Thuế suất nhiều mặt hàng về 0%, Giá ôtô nhập khẩu có giảm?
Khó giảm sâu?
Theo lộ trình cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ ngày 1-1-2018, Việt Nam phải xóa bỏ thuế quan của 90 dòng thuế nhập khẩu từ ASEAN, trong đó có ôtô nguyên chiếc. Số liệu thống kê từ thực trạng năm 2017 của Bộ Tài chính cho thấy tỷ trọng xe nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng đến 50,4% về lượng và 82,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Cơ quan này dự kiến từ năm 2018, lượng nhập khẩu vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng.
“Mặt hàng được dư luận đặc biệt quan tâm là xe ôtô nguyên chiếc các loại giảm xuống 0%, dự kiến sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường ôtô Việt Nam và ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Việc giảm thuế nhập khẩu khiến khách hàng có tâm lý chờ mua xe sau ngày 1-1-2018 dẫn đến thị trường tiêu thụ giảm sút nghiêm trọng. Sản lượng bán hàng của các doanh nghiệp cũng giảm theo.
Việc sụt giảm sản lượng sản xuất và bán hàng sẽ làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm nghìn lao động trực tiếp trong ngành ôtô, tác động bất lợi đến thu ngân sách địa phương tại các tỉnh có nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô”, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) thông tin.
Tuy nhiên, giảm thuế là 1 chuyện, còn giảm giá hay không lại là chuyện khác. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng thuế là một trong những yếu tố tạo nên giá bán, nên thuế nhập khẩu giảm thì giá bán sẽ giảm. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là 1 điều kiện vì giá xe ôtô trong nước còn phụ thuộc nhiều vào thuế GTGT, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Thu nhập doanh nghiệp… và phụ thuộc vào giá xăng dầu.
Đối với người tiêu dùng, viễn tưởng người Việt Nam dùng ôtô giá rẻ trong bối cảnh hội nhập sẽ khó vì hạ tầng cơ sở của chúng ta kém dẫn tới việc hạn chế xe cá nhân. Chưa kể, chính sách thuế, phí của chúng ta còn cao nên khả năng người Việt được sử dụng ôtô giá rẻ là khó.
Như vậy, với hàng tá lý do, khi thuế nhập khẩu giảm, việc giá xe hạ là có, song mức giảm bao nhiêu mới là vấn đề đáng bàn. Thế nhưng, một vấn đề đáng quan tâm hơn đó là ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Bộ Tài chính cho biết để giảm thiểu những ảnh hưởng này, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành của Chính phủ về ngành công nghiệp ôtô để đánh giá toàn diện những khó khăn, thách thức của ngành do tác động của việc hội nhập kinh tế quốc tế. Quốc hội cũng có Nghị quyết nêu rõ định hướng cần tiếp tục thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2035; xây dựng lộ trình thực hiện kể từ năm 2017 cơ chế khuyến khích sản xuất để đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ôtô.
“Để triển khai được những chủ trương, định hướng phát triển ngành công nghiệp ôtô của Chính phủ, Quốc hội, cần có những chính sách để khuyến khích cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô phát triển. Một trong những giải pháp đó là tăng thuế nhập khẩu đối với xe ôtô đã qua sử dụng để hạn chế nhập khẩu chủng loại xe này, đồng thời Chính phủ cũng có chính sách khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước sản xuất, lắp ráp các xe gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và có giá thành cạnh tranh được với xe nhập khẩu”, bà Hằng cho biết.
Thuế xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN chính thức giảm về 0%. |
Cạnh tranh cùng có lợi
Theo lộ trình, từ ngày 1-1-2018, một loạt thuế suất thuế xuất nhập khẩu sẽ có thay đổi. Bên cạnh hy vọng các mặt hàng nhập khẩu được giảm giá, nhiều người cũng thấp thỏm lo sức cạnh tranh của hàng nội địa bị giảm sút. Ví dụ khi giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Nhật về khiến các cửa hàng, siêu thị Nhật mọc lên như nấm. Nếu năm sau tiếp tục giảm thì liệu hàng Việt Nam có "đọ" lại nổi?
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của Hiệp định AJCEP và VJEPA. Các Hiệp định này được đàm phán và ký kết (có hiệu lực vào năm 2008 đối với Hiệp định ASEAN - Nhật Bản và vào năm 2009 đối với Việt Nam - Nhật Bản) trên cơ sở phù hợp với Luật ký kết điều ước quốc tế.
Theo đó, các cam kết về thuế được xây dựng sau khi lấy ý kiến rộng rãi của bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Giai đoạn năm 2016-2018, theo cam kết tại các Hiệp định, thuế suất trung bình nhập khẩu của Việt Nam đối với các mặt hàng từ Nhật Bản đủ điều kiện được hưởng thuế suất ưu đãi năm 2016 là 6,2%;năm 2017 là 5,6%, năm 2018 dự kiến là 4,2%. Theo đó, việc giảm thuế thực hiện giảm dần đều qua các năm.
“Trong quan hệ thương mại Việt Nam-Nhật Bản, hiện nay cơ bản đạt thương mại cân bằng. 9 tháng đầu năm kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều là 11 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu là 13,41 tỷ USD, xuất khẩu là 13,7 tỷ USD. Khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do, cụ thể trên lĩnh vực thương mại, hàng hóa các đối tác hướng tới mục tiêu tự do hóa thương mại cùng có lợi.
Trong 10 Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, các nước đối tác cam kết giảm thuế cho hàng hóa của Việt Nam với tỉ lệ dòng thuế xóa bỏ thuế quan cơ bản cao hơn, với lộ trình ngắn hơn so với Việt Nam, phù hợp với nguyên tắc các bên cùng có lợi cũng như nguyên tắc phù hợp với trình độ phát triển.
Việc đạt được cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của các nước đóng góp vào gia tăng xuất khẩu của Việt Nam tới các thị trường này. Trong 11 tháng năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam đạt 193,8 tỉ USD, tăng 21,1% so với cùng kì năm 201”, ông Tuấn cho biết.