Bóng đá Đông Nam Á nhìn từ AFF Suzuki Cup 2016:

Thái Lan chạy và... không ai đuổi

Thứ Bảy, 28/01/2017, 07:57
Khi Thái Lan thua Indonesia 1-2 trong trận chung kết lượt đi trên đất Indo, HLV trưởng Đội tuyển Thái - Kiatisak bảo ông thấy đau đầu trước trận lượt về, và bảo: "Tôi đã mất ngủ vài đêm để nghĩ chiến thuật thi đấu". Nhưng sự thực 90 phút chung kết lượt về, Thái vừa đá vừa "nghịch" vẫn thắng dễ Indonesia 2-0, để lần thứ 5 lên ngôi hoàng Đông Nam Á.

Trận đấu đầu tiên của Thái ở AFF Cup năm nay cũng chính là trận đấu với Indonesia ở vòng bảng, và nói theo cách của một tờ báo Việt Nam thì đấy cũng là trận Thái vừa đá vừa "nghịch" vẫn có thể thắng dễ 4-2. Điều đó chứng tỏ trận thua ở chung kết lượt đi chỉ là một tai nạn nhỏ, và sau tai nạn nhỏ, khi tập trung trở lại, đá với đúng sức, đúng lực của mình thì Thái có thể "giải quyết" Indo một cách tất yếu.

Ngay chính người Indo cũng hiểu điều này. HLV trưởng Indo - Alfred Riedl nói ngay sau trận lượt đi: "Hôm nay chúng tôi thắng nhưng phải ít nhất 2 năm nữa chúng tôi mới có trình độ tương đương họ".

Người hâm mộ Indo dù rất kỳ vọng đội mình lần đầu đoạt cúp và HLV Alfred Riedl lần đầu thoát khỏi thân phận về nhì thì sau khi đội tuyển của mình về nhì, tuyệt đối không có một lời trách móc, thất vọng nào. Có lẽ họ hiểu, thua Thái lúc này là... đương nhiên.

Cả Đông Nam Á ngả mũ trước ngôi vô địch ấn tượng của Đội tuyển Thái Lan.

Còn với Việt Nam, sau khi Đội tuyển Việt Nam thua Indonesia ở bán kết, trên mạng xã hội đã xuất hiện những ý tưởng vui đùa ngộ nghĩnh rằng: "Việt Nam thua là để... tránh Thái Lan". Trong cái câu nói đậm chất bông lơn, vui đùa ấy thực ra có một lo lắng rất thật: nếu vượt qua bán kết để vào chung kết với Thái, không hiểu chúng ta có thể cầm cự với Thái được bao lâu?

Trước đó, ở vòng loại thứ 2 World Cup 2018 khu vực châu Á, Việt Nam từng thua Thái cả 2/2 trận lượt đi, lượt về, trong đó trận lượt về thua 0-3 ngay trên sân nhà đến tận lúc này vẫn là một nỗi đau khó dịu. Tất cả những điều này nói rằng, ở đấu trường Đông Nam Á hiện nay, Thái Lan thực sự vẫn đang một mình một ngựa, và "con ngựa" ấy có thể đè nghiến mọi đối thủ một cách đủng đỉnh, ung dung nhất.

Thế mới có chuyện ngay sau khi giúp Thái đi vào lịch sử với chức vô địch AFF Cup lần thứ 5, HLV trưởng Kiatisak mới phải đối diện với... nguy cơ mất chức. Báo chí Thái nói rằng hợp đồng giữa "Sắc" với Liên đoàn Bóng đá sẽ kết thúc vào tháng 2 năm 2017, và có vẻ những lãnh đạo Liên đoàn không quá mặn mà với một ông thầy chỉ có thể giúp đội nhà... vô địch Đông Nam Á.

Mặc dù Kiatisak đăng đàn nói những câu đại loại: "Để có thể vô địch, chúng tôi đã phải vượt qua nhiều khó khăn" thì có lẽ, trong thâm tâm mình "Sắc" cũng hiểu rõ hơn ai hết cái gọi là "khó khăn" ấy thực sự có tồn tại hay không. Năm ngoái khi "Sắc" bận cầm Đội tuyển Quốc gia, nhường quyền chỉ đạo Đội tuyển U.23 Quốc gia, dự SEA Games 28 cho một trợ lý, và khi vị trợ lý này đưa U23 Thái vô địch SEA Games thì chính "Sắc" cũng từng bảo: "Với U.23 Thái, để vô địch SEA Games thì ai cũng có thể làm được".

Có một sự khác biệt mênh mông giữa Thái Lan với phần còn lại của Đông Nam Á, đó là trong khi các nền bóng đá Đông Nam Á không ngừng tìm các "đối tác ngoại", du nhập những "công nghệ đào tạo ngoại" vào mình thì Thái thậm chí đang có nhà tỷ phú Vichai sở hữu CLB Leicester City - đương kim vô địch giải Ngoại hạng Anh.

