Hoàng Anh Gia Lai phong độ thất thường

Thứ Sáu, 30/10/2020, 07:21
Thừa đẳng cấp để ở lại V.League nhưng không đủ tầm để giành chức vô địch, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) như một cái bóng vật vờ tại giải đấu số 1 Việt Nam.

Hai mặt từ đội bóng phố Núi

Con đường mà HAGL đi ở mùa giải năm nay không thể không khiến người hâm mộ thất vọng. Bởi ở lượt đi, họ thể hiện một hình ảnh vô cùng ấn tượng. Thậm chí, đó là một HAGL tốt nhất trong 5 năm qua mà người ta được chứng kiến. 13 vòng đấu đầu tiên, HAGL dù chỉ xếp thứ 7 nhưng chỉ kém đội đầu bảng Sài Gòn có 4 điểm (20 so với 24) và hoàn toàn có thể vươn lên cao hơn trên bảng xếp hạng. HAGL sở hữu 2 thống kê ấn tượng. Một, họ là vua sân nhà của lượt đi với 16/18 điểm tối đa từ Pleiku. Hai, xét riêng thành tích đối đầu trong top 8, HAGL là tốt nhất.

Với hành trình ở giai đoạn 1 mượt mà đến như vậy, HAGL đủ để người ta tin rằng họ có tham vọng khi lọt vào top 8 đội tranh chức vô địch khi mùa giải chuyển mình sang giai đoạn 2. Thế nhưng, bộ mặt thứ 2 của đội bóng phố Núi bị phơi bày. 4 trận đã qua, HAGL không có lấy nổi 1 điểm cho bản thân. Thua 4 trận liên tiếp, HAGL không những hết cơ hội vô địch mà họ còn chịu số bàn thua xấp xỉ so với hành trình kéo tới 13 trận trước đó ở lượt đi (15 bàn sau 4 trận so với 16 bàn của 13 trận đầu tiên). 

Sau 4 lượt trận, HAGL là đội duy nhất không có điểm. Kết quả ấy thậm chí còn tệ hơn rất nhiều nếu như người ta nhìn vào những đối thủ cùng nhóm với họ như Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hay TP.HCM. Bởi chí ít, 2 đội bóng này còn có cho mình tới 1 điểm. Đấy là chưa đem HAGL so sánh với những đội bóng ở nhóm dưới – nhóm trụ hạng. Nỗ lực của Hải Phòng, Quảng Nam chứ chưa nói đến màn “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” của những SLNA, Thanh Hoá hay SHB Đà Nẵng đủ để thấy HAGL không xứng đáng để nằm trong nhóm 8 đội đầu bảng – nhóm đồng nghĩa với tấm vé trụ hạng sớm.

Kẽ hở trong quy định của giải, khi mở rộng nhóm vô địch lên đến 8 đội trong khi nhóm trụ hạng chỉ là 6 đội đã được chính những đội bóng kiểu như HAGL khai thác. Họ vào nhóm tranh vô địch không phải để vô địch. Cái họ cần chỉ là một sự an toàn với suất trụ hạng mà nhóm này sở hữu!

HAGL thể hiện 2 bộ mặt tương phản ở 2 giai đoạn của V.League năm nay.

Vật vờ đến bao giờ?

Nghĩa là HAGL đã sớm có được mục tiêu mà đội bóng này cần. Đó là trụ hạng V.League. Suốt từ năm 2003 cho đến nay, kể từ khi thăng hạng, đội bóng của bầu Đức vẫn ở lại giải bóng đá số 1 của Việt Nam. Nhưng đó chỉ là chỉ tiêu mà lãnh đạo của HAGL muốn. Chứ đó đâu phải là tham vọng mà những cầu thủ đã bước sang độ chín sự nghiệp (25 tuổi) như Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh, Minh Vương cần… Nhưng kể cả khi đóng vai trò quan trọng, họ cũng chẳng có đủ tiếng nói để quyết định vận mệnh của cả một đội bóng.

Hay nói như theo cách của cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải chia sẻ trên báo giới:  “Tại sân chơi V.League, sức mạnh của đội bóng chủ yếu là ở 2 yếu tố: chiều sâu đội hình và chất lượng cầu thủ ngoại. HAGL đang thiếu cả 2. HAGL không thể mãi phụ thuộc vào Tuấn Anh, Văn Toàn hay Xuân Trường. Họ cần bổ sung nhiều cầu thủ nội có chuyên môn tốt để tăng chiều sâu lực lượng”.

