Mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long
- Agribank tiên phong rót vốn cho nông nghiệp công nghệ cao
- Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao: Làm gì để hiệu quả?
- Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao: “Thảm đỏ” không trải sẵn2
- Chính phủ luôn ủng hộ nông nghiệp công nghệ cao
Bài 1: Khẩn trương gỡ rào cản
Khắc phục những tồn tại, yếu kém
Năm 2016, ĐBSCL đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn nặng nhất trong vòng 100 năm qua, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, sinh kế người dân. Thực tế, mô hình phát triển nông nghiệp của vùng chưa đảm bảo tính bền vững, vốn đầu tư cho nông nghiệp lại khiêm tốn, nông nghiệp công nghệ cao khó nhân rộng…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng và 36,5% lượng trái cây cả nước. Vùng cung cấp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và chiếm 20% thị phần gạo thương mại toàn cầu, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD năm 2016; kim ngạch xuất khẩu cá tra khoảng 1,7 tỷ USD năm 2016; sản lượng tôm chiếm 80% sản lượng và đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước, đạt 3,15 tỷ USD năm 2016.
Xuất khẩu trái cây của vùng tăng trưởng nhanh, đạt khoảng 1,1 tỷ USD trong giai đoạn 2010 – 2016. Mặc dù nông nghiệp là “trụ đỡ” cho sự phát triển kinh tế của vùng trong nhiều năm qua nhưng tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của vùng đã chậm lại, từ mức 7,15%/năm giai đoạn 2001-2010, xuống còn khoảng 5% vào giai đoạn 2011-2016.
Mức đóng góp của ngành nông nghiệp ĐBSCL vào GDP nông nghiệp toàn quốc cũng giảm dần từ mức 52,8% vào năm 2000, xuống còn 37% năm 2015. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp ĐBSCL cũng dịch chuyển với tốc độ khá chậm, chủ yếu vẫn dựa vào trồng trọt (trên 60% tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản). Sinh kế của người nông dân ĐBSCL cải thiện tương đối chậm so với mặt bằng chung cả nước...
Mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao triển khai tại Bạc Liêu. |
Hiện nay, ba khâu yếu kém nhất về mặt khoa học công nghệ trong nông nghiệp ở ĐBSCL là giống (trái cây, chăn nuôi, thủy sản), thức ăn thủy sản và chế biến sâu (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản). Đơn cử, ĐBSCL hiện có hơn 800 trại sản xuất tôm giống nhưng rải rác khắp nơi, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng con giống không cao, chỉ đủ cung cấp 50% nhu cầu.
Các cơ sở chế biến nông sản, thủy sản chậm đổi mới công nghệ, vẫn chủ yếu là sản phẩm đông lạnh có giá trị thấp, các sản phẩm được chế biến sâu, có giá trị cao chưa nhiều, tính cạnh tranh kém. Vốn đầu tư cho khoa học nông nghiệp thấp, chưa tạo động lực mạnh mẽ để nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp giá trị cao và bền vững.
ĐBSCL đang cần cuộc chuyển đổi lớn trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư cho khoa học nông nghiệp để tạo ra chuỗi giá trị lớn, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tạo bước chuyển căn cơ
Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 639/QĐ-BNN-KH phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong điều kiện BĐKH. Ngành nông nghiệp cũng có một số dự án lớn được triển khai tại vùng như: Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới…
Ngoài ra giai đoạn 2011-2017, các Viện Nghiên cứu của Bộ đã lai tạo và công nhận 41 bộ giống lúa sản xuất thử, trong đó có nhiều giống ngắn ngày, giúp né mặn, tránh lũ, chịu phèn, chịu mặn. Các mô hình canh tác theo tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP cũng được áp dụng rộng rãi.
Cuộc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của vùng đã và đang manh nha hình thành. Ngày 24-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển ngành tôm tỉnh Bạc Liêu nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, với quy mô 418,91ha. Mục tiêu là xây dựng các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để nhân rộng ra các vùng nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu, vùng bán đảo Cà Mau, ĐBSCL và cả nước.
