Bán vốn Nhà nước đòi hỏi cả nghệ thuật và chiến lược

Chủ Nhật, 12/08/2018, 07:46
Trong thời gian qua, bức tranh cổ phần hoá (CPH), thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có độ tương phản khác nhau. Đã có đợt việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu(IPO) thắng lớn nhưng cũng có đợt IPO “ế hàng” không được như kỳ vọng.


Vì sao thoái vốn chậm?

Từ năm 2017 đến nay, nhiều DNNN đã IPO thành công bán được hết và được giá như Tổng Công ty (TCT) Lọc hóa dầu Bình Sơn thu về 5.414,65 tỷ đồng, TCT Điện lực Dầu khí  thu về gần 7.000 tỷ đồng, TCT Dầu thu được 4.039,96 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thu được 1.311 tỷ đồng, TCT Thương mại Hà Nội thu được 2.835 tỷ đồng, TCT Lương thực miền Nam 2.435 tỷ đồng… 

Bên cạnh đó, việc thoái vốn Nhà nước tại DN cũng có những thương vụ rất thành công như Sabeco, Vinamilk... Gần đây nhất, khi SCIC thoái vốn Nhà nước tại CTCP Nhựa Bình Minh thu về hơn 2.300 tỷ đồng. Trong khi đó, thương vụ IPO Becamex IDC chỉ thu về 588 tỷ đồng so với giá trị 9.650 tỷ đồng dự kiến. Hay như trong phiên IPO gần 220 triệu cổ phần của Công ty mẹ - TCT Sông Đà, chỉ có 790.900 cổ phần được bán thành công, tương đương 0,35% lượng chào bán, Nhà nước chỉ thu về gần 9 tỷ đồng.

Khi bán vốn DNNN phải nhìn ra người mua, đo được thị trường, chớp cơ hội đưa hàng ra đúng lúc. (Ảnh minh hoạ Internet)

Thực tế cho thấy, tiến trình CPH, thoái vốn đang rất chậm so với kế hoạch. Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, SCIC liên tục thành công trong việc thoái vốn, nhiều thương vụ lọt vào danh sách những thương vụ tiêu biểu của cả thập kỷ vừa qua như Vinamilk hay Nhựa Bình Minh. Tuy nhiên, đến nay SCIC vẫn chưa đạt được một nửa kế hoạch năm. 

Từ đầu năm đến nay, SCIC chỉ CPH được hai DN vì vấp rào cản mới tại Nghị định 32/2018/NÐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NÐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, có hiệu lực từ ngày 1-5-2018. 

Cụ thể, Nghị định 32 bắt buộc phải đưa lợi thế quyền thuê đất trả tiền hằng năm; định giá thương hiệu; quyền sử dụng đất giao, đất thuê; quyền sở hữu trí tuệ; giá trị văn hóa, lịch sử… vào giá khởi điểm. Ðây là điểm mới nhưng cũng là vấn đề khiến DN phải suy nghĩ nhất, không biết làm thế nào vì chưa có văn bản hướng dẫn. Nếu vẫn thực hiện theo tiêu chuẩn thẩm định giá, trong đó không thể hiện lợi thế quyền thuê đất trả tiền hằng năm thì sợ sai.

Giải quyết vướng mắc này, mới đây, Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng Công ty Viglacera (mã chứng khoán VGC) đã quyết định khảo sát giá thị trường là 10 đồng thì tự cộng 5 đồng vào cho yên tâm. Kết quả là giá chào bán cổ phần VGC cao hơn gần 10% so với giá cổ phiếu trên sàn, dẫn đến không bán được, phải giữ lại chờ đến năm 2019 thoái tiếp. 

“Chúng tôi chưa đạt kế hoạch đề ra và cũng mong muốn làm được nhiều hơn nữa nhưng về cơ bản Tổng công ty vẫn phải chịu nhiều ảnh hưởng cả khách quan lẫn chủ quan”, ông Chi nói.

Không bán bằng mọi giá

Theo kế hoạch năm 2018 phải hoàn thành CPH ít nhất 85 DN (21 DN thuộc danh mục năm 2017 và 64 DN thuộc danh mục năm 2018); nhưng đến hết tháng 7 mới CPH được 20 DN. Bên cạnh đó có 181 DN phải thực hiện thoái vốn, nhưng đến nay, mới thực hiện thoái vốn tại 10 DN. Trong số các DN trong diện CPH, thoái vốn có nhiều DNNN lớn, và cũng đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhưng số thương vụ thực hiện được lại rất ít.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN cho rằng, phải tích cực nỗ lực thực hiện kế hoạch CPH và thoái vốn nhưng không thể hy sinh chất lượng để lấy tiến độ. Quan trọng là lợi ích thu được sau khi CPH.

Tiến độ cũng là cần thiết, song điều quan trọng nhất trong tiến trình CPH, thoái vốn là hiệu quả. Ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, trong mỗi thương vụ thoái vốn Nhà nước, cần làm rõ mục tiêu thoái vốn, rất cần quan điểm và phân tích của các bên tư vấn để có phương thức, thời điểm phù hợp. 

Bên cạnh đó, ông Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, bán vốn Nhà nước nên khôn ngoan và có chiến lược để nâng cao hiệu quả phần vốn Nhà nước trong DN. Không phải khi có quyết định bán là ngày hôm sau quẳng hết hàng ra bán ào ạt. Nếu bung hàng cùng lúc sẽ không thành điểm cộng tốt mà sẽ triệt tiêu nhau.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chi cho rằng, khi bán vốn DNNN phải nhìn ra người mua, đo được thị trường, tính được thời điểm để định giá tốt nhất, chớp cơ hội đưa hàng ra đúng lúc. Vì thế, quan điểm của SCIC là xem xét lựa chọn các phương án thoái vốn cho phù hợp thị trường chung, mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, chứ không phải đem hàng ra bán bằng mọi giá.

Trân Trân
.
.
.