Ông Vũ Mạnh Hải thẳng thắn chỉ ra vấn đề của HAGL: “Từ giai đoạn 2, V.League 2020 diễn ra dồn dập. HAGL là một trong những đội bóng có thể lực yếu nhất tại V.League, do đó các trụ cột của họ khó đáp ứng mật độ dày như vậy. Khi gặp CLB Sài Gòn, HAGL ra sân với đội hình mạnh nhất. Các cầu thủ Tuấn Anh, Xuân Trường được nghỉ ngơi nhiều hơn, nhưng vẫn tụt thể lực lúc cuối trận. Một lần nữa, vấn đề thể lực làm kìm hãm cầu thủ HAGL. Sau vài năm, thể lực của các cầu thủ gần như không tiến bộ.

Trong lối chơi của HAGL, hàng phòng ngự luôn là tử huyệt. Mùa này, HAGL cũng với chừng đó con người, nhưng không cải thiện. HAGL có hay đến đâu cũng không thể lấy công bù thủ cho cả chiến dịch dài hơi. Đã đến lúc HAGL đầu tư mạnh cho vị trí trung vệ và 2 hậu vệ cánh, khi đó mới nghĩ đến chuyện thành công.

Chất lượng ngoại binh của HAGL trong mùa giải này và trước đó không cao. Nhiều cầu thủ ngoại thử sức ở đội hình HAGL, nhưng đều gây thất vọng hoặc vấn đề ở chuyện hòa nhập. Những nhà vô địch V.League luôn có tiền đạo ngoại tốt trong đội hình. Cách chọn ngoại binh của HAGL cần chuẩn xác hơn”.

Điệp khúc ấy không phải là được nhắc đến lần đầu tiên với xuất phát từ một người. Những người làm bóng đá của HAGL đủ lọc lõi và khôn ngoan để biết vấn đề của họ ở đâu. Nhưng điều quan trọng nằm ở người đứng cao nhất của đội bóng phố Núi. Nếu như bầu Đức không máu như cái cách ông trải thảm đỏ đón Kiatisak cách đây 17 năm, nếu như bầu Đức không quyết liệt như cái điều mà ông vung tiền tấn thuyết phục Lee Nguyễn thì HAGL hiện tại của ông vẫn cứ mãi vật vờ trong mối tơ vò, giữa sự bất lực về chuyên môn để rồi dẫn tới một câu châm biếm: “Đá V.League, chỉ là cho vui”!

Niềm tin của bầu Đức bị đặt dấu hỏi?

Khi không đủ tiềm lực ở V.League, bầu Đức cố gắng lái niềm hy vọng bóng đá của mình sang sự cống hiến của HAGL cho các ĐTQG Việt Nam. Thế nhưng, niềm tin ấy lại bị đặt dấu hỏi khi số lượng cầu thủ HAGL lên tập trung U22 Việt Nam thế hệ mới càng lúc càng bị bóp nghẹt.

Nếu như cách đây 3 tháng, HAGL vẫn thuộc diện CLB đóng góp nhiều nhất với 8 cầu thủ thì ở lần này, ông Park chỉ gọi 4 gương mặt của HAGL. Hai trong số đó là những cầu thủ vẫn đang chơi cho đội 1 HAGL là Trần Bảo Toàn và Dụng Quang Nho. Hai cái tên khác là Phạm Đình Long (đang chơi cho An Giang) và Lê Minh Bình (đang chơi cho Bà Rịa Vũng Tàu) được đi theo diện cho mượn.

Bên cạnh số lượng, chất lượng để những chiến binh của bầu Đức cạnh tranh với những đội bóng khác cũng không thật sự tinh nhuệ. Trong số 4 gương mặt ít ỏi, thậm chí là thuộc diện thấp nhất của HAGL trong vòng 5 năm qua ở U22/U23 và ĐTQG Việt Nam theo từng đợt, số lượng cầu thủ đủ cạnh tranh một vị trí đá chính chỉ là Dụng Quang Nho và Lê Minh Bình. Thủ môn Phạm Đình Long gần như mất hút ở giải hạng Nhất. Trong khi Bảo Toàn cũng chưa thể hiện được khả năng của mình trong những lần được HAGL tạo điều kiện thi đấu ở V.League năm nay.

An Khánh
.
.
.