Bưởi da xanh, mang lại thu nhập cao cho nhiều nhà vườn ở ĐBSCL. |
Tại tỉnh Hậu Giang, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 5.200ha cũng đang tích cực kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư. TS Lê Hoàng Xuyên, Giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, cho biết đến nay, khu nông nghiệp đã tiếp và làm việc với 6 công ty, doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.
Nhiều nhà đầu tư trong nước cũng đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư về cơ sở hạ tầng, thiết bị tưới nhỏ giọt, trồng chuối, cây ăn trái. Trong các phân khu, tỉnh kêu gọi đầu tư thủy sản, lúa, cây trồng cạn và vi sinh. Khu thực nghiệm trồng cây trồng cạn và vi sinh, khu thực nghiệm và trình diễn lúa.
Tỉnh Đồng Tháp cũng đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng nông sản và giảm chi phí sản xuất. Ông Nguyễn Văn Dự (ngụ khóm Tân Huề, phường Tân Quy Đông), gần 20 năm trong nghề sản xuất hoa kiểng, cho biết: “Những năm gần đây, thời tiết mưa nắng thất thường, khiến cho việc trồng hoa gặp bất lợi, dịch bệnh cũng gia tăng. Nhờ Trạm khuyến nông chuyển giao công nghệ sản xuất hoa kiểng trong nhà màng và được hỗ trợ 30% về kinh phí, tôi mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà màng sản xuất hoa kiểng trên diện tích khoảng 300m², với kinh phí gần 70 triệu đồng”.
Theo bà Thái Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Sa Đéc, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoa kiểng đã giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho người nông dân. Hệ thống nhà màng, nhà lưới quản lý tốt mầm bệnh, dịch hại trên cây trồng làm giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cùng 1 diện tích và đảm bảo sản xuất hoa quanh năm nhằm phục vụ khách tham quan du lịch.
Vừa qua, Đồng Tháp đã kiến nghị Bộ NN&PTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung Khu ứng dụng nông nghiệp cao tỉnh Đồng Tháp, với diện tích 150 - 200ha gồm 3 tiểu khu: Chuyên phát triển sản xuất hoa kiểng tại TP Sa Đéc; vùng chuyên canh cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch huyện Cao Lãnh và vùng chuyên canh hoa màu huyện Thanh Bình.
Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Đồng Tháp đang hợp tác với Hà Lan, Nhật Bản từng bước chuyển giao giống hoa kiểng mới, kỹ thuật sản xuất công nghệ cao để thúc đẩy phát triển làng hoa Sa Đéc. Đồng thời khuyến khích nhà vườn sản xuất cây ăn trái theo hướng VietGAP.
Hiện tại, Đồng Tháp có 21ha/25 hộ được cấp chứng nhận xoài đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; 5ha/5 hộ được cấp chứng nhận xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP và cấp mã số vùng trồng xoài xuất khẩu sang New Zealand với diện tích 33,2ha/40 hộ…
Hay như mô hình “cây xoài nhà tôi” ở hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) là một điển hình sinh động cho sự thay đổi. Với mô hình này, những cây xoài của xã viên sẽ được giới thiệu lên trang web của đơn vị, người mua ưng ý một hoặc nhiều cây xoài sẽ làm hợp đồng sở hữu trong thời gian nhất định.
Theo đó, khách hàng được hưởng toàn bộ nguồn lợi từ cây xoài với cam kết sản xuất an toàn từ các hộ xã viên. Đây là ý tưởng không mới ở nước ngoài, nhưng ở Việt Nam vẫn còn mới lạ. Nó cũng phản ánh một góc nhỏ của tái cơ cấu ngành nông nghiệp - đó là quá trình chuyển từ tăng trưởng dựa vào quy mô sản xuất sang tăng trưởng dựa trên sáng tạo trong nền trong nền kinh tế tri thức.