An toàn thực phẩm: Hễ kiểm tra là "lòi" ra sai phạm

Thứ Năm, 10/05/2018, 09:26
Trong 2 tháng đầu năm 2018, Ban Quản lý ATTP TP HCM cũng đã ban hành 84 quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng, trong đó có nhiều hộ kinh doanh, sản xuất thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không rõ nguồn gốc...

Chiều 8-5, Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) do bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu đã đột xuất kiểm tra tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại chả giò Hiền Khánh (số 35 đường số 17, khu phố 3, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) phát hiện có số lượng lớn sản phẩm giò chả sắp được đưa ra thị trường tiêu thụ, nhưng toàn bộ việc sản xuất chế biến được làm trong điều kiện mất vệ sinh.

Theo chủ cơ sở, mỗi ngày cơ sở đưa ra thị trường từ 500-700kg giò chả thành phẩm. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra yêu cầu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu gồm thịt, bột mỳ, bột năng, các loại gia vị… thì chủ cơ sở không đưa ra được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ khai báo là mua ở chợ đầu mối.

Chủ cơ sở không chứng minh được xuất xứ nguồn gốc nguyên liệu sử dụng.

Cũng tại cơ sở chế biến thực phẩm Hoàng Thanh (571 đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), đoàn công tác cũng ghi nhận cơ sở đang đóng gói bao bì nhiều thành phẩm giò chả nhưng không hề có nhãn mác. 

Trong khi, mỗi ngày cơ sở này bán ra thị trường từ 40-50 kg giò chả và patê các loại. Ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã lập biên bản vi phạm và có hình thức xử lý đối với hai cơ sở này.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đợt kiểm tra đột xuất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hưởng ứng Tháng cao điểm ATTP. 

Sáng 9-5, tại cuộc họp với ban chỉ đạo liên ngành ATTP của TP Hồ Chí Minh và 24 quận, huyện, bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng, qua sai phạm của các cơ sở vừa bị phát giác cho thấy, công tác tuyên truyền thông tin về ATTP đến người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn chưa thật sự tốt.

Bà Thủy cũng đề nghị, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tăng cường công tác kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhất là với các cơ sở làm nhỏ lẻ trên địa bàn. Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ thực hiện công tác quản ý ATTP trên địa bàn. 

Để việc xử lý mang tính răn đe, cơ quan chức năng cần công bố những cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông để người dân được biết, cơ sở vi phạm nhìn vào đó để chấn chỉnh, sửa đổi.  

Trưởng ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, để chặn đứng thực trạng sản xuất thực phẩm mất an toàn, Ban kiên quyết xử phạt cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đối với những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, các đội thanh tra cũng tăng cường hậu kiểm và xử phạt. 

Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương phối hợp thực hiện công tác này nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm chất lượng. 

Riêng trong 2 tháng đầu năm 2018, Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành 84 quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng, trong đó có nhiều hộ kinh doanh, sản xuất thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không rõ nguồn gốc...

H.Nga
.
.
.