Gian nan hành trình đến Olympic Tokyo

Thứ Năm, 01/04/2021, 08:19
Nỗi lo về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các HLV, VĐV những môn thể thao sẽ tranh suất tham dự Olympic Tokyo tới đã được giải tỏa từ ngày 30-3, khi cơ quan chức năng bắt đầu thực hiện việc trên. Nhưng thể thao Việt Nam cũng còn phải đối mặt những việc khác ngoài chuyên môn cho hành trình chinh phục các tấm vé dự Olympic Tokyo vào tháng 7 tới.


Giải tỏa nỗi lo

Ngay khi nhiều nước trên thế giới tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân cũng là lúc các Liên đoàn thể thao quốc tế vẫn quyết định giữ nguyên lịch thi đấu các vòng loại tranh vé hoặc xét điểm xếp hạng để xác định vé dự Olympic Tokyo tới. Điều này dẫn đến việc quy định VĐV, HLV nước ngoài khi đến một nước khác để dự tranh vòng loại hoặc các giải đấu quốc tế để tích điểm xếp hạng, xác định vé dự Olympic Tokyo tới phải có “hộ chiếu vaccine” hay hiểu đơn giản là phải tiêm vaccine phòng COVID-19 và có xác nhận của cơ quan y tế.

Những ngày cuối tháng 2 vừa qua, những người có trách nhiệm trong làng thể thao Việt Nam cũng có đôi chút âu lo khi việc tiêm vaccine phòng COVID-19 chưa được tiến hành tại Việt Nam trong khi đây là điều kiện bắt buộc để dự nhiều giải đấu ảnh hưởng đến hành trình tìm kiếm từ 15 đến 20 vé dự Olympic Tokyo tới. Không kể nỗi lo còn đến khi việc tiêm vaccine có thể gây phản ứng phụ. Nếu đến khi xuất cảnh đi thi đấu mà người được tiêm vẫn còn phản ứng phụ thì có thể gặp phải phiền phức. Tuy nhiên, điều quan tâm nhất vẫn là VĐV, HLV các môn trong diện tranh vé dự Olympic Tokyo tới cần được tiêm vaccine phòng COVID-19. 

Chuyên gia đội tuyển vật được tiêm vaccine phòng COVID-19 vào ngày 30/3.

Nỗ lực của ngành Thể thao, sự quan tâm của Chính phủ và các cơ quan chức năng khác đã giúp các tuyển thủ, HLV trong diện trên được tiêm vaccine phòng COVID-19 từ ngày 30/3, trong đó riêng ngày 30/3 có 17 thành viên thuộc đội tuyển taekwondo (8 người gồm cả chuyên gia Kim Kil-tae – Hàn Quốc), vật (6 người gồm cả chuyên gia Phidon – Uzbekistan) và judo (3 người).

Trong ngành Thể thao, danh sách đợt đầu ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 có 180 người và danh sách tiếp theo có khoảng 192 người. Sau khi tiêm, từng người sẽ được theo dõi phản ứng theo phác đồ của bộ phận y tế chuyên môn.

Như thế, ít nhất lúc này cũng có thể yên tâm về việc các tuyển thủ có “hộ chiếu vaccine” để đủ điều kiện dự giải. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với thể trạng tốt nên các tuyển thủ sẽ ít gặp phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19. Dù vậy, vẫn phải tính đến phương án này, nhất là khi các tuyển thủ sắp đến ngày lên đường thi đấu.

Còn những nỗi lo khác

Cũng vì COVID-19 nên việc thi đấu tại vòng loại Olympic hay các giải đấu tích điểm dự Olympic Tokyo tới của các đội tuyển sẽ khó khăn hơn nhiều, trong đó rõ nhất là việc đội chi phí di chuyển, ăn ở.