Và thông qua ông Vichai, hàng loạt tài năng trẻ của Thái đã được đưa sang Anh tập huấn dài kỳ. Mà nghe đâu, những người tập huấn ở một Leicester "quen biết" - một Leicester "người nhà" đều là những người đã trượt khỏi những lò đào tạo danh tiếng khác.

Nhìn vào giải vô địch Quốc gia, trong khi các giải vô địch của Việt Nam, Malaysia, Indonesia... cứ loay hoay mãi với chuyện số lượng cầu thủ ngoại trong một trận đấu cùng hàng loạt những luật lệ, quy chế thay đổi theo mỗi mùa thì từ lâu Thái League đã vào phom với những chuẩn mực có chọn lọc được lấy về từ giải Ngoại hạng Anh - giải đấu hấp dẫn nhất thế giới cấp CLB hiện nay.

Câu hỏi đặt ra: Cứ với đà này, bao giờ phần còn lại của Đông Nam Á mới có thể chạm vào... cái đuôi người Thái? Ông Alfred Riedl bảo rằng: "Hai năm nữa, Indo có thể bằng Thái", và rằng "tôi muốn ở lại Indo, ít nhất 2 năm nữa". Có lẽ ông nói thế là để giữ cái ghế của mình, còn Liên đoàn Bóng đá Indo có tin như thế không, và có tin vào ông không lại là chuyện khác.

Theo báo giới Indo, mặc dù rất cảm ơn Riedl với chiến công đưa một Đội tuyển Indo vừa trở lại sau lệnh cấm  FIFA vào chung kết AFF Cup nhưng họ có vẻ đang để ý tới một ông thầy người Hà Lan được đánh giá là rất giàu đột biến. Còn với Việt Nam, câu chuyện đuổi kịp Thái, thậm chí vượt qua Thái được đặt ra ngay ở kỳ SEA Games 29 vào năm tới. Kỳ SEA Games mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) giao nhiệm vụ cho HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng bằng mọi giá phải đoạt được... huy chương vàng.

Cơ sở cho niềm tin lớn lao này nằm ở chỗ: SEA Games tới, môn bóng đá sẽ là sân chơi của Đội tuyển U.22, chứ không phải U.23, có nghĩa những cầu thủ lứa 1 - những cầu thủ đầy hy vọng của lò Hoàng Anh Gia Lai JMG như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh... sẽ là trụ cột chính của chúng ta, và chúng ta có quyền hy vọng họ sẽ cháy sáng một lần, ở một kỳ SEA Games sau cuối.

Một, hai năm trước, khi còn ở lứa tuổi U.19, quả đúng là mỗi khi gặp Thái Lan, lứa cầu thủ này không những không sợ Thái như những thế hệ đàn anh, mà còn thắng Thái một cách đều đặn và thuyết phục.

Lần đầu tiên lứa cầu thủ này trình làng - giải U.19 Đông Nam Á 2013, họ thắng dễ U.19 Thái Lan 3 bàn cách biệt, và sau đó ở bán kết giải U.22 Đông Nam Á rồi chung kết giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên, vẫn luôn là những lần "đè" Thái đầy ấn tượng.

Nhưng thực tế là trong cuộc gặp gỡ mới nhất ở vòng bảng giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên năm nay, lứa cầu thủ này đã lần đầu thua Thái. Thua trong một trận đấu mà lối chơi tấn công kĩ thuật đã bị tê liệt trước kiểu bầy binh bố trận thực dụng và đầy hiệu quả của Thái.

Hình ảnh ông bầu Đoàn Nguyên Đức - cha đẻ của lứa cầu thủ này, cũng là tác giả của tuyên ngôn bất hủ: "Nếu không vô địch SEA Games 29, thường trực VFF nên từ chức hàng loạt" ngồi xem trận đấu với cái tay chống cằm và gương mặt ưu tư đã nói lên tất cả. 

Rõ ràng, từ cấp độ Đội tuyển Quốc gia đến U.23 rồi U.21 Quốc gia, Thái Lan đang chạy mà không một nền bóng đá Đông Nam Á nào có cơ may đuổi kịp, ít nhất là trong khoảng 5 năm nữa. Và chính người Thái có vẻ cũng đã "chán" Đông Nam Á.

Mới đây, các nhà lãnh đạo Liên đoàn Thái không ngại cho biết giờ là lúc phải quên "cái ao" Đông Nam Á để bằng mọi giá vươn lên tầm châu lục. King's Cup - giải đấu quốc tế truyền thống hằng năm của Thái từ giờ sẽ quy tụ hàng loạt đại gia châu lục và thế giới với những cái tên dự kiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Tây Ban Nha...

Thậm chí để có thể thực hiện mục tiêu vươn tầm, một danh sách những ông HLV ngoại quốc danh tiếng cũng đã được đưa vào tầm ngắm, để có thể sẵn sàng thay thế một Kiatisak chỉ có thể thành công ở đấu trường khu vực bất cứ lúc nào.

Người Thái đang chạy, trong khi phần còn lại của Đông Nam Á vẫn quanh quẩn bò với nhau.

Người Thái chạy, và phần còn lại của Đông Nam Á có muốn cũng khó mà đuổi kịp!

Phan Đăng
.
.
.