ trình đào tạo bài bản, nâng thành chiến lược cho vấn đề này.

Cũng theo PGS.TS Cao Hào Thi, giải quyết vấn đề tiếng Anh, cũng góp phần giải quyết được bài toán tiếp theo là giúp cho nước ta có một nguồn nhân lực đảm bảo để hội nhập, đảm bảo vấn đề di chuyển lao động trong khu vực cũng như trên toàn cầu. 

"Nếu ta không làm được điều này thì sẽ thất bại về vấn đề nhân lực trong thời kì 4.0" - PGS Cao Hào Thi nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS Cao  Hào Thi, cho dù nhà trường có làm tốt trách nhiệm đào tạo như nào đi chăng nữa nhưng nếu kinh tế đất nước không phát triển, nền kinh tế suy thoái, sinh viên thất nghiệp nhiều thì mọi việc cải tổ trong đào tạo, học hỏi, nắm bắt, bổ sung các điểm cho phù hợp về vấn đề nhân lực đều trở nên vô nghĩa. 

Kinh tế đất nước bền vững thì việc làm, nhu cầu việc làm con người mới đảm bảo. Đó cũng là yếu tố, giải pháp "bảo hộ" cho nguồn nhân lực nước ta có giá trị.

Huyền Nga
.
.
.