Kinh doanh dịch vụ lưu trú trong cơn sốt 4.0:

Nguy cơ khủng hoảng thừa nhân lực!

Thứ Ba, 22/05/2018, 07:53
Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người sử dụng dịch vụ lưu trú ở một đất nước xa xôi có thể thử không gian khách sạn mà họ dự định sử dụng hoặc làm các thủ tục cần thiết từ xa, có thể sử dụng tất cả các thiết bị điện trong phòng mà không cần phải ra khỏi giường.

Với người làm kinh doanh dịch vụ lưu trú, những thành quả của khoa học công nghệ tác động mạnh mẽ đến từng khâu vận hành, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề nhân lực. 

Đây cũng là băn khoăn chung của rất nhiều đại biểu trong hội thảo về cơ hội và thách thức của các quản lý buồng phòng khách sạn trong thời 4.0 tại Hà Nội do Hiệp hội Khách sạn, Câu lạc bộ quản lý buồng phòng Việt Nam (VEHA) tổ chức vào ngày 19-5.

Theo VEHA, đến năm 2030 có khoảng 60% dân số toàn cầu sống ở các đô thị lớn và sẽ có khoảng 3,2 tỷ người ở châu Á - Thái Bình Dương có thu nhập trung bình 5.000 USD/năm. Năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 33 triệu người đạt mức thu nhập trung bình này. 

Thống kê cũng cho thấy, những người có tuổi đời trẻ, sinh năm 1980 đến 1990, thành thạo công nghệ, có khả năng và nhu cầu sử dụng công nghệ khi dùng dịch vụ lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ, resort… chiếm khoảng 24%.

Khách sạn cao cấp – đối tượng chịu nhiều tác động của cách mạng 4.0 hiện nay.

Tại Việt Nam, 4 tháng đầu năm đã có khoảng 5,6 lượt khách quốc tế, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2017. Đây cũng là các khách hàng thường có nhu cầu sử dụng dịch vụ cao cấp, hiện đại hơn nhưng cũng góp phần quan trọng trong việc mang doanh thu về cho ngành Du lịch (trên 50%), đặc biệt là với các hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống. 

Trong 3 tháng đầu năm 2018, doanh thu mang về từ hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 128.000 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần doanh thu từ dịch vụ lữ hành. Như vậy, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để phục vụ khách hàng và các hoạt động khác của các cơ sở lưu trú, đặc biệt là các cơ sở cao cấp là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam nhận định: Công nghệ sẽ thay đổi ngành Du lịch, trong đó có lĩnh vực buồng, phòng khách sạn và trong thực tế, tác động của cách mạng 4.0 rất cụ thể, rất thiết thực, gần gũi. 

Trước tiên là phương thức quảng bá xúc tiến. Thay vì cầm các cuốn cẩm nang, tờ rơi quảng cáo truyền thống, hiện nay, du khách chỉ cần lướt web tìm thông tin, thậm chí có thể trải nghiệm thử dịch vụ và chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu, mức chi tiêu của bản thân. Thay vì mua tour có sẵn của các đơn vị lữ hành, họ có thể tự xây dựng lộ trình, chọn điểm đến, chọn khách sạn… 

Với các đơn vị du lịch, trong đó có các cơ sở lưu trú, chỉ cần đầu tư xây dựng kho dữ liệu, các sản phẩm phù hợp, cụ thể tới từng đối tượng khách hàng, từng phân khúc thị trường phù hợp, hiệu quả mà vẫn ít tốn kém hơn. 

Riêng với lĩnh vực buồng phòng, các ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý hiện đại khiến cho khách sạn sử dụng những nguồn năng lượng mới, các hệ thống thông minh giúp tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, cảm biến tự động điều chỉnh nhiệt độ phòng vì các hệ thống, thiết bị này từ động bật, tắt dịch vụ khi có hoặc không có người xuất hiện…

Ông Lương Thanh Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietsolutions Group cũng chia sẻ rằng, các thành quả của cách mạng 4.0 đang mang lại rất nhiều tiện ích và cơ hội cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú nếu được khai thác phù hợp. 

Hiện nay, mặt tiền của khách sạn trên thế giới đã được áp dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ để “kể” các câu chuyện về chính khách sạn và địa phương, là nơi mà người dân và khách có thể tương tác với nhau. 

Ngay cả các hành lang, ban công cũng được tận dụng để thiết kế cung cấp các tiện ích giải trí, kể cả phục vụ mục đích thương mại như quảng cáo sản phẩm khi được tích hợp với các màn hình điện tử. 

Nhờ công nghệ, rất nhiều khâu trong hệ thống công việc đã được giảm bớt. Thay vì phải đến tận nơi đặt phòng, trình các giấy tờ liên quan cho bộ phận tiếp đón, khách hàng chỉ việc đặt phòng, thanh toán qua mạng và vào thẳng căn phòng đã đặt vì mọi thủ tục đều được thông qua tự động qua khuôn mặt, vân tay của khách… Với nhiều dịch phức tạp thì đã có hệ thống các robot.

Với hoạt động quản lý buồng, phòng khách sạn, sự tác động của khoa học công nghệ thì vô cùng cụ thể và thiết thực. Như chia sẻ của quản lý khách sạn Intercontinental, ông Nguyễn Văn Lợi thì tiềm năng là… vô cùng. 

Với Intercontinental, hiện nay, các ứng dụng này đã giúp tiết kiệm khoảng 20% điện năng, nước so với trước đó. Nhờ công nghệ, các chế độ báo cáo, kiểm soát tình hình chặt chẽ, nhanh chóng hơn. 

Tuy nhiên, nếu trình độ nhân lực và cơ sở vật chất không đáp ứng được thì các thành tựu khoa học công nghệ sẽ khó phát huy được trong thực tế. Chưa kể, việc tự động hóa các khâu còn dẫn đến nguy cơ thừa nhân lực trong tương lai nếu không có các giải pháp phù hợp.

Về vấn đề này, nhiều quản lý khách sạn cũng cho hay, công nghệ giúp giảm thiểu sử dụng nhân lực, song để áp dụng được cũng cần thời gian. Như Sheraton Hà Nội, phải mất một thời gian khá dài huấn luyện theo kiểu 1 kèm 1, đến nay, nhiều khâu vận hành mới “trơn tru”. 

Ngược lại, PGS.TS Phạm Trung Lương lại khá lạc quan với lý do, đội ngũ giảng dạy đã nghiên cứu, chuẩn bị sẵn tâm thế nên xã hội có nhu cầu thì công tác đào tạo nhân lực sẽ đáp ứng được. 

Tuy nhiên, nguy cơ khủng hoảng thừa nhân lực khi tự động hóa nhiều cần phải tính toán nghiêm túc chứ không nên đợi “nước đến chân mới nhảy”.

N.Nguyễn
.
.
.