Xuất khẩu mắm tôm sang Nhật Bản và Australia

Thứ Ba, 26/12/2023, 16:38

Tại toạ đàm “Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 26/12, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong năm 2023, mắm tôm Lê Gia đã xuất khẩu (XK) sang Nhật, Australia; miến dong của Bình Liêu cũng sắp XK sang châu Âu và châu Úc.

Theo ông Tiến, số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP đã tăng rất nhanh. Đến thời điểm này đã có 11.054 sản phẩm OCOP. Điểm ấn tượng là chất lượng sản phẩm OCOP đã được nâng cao và cải thiện rất nhiều, đặc biệt là việc ứng dụng các công nghệ. Sản phẩm OCOP là sự kết tinh giữa các giá trị bản địa với khoa học, công nghệ và sự sáng tạo, tâm huyết của các chủ thể đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hiện đại. Cùng với đó, mẫu mã cũng như bao bì đã được cải thiện rõ rệt, không thuần túy là bao bì đơn giản như trước đây mà hiện nay có rất nhiều những loại bao bì hiện đại, ấn tượng và câu chuyện sản phẩm cũng đã được thể hiện.

Và tất cả các sản phẩm OCOP thì đều đạt được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam như là ISO, HACCP, GAP và một số sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm OCOP 5 sao và tiềm năng 5 sao thì cũng đạt được những tiêu chuẩn của thị trường thế giới.

 Xuất khẩu mắm tôm sang Nhật Bản và Australia -0
Sản phẩm OCOP ngày càng được đổi mới về mẫu mã, chất lượng.

Về mặt thương mại, có thể thấy rằng các sản phẩm OCOP giai đoạn đầu, chủ yếu tập trung tại các thị trường nội địa, trong tỉnh hoặc là trong huyện. Nhưng đến bây giờ, rất nhiều sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ rộng khắp trên thị trường cả nước và đã có những sản phẩm đã được XK. Trước đây, chúng ta chỉ nghĩ đến các sản phẩm có thế mạnh như là gạo hay là các loại hạt. Nhưng đến nay, kể cả những sản phẩm đặc sản như là mắm tôm, trong năm 2023, mắm tôm Lê Gia đã XK sang Nhật, Australia; hay miến dong của Bình Liêu cũng sắp XK sang châu Âu và châu Úc.

"Các sản phẩm đặc sản truyền thống của Việt Nam đã bắt đầu được bạn bè thế giới chấp nhận với tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP và câu chuyện về những nhà hàng bán bún đậu mắm tôm ở New York cho thấy rằng văn hóa ẩm thực của Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận và được thị trường thế giới chấp nhận", ông Tiến cho hay.

Theo ông Tiến, với sự vào cuộc của các bộ, ngành, sản phẩm OCOP không chỉ phân phối tại các kênh truyền thống mà còn được đưa sàn thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt trong năm 2023 trên nền tảng TikTok Shop đã đạt doanh thu lên tới 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trên sàn thương mại điện tử Postmart, hiện đã có hơn 8.000 sản phẩm OCOP góp mặt. Mặc dù con số này vẫn còn tương đối nhỏ nhưng đã tạo ra được sự tiếp cận đến hơn 300 triệu lượt người xem. Như vậy, với sự vào cuộc của các bộ, ngành, các địa phương và đặc biệt là sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các chuỗi và hệ thống TMĐT đã góp phần đưa được giá trị sản phẩm OCOP lan tỏa.

Ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) cho rằng, lợi thế của các sản phẩm OCOP khi lên sàn là kiểm soát chất lượng không chỉ theo tiêu chí của sàn mà còn phải đáp ứng được tiêu chuẩn của các bộ, ban, ngành và đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng đúng giá trị.

Tuy nhiên, bên cạnh điểm mạnh, các sản phẩm OCOP còn tồn tại nhiều điểm yếu mà một trong số đó là khâu đóng gói, nhận diện thương hiệu. Hiện, phần lớn sản phẩm OCOP là các sản phẩm nông sản, xuất phát từ khu vực nông thôn nên còn hạn chế trong khâu thiết kế hình ảnh sản phẩm, kể một câu chuyện về sản phẩm. Bên cạnh đó, khả năng bảo quản, vận chuyển cũng còn nhiều hạn chế. Để hỗ trợ các chủ thể, sàn Postmart cũng đang cố gắng làm sao mở thêm được không gian để phát huy được giá trị gia tăng, giá trị của sản phẩm và đồng thời điều chỉnh các cách làm để phù hợp với điều kiện của mình cũng như là sản phẩm của bà con nông dân. 

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT luôn luôn song hành cùng với Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao để nâng tầm của sản phẩm OCOP, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đa kênh, kết hợp xúc tiến thương mại bằng các kênh truyền thống như tổ chức hội chợ và các triển lãm, các hội nghị kết nối cung cầu.

Đặc biệt, hiện nay khi nói đến sản phẩm OCOP là nói đến văn hóa, giá trị truyền thống thì công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP cũng được định hướng tới các không gian OCOP, các khu trải nghiệm OCOP gắn liền với các lễ hội văn hóa, các lễ hội về du lịch. Cùng với đó là đẩy mạnh đưa sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT để phù hợp với người tiêu dùng thế hệ Gen Z

Lưu Hiệp
.
.
.