Olympic Tokyo 2020: Gian nan hành trình trở về

Chủ Nhật, 25/04/2021, 09:21
Hành trình giành vé dự Olympic Tokyo 2020 diễn ra vào tháng 7 tới của thể thao Việt Nam vẫn chất chứa đầy gian nan khi cơ hội tham dự các vòng loại để giành vé trực tiếp hay giải đấu tích điểm để xếp hạng rồi xét vé tham dự vẫn mở ra nhưng cái khó lại nằm ở khâu di chuyển, đặc biệt là tìm các chuyến bay về Việt Nam, khiến người trong cuộc ngay ngáy lo.

Cũng vì vậy, đây thực sự là bài toán khó cho thể thao Việt Nam dù biết rằng ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến các lĩnh vực, trong đó có giao thông, sẽ còn kéo dài.

Lỡ hẹn, lỡ vé

Tính từ đầu tháng 3 đến nay, ít nhất ba lần thể thao Việt Nam đã lỡ hẹn với các giải đấu ảnh hưởng tới suất tham dự Olympic Tokyo 2020.

Đầu tiên là Cúp thế giới kiếm chém tại Hungary vào nửa cuối tháng 3. Nếu tham dự, kiếm thủ Vũ Thành An sẽ có cơ hội giành vé trực tiếp tham dự Olympic Tokyo 2020. Trước đó, như tính toán của HLV trưởng đội tuyển đấu kiếm quốc gia Phạm Anh Tuấn, với những giải đấu vắng những tay kiếm đã giành vé dự Olympic tới như trên thì kiếm thủ Vũ Thành An hoàn toàn có cơ hội tích thêm điểm để vượt lên vị trí số 2 châu Á nội dung kiếm chém – vị trí đủ giành vé dự Thế vận hội tới.

Nhưng đáng tiếc là chuyến thi đấu tại Hungary của Vũ Thành An đã không diễn ra bởi phía Tổng cục TDTT không thể thu xếp được lịch trình di chuyển tuyến về cho HLV và Vũ Thành An. Khó nhất vẫn là việc các chuyến bay thương mại đến Việt Nam chưa thể diễn ra do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Không tham dự giải đồng nghĩa với việc đấu kiếm Việt Nam tự buông một cơ hội rõ rệt tham dự Olympic Tokyo tới. Không kể, đến việc tối thiểu là dự ít nhất 5 giải đấu để có đủ cơ hội tính điểm xếp hạng ở mức tối thiểu với một VĐV đấu kiếm muốn tranh vé dự Olympic Tokyo 2020 thì Vũ Thành An cũng không thể thực hiện.

Theo HLV đội đấu kiếm Việt Nam Phạm Anh Tuấn, đấu kiếm Việt Nam chỉ còn trông vào cuộc đấu cuối tranh vé dự Olympic Tokyo tới là vòng loại vớt của khu vực châu Á từ 27/4 tới tại Uzbekistan (trước đây dự kiến diễn ra tại Hàn Quốc). Ở đó, Vũ Thành An và tay kiếm khác trong diện tranh chấp vé dự Olympic Tokyo 2020 là Nguyễn Tiến Nhật chỉ có khoảng 10% cơ hội giành vé do quy định chỉ VĐV vô địch nội dung mới có suất dự Olympic Tokyo tới.

Sau đội tuyển đấu kiếm, đến lượt đội tuyển vật lỡ hẹn chuyến tham dự vòng loại châu Á Olympic Tokyo tới, diễn ra từ ngày 9 đến 11/4/2021. Như người trong cuộc kể lại thì Liên đoàn vật thế giới thậm chí còn đài thọ vé đến Kazakhstan dự vòng loại trên cho 1 HLV, 2 VĐV. Nhưng đến khi lo vé về cho số HLV, VĐV trên thì Liên đoàn vật thế giới cũng đành chịu.

Phía Tổng cục TDTT cũng vận dụng các mối quan hệ, cũng tính nát nước nhưng cũng không thể tìm được chuyến bay giải cứu từ Kazakhstan hay bất cứ quốc gia ở châu Á có chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam gần với thời gian kết thúc giải để đưa đội tuyển về nước. Vì thế, chuyến đi không thể diễn ra. Việc không thể tham dự vòng loại khu vực châu Á Olympic tới là điều đáng tiếc vì đây là cơ hội lớn nhất để đội tuyển có thể giành vé dự Olympic tới.

