Xuất khẩu thủy sản khó chạm mục tiêu 10 tỷ USD

Thứ Tư, 04/12/2019, 07:40
Dự báo xuất khẩu (XK) thủy sản năm nay ước đạt 8,9 tỷ USD, khó đạt mục tiêu 10 tỷ USD như dự kiến. Nguyên nhân XK cá tra, tôm gặp khó khăn về giá, thị trường.


Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 10 tháng đầu năm 2019, XK thủy sản cả nước đạt 7,09 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2018 do 2 mặt hàng XK chính là tôm và cá tra đều giảm. Cụ thể, XK tôm đạt 2,78 tỷ USD (giảm 6,4 %), XK cá tra đạt 1,64 tỷ USD (giảm 10%). Trong đó, XK thủy sản sang một số thị trường chủ lực giảm như: Mỹ đạt hơn 1,2 tỷ USD (giảm 6,4% so với cùng kỳ), EU đạt 1,1 tỷ USD (giảm 11,6%), Hàn Quốc 640,7 triệu USD (giảm 8,5%).

Theo Bộ NN-PTNT, trong năm 2019, XK thủy sản gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, các nước nhập khẩu lập hàng rào kĩ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có hồi kết; Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu, yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm…

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP, nhìn nhận: “Đã qua 11 tháng nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu XK thủy sản 10 tỷ USD như đặt ra từ đầu. Ước XK thủy sản năm 2019 chỉ đạt 8,9 tỷ USD. Nguyên nhân đầu tiên là giá XK điều chỉnh ở mức giảm từ 20-25%. Như cá tra ở thị trường Mỹ điều chỉnh giảm hơn 2 USD/kg, tôm giảm từ 1 USD/kg trở lên. Sản lượng năm nay có tăng nhưng doanh số thì giảm mạnh”.

Thu hoạch cá tra tại An Giang.

Nửa đầu năm nay, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tại các thị trường cao. Nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái. Trước tình hình này, yêu cầu trước mắt và dài hạn là phải tạo ra nguồn tôm sạch có chứng nhận với giá cạnh tranh và cần có thương hiệu cho tôm Việt.

“Vừa qua, công ty chúng tôi có làm việc với phía doanh nghiệp Hàn Quốc và họ gợi ý là XK tôm sống qua. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước để nghiên cứu công nghệ làm sao để XK tôm sống vì giá bán tôm sống cao gấp 10-15 lần so với tôm đông lạnh”, bà Võ Thị Ngọc Giàu, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Anh Tuấn (Cần Thơ) thông tin.

Về giá cá tra nguyên liệu trong nước trong năm nay, lượng tồn kho của nhà nhập khẩu còn và sản lượng nuôi tăng, dẫn đến cung vượt cầu. Trước tình hình này, VASEP đề nghị cần thiết có dữ liệu ngành đầy đủ và lũy kế theo chuỗi để đánh giá tình hình, áp dụng số hoá và có thông tin định hướng cho ngành. Người nuôi cần nắm được quy hoạch, giảm mật độ nuôi và tiến tới nuôi công nghệ, tránh ảnh hưởng đến môi trường.

Trong năm 2018, giá cá tra giống lên đến 60.000 đồng/kg nhưng thời điểm này chỉ còn 15.000 đồng/kg. Ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty Thuỷ sản Biển Đông cho rằng, với đà giảm này sẽ không ai nuôi cá tra giống nữa và 6 tháng sau không có cá giống thả.

“Cá tra nguyên liệu phụ thuộc rất lớn vào nguồn cá giống nên thay vì khống chế sản lượng, chúng ta mua ổn định 24.000-25.000 đồng/kg đảm bảo người nuôi cá giống có lời. Vừa qua một số nơi ở Long An, Đồng Tháp nuôi cá tra giống tràn lan nên cần quy hoạch mỗi tỉnh một khu vực tập trung nuôi cá giống và cá thịt cho phù hợp”, ông Trường đề xuất.

Theo ông Vũ Đức Trí, Giám đốc Quản lý doanh nghiệp đại diện Tập đoàn Việt - Úc, giống là nền tảng, sức sống cho toàn ngành cá tra. Sự bấp bênh của ngành cá tra bắt nguồn từ con giống, có lúc không có giống cung cấp cho vùng nuôi. “Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản, ngành nông nghiệp địa phương cần đẩy mạnh việc đánh số và quy hoạch vùng nuôi. Đồng thời, tạo quy chuẩn nhất định cho các cơ sở sản xuất giống, vùng nuôi đạt chất lượng mới bán ra thị trường”, ông Trí kiến nghị.

Tuy gặp nhiều thách thức trong năm nay, nhưng theo Tổng thư ký VASEP, sang năm 2020, XK thủy sản sẽ ổn định hơn. Thuế chống bán phá giá tôm ở thị trường Mỹ chỉ còn thuế suất 0%, chắc chắn XK tôm sang Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại, từ đây sẽ lan sang các thị trường khác, trong đó có EU.

Trong năm 2019, thị trường Trung Quốc có nhiều thay đổi trong nhập khẩu hàng hoá nhưng sang năm sau, thị trường này đã ổn định về chính sách cũng như kiểm soát. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có chuẩn bị kĩ, hiện hàng đi chính ngạch đã chiếm từ 70-80%, không còn đi đường biên mậu nhiều như trước. Bên cạnh đó, sản xuất nguyên liệu ổn định, cá tra đã giảm nhiệt và giá ở mức thấp kéo dài đến nửa đầu 2020, sau đó giá bật lên do cân đối lại nguồn cung và nhu cầu thị trường.

Như Anh
.
.
.