Buôn lậu xăng dầu bằng đường biển diễn biến phức tạp
- Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu xăng dầu trên biển phía Nam
- Buôn lậu xăng dầu trên biển ngày càng phức tạp và nghiêm trọng
- Buôn lậu xăng, dầu trên biển có chiều hướng gia tăng
Lợi dụng giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá xăng dầu tại các nước trong khu vực và thế giới, một số đối tượng, ngư dân hành nghề đánh cá trên biển đã biến các tàu, hầm chứa cá, nước đá… thành các khoang chứa xăng dầu với số lượng lớn nhằm trục lợi, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Liên tiếp phát hiện các vụ nhập lậu xăng dầu lớn
Đại diện Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, tình hình buôn lậu xăng dầu trên biển diễn ra tại các vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và đặc biệt nhiều tại vùng biển Tây Nam. Liên tiếp trong hơn 1 tháng qua, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển xăng dầu với số lượng lớn.
Cụ thể, ngày 11/12, tại khu vực biển cách Nam Tây Nam Côn Đảo khoảng 70 hải lý, tổ công tác Cục Nghiệp vụ và Pháp luật - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tiến hành kiểm tra và bắt giữ tàu mang số hiệu TG-96669TS đang vận chuyển khoảng 150.000 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Cũng trong sáng cùng ngày, tại khu vực biển cách Đông Nam Côn Đảo 80 hải lý, tổ công tác Cục Nghiệp vụ và Pháp luật đã tiến hành kiểm tra và bắt giữ tàu Công Trình 868 do ông Vũ Văn Thành, trú tại Hải Hậu, Nam Định làm thuyền trưởng và 7 thuyền viên đang vận chuyển khoảng 100.000 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Theo Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh pháp luật Cảnh sát biển, năm 2020, trước diễn biến của dịch COVID-19, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá trên biển, đặc biệt là tình hình vận chuyển, buôn lậu xăng dầu có những diễn biến phức tạp, hành vi phạm tội manh động, liều lĩnh. Trong đó, các tàu nghi vận chuyển hàng hoá trái phép có nguồn gốc nước ngoài luôn thường trực nguy cơ xâm phạm vùng biển Việt Nam để sang mạn trái phép hàng hoá.
Một tàu nước ngoài chở lượng lớn dầu không rõ nguồn gốc bị lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ. |
Giữa năm 2020, lực lượng Cảnh sát biển phát hiện 2 vụ buôn lậu xăng dầu có yếu tố nước ngoài vận chuyển tới 2.700m³ dầu DO.
Cụ thể, ngày 14/7, trên vùng biển Tây Nam, lực lượng Cảnh sát biển đã kiểm tra, tạm giữ tàu nước ngoài có tên Diamond Z do ông Ye Min Htun, quốc tịch Myanmar làm thuyền trưởng, có hành vi mua bán hàng hóa trái phép, trên tàu có 150.000 lít dầu không rõ nguồn gốc.
Ngày 19/5, phát hiện tàu MT Siam Varich không rõ quốc tịch tại vùng biển phía Nam vận chuyển 1,7 triệu lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ đang sang mạn dầu trái phép cho 1 tàu cá Việt Nam.
Biến tàu cá thành tàu xăng dầu
Từ cuối năm 2020, tình hình buôn lậu xăng dầu trên vùng biển Tây Nam có chiều hướng tăng so với cùng kỳ. Tình trạng các chủ phương tiện đánh bắt hải sản trên biển biến tàu cá thành tàu chứa xăng dầu để trục lợi diễn ra phổ biến ở tuyến biển này. Đây được xem là một trong những thủ đoạn mới đang gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra và xử lý của các lực lượng chức năng.
Điển hình, ngày 6/12/2020, tại vùng biển về phía Tây Nam Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 40 hải lý, lực lượng chức năng kiểm tra tàu cá có biểu hiện khả nghi. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 5 thuyền viên cùng khoảng 100m³ dầu DO đang được chứa trong khoang chứa của tàu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Chủ tàu thừa nhận tàu ra khơi không phải để đánh bắt cá, mà chở dầu đem bán cho các phương tiện khác lấy lãi.
Hay, lực lượng chức năng cũng phát hiện phương tiện tàu cá mang số hiệu TG 90959TS tại Sóc Trăng không đánh bắt thủy sản nhưng 5 hầm chứa cá đã bị biến thành 5 hầm chứa chất tinh thể lỏng nghi là dầu DO và 2 bộ dụng cụ sang chiết dầu.
Theo đại diện Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, hầu hết các đối tượng khi vận chuyển hàng hoá thường không mang theo hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, các đối tượng tìm đủ mọi cách để đối phó như hợp thức hoá chứng từ, hoá đơn, hoặc chuẩn bị sẵn lời khai, hồ sơ tài liệu của lô hàng để hợp thức hoá lô hàng.
Các đối tượng mua bán xăng dầu trên biển đều móc nối giao nhận dầu, tiền thông qua trung gian, hoạt động theo mô hình khép kín. Việc giao nhận dầu diễn ra trên biển nhưng việc giao nhận tiền lại được thực hiện khá tinh vi bài bản, người nhận tiền là người địa phương khác và chỉ sử dụng điện thoại bằng sim “rác” nên khi bắt giữ việc xác định chủ buôn lậu dầu, chứng minh yếu tố buôn lậu, xử lý vấn đề gặp nhiều khó khăn.
Thiếu tướng Trần Văn Nam cho biết, dự báo năm 2021, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá trên biển sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Đây cũng là năm được xác định sẽ có nhiều khó khăn khi tội phạm sử dụng phương thức, thủ đoạn đa dạng, hoạt động tinh vi trên nền thương mại điện tử trong các giao dịch, áp dụng các công nghệ cao vào hoạt động này ngày càng có tính chuyên nghiệp.
Các đối tượng thường lắp đặt các thiết bị hiện đại trên tàu để xác định phương tiện của lực lượng chức năng đến khu vực giao nhận hàng. Việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa chủ yếu vào ban đêm để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Đồng thời, các đối tượng thực hiện việc mua bán, rồi đưa hàng hóa vào đất liền tiêu thụ và trực tiếp bán cho các chủ tàu cá
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã mở đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển trước, trong và sau Tết Nguyên đán, từ ngày 1/12/2020 đến 17/1/2021 đã kiểm tra, bắt giữ 16 vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng xăng dầu và các hàng hóa khác trên biển.
Trước đó, trong năm 2020, Cảnh sát biển đã bắt, xử lý 58 vụ với 76 phương tiện, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và ước tính giá trị tang vật tịch thu hơn 300 tỷ đồng, trong đó thu gần 7 triệu lít dầu DO, gần 1,9 triệu lít xăng.
Thiếu tướng Trần Văn Nam cho biết, để đấu tranh với các loại hình tội phạm trên biển, đặc biệt đối với tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu đạt hiệu quả cao, lực lượng Cảnh sát biển đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở các vùng biển trọng điểm; thực hiện đồng bộ các giải pháp để phối hợp có hiệu quả với lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển.