Đội tuyển Việt Nam nhìn từ những cái tên thuyền trưởng

Chủ Nhật, 06/03/2016, 18:07
Khi HLV Nguyễn Hữu Thắng chính thức nhậm chức ở ĐTVN, thay thầy Nhật Toshiya Miura thì chúng ta bỗng giật mình nhìn lại những ông thầy nội - những cái tên nội đã từng ngồi ở vị trí này, kể từ thời hậu Falko Goetz.

 

Đầu tiên là ông Phan Thanh Hùng. Phải nói, trước thềm AFF Suzuki Cup 2012, khi ông Hùng tự tin nhận nhiệm vụ, và khi những lời có cánh không ngừng được dành cho ông thì ai cũng tin ông rồi sẽ trở thành một người hùng thật sự.

HLV Hữu Thắng liệu có giúp ĐTVN đổi vận?

AFF Cup ấy, ông Hùng tự tin dẫn quân sang đất Thái, nhưng ngay ở nhịp 1 - nhịp khởi đầu đã phải sống trong 90 phút suýt thua kèo dưới Myanmar.

Thời điểm ấy, đừng nói tới chuyện người hùng, chỉ là chuyện người thường, chuyện của một HLV bình thường ông Hùng có lẽ cũng không đáp ứng được. Bằng chứng là ông đã không đủ dũng khí đối diện với báo giới, nên đã nhường lại quyền họp báo cho phó tướng Hoàng Anh Tuấn.

HLV Phan Thanh Hùng.

Sau đó, đến trận quyết đấu với Philipines, khi chúng ta thua đau 0-1 thì ông Hùng thể hiện một gương mặt thất thần ngay trên đường piste. Và sau trận đấu này, người tham gia họp báo lại không phải là ông, mà là trưởng đoàn ĐT Ngô Lê Bằng.

Ít ai biết rằng, sau khi ĐT về VIệt Nam, mổ xẻ nguyên nhân thất bại thì ông Hùng đã bị PCT tài chính VFF phê phán dữ dội. Phải kìm nén lắm,  người đàn ông nổi tiếng là hiền lành, tình cảm này mới không đưa ra những cú phản đòn đủ nhiệt.

Với ông, suy nghĩ lúc ấy thật đơn giản: Thôi thì chia tay cho nhanh, chia tay mãi mãi, không hẹn ngày trở lại. Rõ ràng là nhiệm kỳ ngắn ngủi của Phan Thanh Hùng trên cương vị HLV trưởng ĐTVN là một nhiệm kỳ mà ông đã không thể trở thành "người hùng" như những gì người ta kỳ vọng ở vạch xuất phát đầu tiên.

 

HLV Hoàng Văn Phúc.

Sau thời Phan Thanh Hùng, ĐTQG và U.23 QG lại được giao cho một người có cái tên rất sáng: Hoàng Văn Phúc. Thời điểm ông Phúc nhận đội tuyển, có người bảo ông đúng là "gặp phúc" khi đấy là thời điểm mà hàng loạt cái tên HLV gạo cội, sáng láng hoặc đang có việc làm ở cấp CLB, hoặc đang rảnh việc nhưng lại không được lòng các quan VFF, nên cuối cùng mọi sự chọn lựa đổ dồn vào chỉ một mình ông.

Nhưng cùng với thời gian, phúc đâu chẳng thấy, người ta lại thấy ở ông và cái tập thể do ông dẫn dắt là rất nhiều mầm hoạ.

BTV Cup - một giải giao hữu quốc tế ở Bình Dương, chuẩn bị cho SEA Games năm 2013, ĐT U.23 Việt Nam của ông Phúc đã có một trận hoà rất kỳ lạ, mà theo đánh giá của giới chuyên môn là "cố tình hoà, để chọn lựa đối thủ ở bán kết".

Sau trận đấu bị đánh giá là "cố tình hoá" ấy, ông Phúc đã bị tạm thời đình chỉ nhiệm vụ, và ông đã dỗi hờn tới độ tính đến chuyện bỏ ĐT, xách vali về Hà Nội. Nhưng khi các học trò gõ cửa phòng, động viên thầy ở lại thì ông đã quyết định ở lại, và sau đó quyết định nhận nhiệm vụ dẫn dắt ĐT dự SEA Games sau khi được VFF phục chức.

Tiếc cho ông Phúc là SEA Games ấy, U.23 Việt Nam bị loại nhanh sau trận thua U.23 Singapore - một đối thủ vừa yếu vừa thiếu vừa non hơn mình. Và thực sự thì nhiệm kỳ của ông Phúc, người ta không nhớ nhiều đến một kỳ SEA Games nhạt, mà nhớ nhiều đến một BTV Cup với một mối hoạ lớn mà ông là chủ nhân.

Như thế, khi ngồi ghế thuyền trưởng ĐT, ông Phan Thanh Hùng đã không thể trở thành người hùng, ông Hoàng Văn Phúc cũng không thể giúp chính ông được phục, còn bây giờ, dưới thời một thầy trẻ mang tên Hữu Thắng thì sao?

HLV Hữu Thắng.

Có một điểm khác cơ bản và quan trọng của Hữu Thắng so với 2 người tiền nhiệm Việt Nam của mình, đó là nếu 2 người tiền nhiệm ấy là điển hình cho lối cầm quân tình cảm thì Hữu Thắng lại điển hình cho lối cầm quân sắt đá. Nói theo ngôn ngữ của các cầu thủ thì với ông Hùng, ông Phúc có thể các cầu thủ "vì thương thầy mà đá" thì với Hữu Thắng, lại là chuyện các cầu thủ "vì sợ thầy, nể thầy mà đá".

Chờ xem, một giai đoạn mới, một cái tên mới - Hữu Thắng rồi có giúp ĐTVN gặt được những thắng lợi quyết định hay không!?

 

Toàn quyền chọn người

Một trong những khác biệt quan trọng của HLV Nguyễn Hữu Thắng so với Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc là việc được toàn quyền chọn một ê kíp trợ lý, theo chủ đích của mình. Trước đây, ông Hùng, ông Phúc khi lên ĐT phải tiếp nhận một ê kíp trợ lý được VFF "ấn" vào, và đã có rất nhiều đồn thổi về việc các trợ lý để lên được ĐT cũng phải đi qua nhiều vòng, nhiều cửa khác nhau.

Rõ ràng, việc Hữu Thắng được toàn quyền quyết từ A đến Z về mặt nhân sự là một sự thay đổi lớn, và hy vọng với những thay đổi mang tính bước ngoặt như thế, Hữu Thắng sẽ làm việc trơn tru, hiệu quả cùng với một bộ máy rất "ăn giơ" với mình.

Ngọc Anh  

Diệp Xưa
.
.
.