Trước đó, cả hai lần giành vé dự Olympic vào năm 2012, 2016 của vật Việt Nam đều diễn ra tại vòng loại khu vực châu Á. Mất cơ hội tranh vé dự Olympic tới tại giải đấu ở Kazakhstan, đội tuyển đành trông vào vòng loại thế giới vào tháng 5 tới ở Bulgaria. Thế nhưng, khả năng tham dự của đội cũng chông chênh vì các phía liên quan chưa thể tìm được đường bay về.

Còn ở môn Judo, giải vô địch châu Á vòng loại Olympic 2020 đã diễn ra vào đầu tháng 4 vừa qua tại Kyrgyzstan nhưng VĐV Nguyễn Thị Thanh Thủy cũng không thể tham dự vì không có chuyến bay thương mại hay giải cứu công dân từ Kyrgyzstan về lại Việt Nam.

Đô cử Hoàng Thị Duyên (thứ ba từ phải sang) trên bục nhận huy chương ở vòng loại châu Á Olympic 2020.

Vẫn lo khó tìm đường về

Việc xin ghép vào các chuyến bay giải cứu công dân từ quốc gia đăng cai giải đấu hay từ quốc gia khác đang được xem là tối ưu với thể thao Việt Nam lúc này. Bởi rõ ràng, ngành không thể có kinh phí để thuê chuyến bay riêng cho từng đội. Việc chi kinh phí ăn ở với tiêu chuẩn thi đấu quốc tế ở nước ngoài trong thời gian dài để chờ có chuyến bay giải cứu cũng được cân nhắc kỹ lưỡng.

Như chia sẻ của ông Hoàng Quốc Vinh (Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I, Tổng cục TDTT), thì việc tính toán ngày giờ di chuyển cho các đoàn thi đấu quốc tế, chứ không phải vấn đề chuyên môn, mới là vấn đề khó nhất lúc này với phía nhà quản lý. Thực tế, không phải lúc nào cũng có thể thu xếp ngày giờ về như mong muốn nên hoàn toàn có chuyện sau khi thi đấu, đội tuyển sẽ phải chờ vài ngày thậm chí chục ngày mới có chuyến bay về nước.

Việc này diễn ra với đội bắn súng khi dự Cúp thế giới tại Ấn Độ khi ngày 30/3, khoảng chục ngày sau khi kết thúc thi đấu, mới có chuyến bay giải cứu công dân về Việt Nam và đội bắn súng được ghép vào. Trong thời gian ấy, đội tuyển vẫn phải được đáp ứng các yêu cầu ăn ở như khi thi đấu và kinh phí sẽ đội lên đáng kể.

Trong thời gian tới, nhiều đội tuyển sẽ lên đường dự các giải đấu có ảnh hưởng tới việc giành vé dự Olympic Tokyo tới. Việc tìm hành trình trở về cho các đội tuyển vẫn đang thực sự là vấn đề lớn. Nói chuyện gian nan hay lo ngay ngáy đường về cũng vì vậy. Chỉ mong ngành Thể thao nỗ lực hết mình để mang lại cơ hội thi đấu tại Olympic cho VĐV vì rõ ràng cơ hội dự Olympic không phải lúc nào cũng đến với VĐV. Khi Olympic Tokyo tới vẫn giữ lịch tổ chức thì những người có trách nhiệm càng phải nỗ lực, thậm chí chấp nhận tốn kém để VĐV có thể góp mặt tại Olympic tới.

Hơn một tuần trước, đội tuyển cử tạ Việt Nam đi Uzbekistan để thi đấu tại giải vô địch châu Á 2021 nhằm tích điểm trên bảng xếp hạng thế giới xét vé dự Olympic Tokyo 2020. Lịch trình ngày đi của đội đã rõ nhưng lịch trình về của đội vẫn để ngỏ với dự kiến là 22/4 có thể về nước. Cũng may, đội đã về nước đúng ngày như dự kiến.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.