Đội bóng Than Quảng Ninh đối diện mùa giải mới đầy sóng gió:

Gánh nặng trên vai bầu Hùng

Thứ Năm, 26/11/2020, 10:16
Than Quảng Ninh kết thúc mùa giải 2020 tương đối thành công với vị trí thứ 4 chung cuộc, nhưng đội bóng đất mỏ đang đứng trước tương lai u ám khi một loạt trụ cột rời đi mà không có những phương án thay thế hợp lý. Những khó khăn mà Than Quảng Ninh đang phải đối mặt là hệ quả tất yếu, khi ông bầu Phạm Thanh Hùng đã bắt đầu cảm thấy cô đơn trong việc duy trì và vận hành đội bóng.


“Chảy máu” hàng loạt cầu thủ

Các CĐV của Than Quảng Ninh không thể không lo lắng khi chứng kiến hàng loạt trụ cột của đội chuyển sang CLB khác. Hầu hết những người ra đi đều là cái tên quan trọng trong đội hình của HLV Phan Thanh Hùng như: Thủ môn Huỳnh Tuấn Linh, hậu vệ Dương Thanh Hào hay các tiền vệ Đặng Quang Huy, Giang Trần Quách Tân, tiền đạo Nguyễn Hữu Khôi. Đội bóng đất Mỏ có sự trở lại của Mạc Hồng Quân và Nghiêm Xuân Tú từ Hải Phòng, song chắc chắn bộ đôi này không thể khỏa lấp hết những lỗ hổng trong đội hình.

Than Quảng Ninh dự định đôn các cầu thủ trẻ lên đội hình 1 thay thế cho các cầu thủ hết hợp đồng. Nhưng ngoài cầu thủ sinh năm 2000 Hải Long đã chứng minh được khả năng, rất khó tìm thêm một cầu thủ khác đủ trình độ để thay thế những người đã ra đi. Nên nhớ rằng sân chơi V.League vốn rất khốc liệt và với đội hình chắp vá như thế này, Than Quảng Ninh khó có thể duy trì được thành tích mà họ đạt được ở những mùa giải gần đây.

Sự “bi đát” của Than Quảng Ninh được chính người trong cuộc thừa nhận, khi một thành viên của Ban huấn luyện cảm thán: “Không hiểu còn quân để tập luyện hay không vì số người rời CLB đã gần bằng một đội hình!”.

Gánh nặng đè lên vai ông bầu Phạm Thanh Hùng.

Nguyên nhân chính của cuộc “chảy máu” hàng loạt này không nằm ngoài chữ “Tiền”. Sau mùa 2020, Than Quảng Ninh rơi vào tình trạng khó khăn về mặt tài chính khi nhà tài trợ chính là Tổng Công ty Than khoáng sản Việt Nam, đơn vị rót hơn 30 tỷ đồng một mùa giải, chưa có động thái tiếp tục rót tiền. Cùng với những khó khăn kinh tế do ảnh hưởng của đại dịnh COVID-19, gánh nặng đang dồn lên vai ông bầu Phạm Thanh Hùng và cùng với đó, tâm lý của các cầu thủ cũng dao động đáng kể. Rất nhiều trường hợp quyết định ra đi khi vẫn còn muốn gắn bó với đội nhưng không có một lời đề nghị cụ thể nào được đưa ra.

Trước những tin đồn có thể “bỏ đội”, ông Hùng lập tức lên tiếng trấn an dư luận: “Thời gian qua tôi có hơi bận nên tôi ít xuất hiện ở đội bóng so với trước đây, nhưng hoàn toàn không chuyện tôi không quan tâm đến đội. Mùa giải 2020 chỉ vừa mới kết thúc nên Than Quảng Ninh vẫn còn thời gian để chuẩn bị. Theo tôi biết, UBND tỉnh sẽ có buổi làm việc liên quan đến  đội Than Quảng Ninh, trong đó có việc tìm thêm nhà tài trợ cho đội. Tôi khẳng định đội vẫn sẽ được đầu tư tốt”.

Bức tâm thư của người hâm mộ

Bầu Hùng đã lên tiếng trấn an, nhưng không phải ai cũng yên tâm khi chứng kiến những biến động của đội bóng. Hội CĐV Than Quảng Ninh đã gửi một bức tâm thư cùng 1.000 chữ ký gửi đến các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh với hy vọng tỉnh sẽ có những động thái rõ ràng cho sự tồn vong của đội bóng quê nhà. Trong bức tâm thư có đoạn: “Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, khả năng CLB Than Quảng Ninh phải ngừng hoạt động là rất cao. Vì vậy, Hội Cổ động viên Than Quảng Ninh khẩn thiết mong lãnh đạo tỉnh sớm có những chỉ đạo sâu sát để CLB hoạt động đúng định hướng của địa phương. Duy trì truyền thống niềm tự hào của bóng đá vùng mỏ”.

Than Quảng Ninh là niềm tự hào của người dân Quảng Ninh và việc “cứu” đội bóng là một nhiệm vụ mà bất cứ ai cũng cảm thấy cần phải có trách nhiệm. Nhưng để duy trì và vận hành một CLB cần phải có những chiến lược, kế hoạch tài chính rõ ràng chứ không thể chỉ hô khẩu hiệu.

Vấn đề của Than Quảng Ninh chính là nguồn tài trợ. Ngân sách của tỉnh hỗ trợ chỉ là một phần, ông bầu Phạm Thanh Hùng cũng có thể tiếp tục hỗ trợ CLB bằng ngân sách riêng, nhưng một nhà tài trợ đủ “lực” mới là điều mà đội bóng cần, khi ai cũng hiểu rằng để tồn tại và thành công ở V.League, độ chịu chi của các nhà tài trợ là yếu tố quyết định.

Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, đơn vị tài trợ chính cho Than Quảng Ninh nhiều năm qua thì lại đang gặp khó khăn về kinh tế. Theo báo cáo gần đây, tình hình tiêu thụ than trong quý IV-2020 gặp rất nhiều khó khăn do các nhà máy nhiệt điện giảm lượng mua cùng tình hình bão lũ miền Trung và các ảnh hưởng của COVID-19, điều đó dẫn đến việc Tập đoàn Than khoáng sản chỉ có doanh thu bằng 73% kế hoạch đầu năm và 97% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục rót ra hơn 30 tỷ đồng/năm cho Than Quảng Ninh cũng là điều cần phải tính toán. Gói tài trợ có thể thấp đi một chút, nhưng cần ổn định và lâu dài.

Bên cạnh đó, điều bắt buộc với Than Quảng Ninh lúc này là phải đa dạng dòng tiền tài trợ, điều đó không chỉ phụ thuộc vào tài “thương thuyết” của bầu Hùng, mà còn cần sự chung tay của lãnh đạo tỉnh. Xét cho cùng, đội bóng Than Quảng Ninh cũng là một thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh, nên trách nhiệm để thương hiệu ấy tồn tại và phát triển thật sự quan trọng với một vùng đất giàu truyền thống, có tình yêu cuồng nhiệt với bóng đá.

Cẩm Chi
.
.
.