Đội tuyển bắn súng là đội tuyển đầu tiên của thể thao Việt Nam tham dự giải đấu tích điểm dự Olympic Tokyo tới. Đội có mặt tại Ấn Độ từ ngày 16/3, thi đấu ngày 18/3 nhưng phải đến 30/3 mới có thể trở về nước. Như người có trách nhiệm kể lại thì trước khi đoàn lên đường, bộ phận có trách nhiệm đã phải tìm phương án di chuyển bằng những đường bay qua những điểm nào rồi trở về Việt Nam ra sao. Không kể, sau khi thi đấu, đội phải chờ đến ngày 30/3 mới có chuyến bay từ Ấn Độ về Việt Nam. Việc phải chọn chuyến bay dài hơn để đến Ấn Độ, chi phí cho việc ăn, ở trong thời gian chờ về nước sau khi thi đấu đã khiến kinh phí chuyến đi đội lên đáng kể so với dự kiến từ đầu năm.

Các vận động viên được theo dõi sức khỏe sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19.

Và đương nhiên, không chỉ đội bắn súng mà một số đội tuyển như vật, taekwondo, đấu kiếm... sẽ đi nước ngoài trong thời gian sắp tới nhằm tìm suất dự Olympic Tokyo tới và cũng phải lên phương án tương tự. Ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) cho hay, các bộ phận liên quan của của Tổng cục TDTT cũng như Vụ Thể thao thành tích cao 1 cũng phải đôn đáo để tìm mọi phương án khả thi nhất về chuyến bay, thủ tục nhập cảnh của quốc gia tổ chức giải đấu ra sao; VĐV, HLV được bảo đảm y tế như thế nào tại quốc gia đăng cai thi đấu; rồi trở về nhà bằng cách nào, thời điểm nào... 

“Các đội tuyển thể thao quốc gia làm nhiệm vụ tranh vé tại vòng loại Olympic Tokyo tới có sự áp lực riêng ở chuyên môn còn những người làm quản lý của ngành Thể thao lại có sự lo lắng khác bên cạnh nỗi lo chuyên môn. Đó là làm thế nào  để làm sao bảo đảm tốt nhất về công tác y tế, di chuyển cho các thành viên tham gia tranh vé dự Olympic tới”, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) – ông Hoàng Quốc Vinh từng chia sẻ. Ngoài nỗi lo trên còn là nỗi lo muôn thuở của thể thao Việt Nam. Trong đó, vẫn có đội tuyển gặp khó khăn về thiết bị tập luyện. Như chuyện của đội tuyển đấu kiếm chẳng hạn. Trừ Vũ Thành An được ưu tiên tập với một bộ thiết bị tập riêng để tránh chấn thương, các tuyển thủ khác ở khu vực phía Bắc đều tập với những thiết bị cũ, quá hạn sử dụng…

Tất cả cho thấy, hành trình tìm vé dự Olympic Tokyo tới sẽ thuộc diện “đắt đỏ”, gian nan hơn so với nhiều kỳ Olympic trước do những khó khăn khách quan bởi dịch COVID-19 và nội tại. Không còn cách nào khác, ngành Thể thao buộc phải chấp nhận, thích nghi và sớm giải quyết những khó khăn về thiết bị tập luyện để nuôi hy vọng hoàn thành mục tiêu giành 15-20 vé dự Olympic Tokyo tới.

Thêm 22 thành viên thể thao Việt Nam được tiêm vaccine phòng COVID-19

Trong ngày 31/3, của thể thao Việt Nam có 22 thành viên được tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó có những tuyển thủ đáng chú ý như Vũ Thành An (đấu kiếm), Thạch Kim Tuấn (cử tạ) hay Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông). Bốn chuyên gia nước ngoài được tiêm phòng gồm ông Aryat Abdumamo (Nga), Andrey Kolotilin (Nga), Sim Mooyeob (Hàn Quốc) – cùng thuộc đội tuyển đấu kiếm; Hariwan (Indonesia, cầu lông).

Minh Hà
.
.
.