Đấu kiếm Việt Nam và mong muốn gây dựng lực lượng
- Đội tuyển đấu kiếm Việt Nam: Không dễ hoàn thành mục tiêu
- Đấu kiếm Việt Nam khó giữ vị thế ở Đông Nam Á
Mong được như đấu kiếm của Hà Nội
Trong làng đấu kiếm Việt Nam, Hà Nội là địa phương đi đầu trong phát triển môn thể thao quý tộc này. Đến nay, Hà Nội cùng TP Hồ Chí Minh vẫn luôn trong nhóm đầu toàn quốc. Từ trước đến nay, Hà Nội luôn đầy đủ vận động viên (VĐV) ở 3 tuyến, có lớp trước, lớp sau.
Những ngày tháng 6 này, bình thường thì đấu kiếm Hà Nội đã tuyển được lứa VĐV mới. Thế nhưng dịch COVID-19 khiến công tác tuyển chọn VĐV năng khiếu năm nay của đấu kiếm Hà Nội bị phá sản. Đơn giản vì các trường vẫn chưa kết thúc năm học nên chưa thể chuyển VĐV về tập luyện tại bộ môn đấu kiếm Hà Nội. Trong khi bình thường vào tầm này, các VĐV được tuyển chọn đã phải đến tập luyện ở đội. Với nhiều đội khác, không tuyển được lứa VĐV nào trong dịp hè này sẽ tạo nên khó khăn về đào tạo lực lượng kế thừa.
Nhưng với đấu kiếm Hà Nội lại không thành vấn đề. Trưởng bộ môn kiếm Hà Nội Phạm Anh Tuấn kể, nhờ có lớp VĐV kế thừa dày dặn nên đấu kiếm Hà Nội không quá lo lắng khi không tuyển được VĐV trong dịp hè này. Như hiện tại, chỉ riêng đội kiếm 3 cạnh nữ, ngoài kiếm thủ kỳ cựu Nguyễn Thị Như Hoa (từng giành vé dự Olympic 2016), đấu kiếm Hà Nội còn sở hữu khoảng 5 VĐV nữ khác, từ 18 đến 22 tuổi, đủ trình độ tranh chấp HCV tại SEA Games.
Đội kiếm liễu nữ, Hà Nội cũng đủ VĐV ở các tuyến. Vấn đề chỉ nằm ở trình độ VĐV vẫn chưa thể so đọ sòng phẳng với các đội hàng đầu… Một thuận lợi khác của đấu kiếm Hà Nội chính là có nhiều “quân xanh”, là các HLV vốn từng khoác áo đội tuyển quốc gia hoặc các cựu VĐV khác, đủ để mang lại kinh nghiệm cần thiết cho VĐV.
Cần có nhiều địa phương phát triển môn đấu kiếm tại Việt Nam. |
Nhưng ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, không đơn vị nào đang phát triển môn đấu kiếm tại Việt Nam có dàn lực lượng VĐV dày dặn ở cả 3 tuyến (đội 1, đội 2, đội năng khiếu). Như người trong nghề vẫn thừa nhận, nếu có vài địa phương đủ dàn VĐV, lớp sau có thể kế thừa lớp trước như Hà Nội thì lực lượng của đấu kiếm Việt Nam còn phong phú hơn và mang đến nhiều lựa chọn nhân sự cho đội tuyển quốc gia.
Còn hiện tại, ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng chỉ có khoảng 6 đơn vị đầu tư cho môn này trong đó có: Hải Phòng, Bình Phước, Hải Dương, Bắc Ninh, đội CAND… Chỉ có 8 đơn vị đầu tư cho môn thể thao này xem ra là quá ít dù có thể mang về nhiều huy chương quốc tế, nhất là ở cấp độ Đông Nam Á hoặc vé tham dự Olympic.
Tất nhiên, đầu tư cho môn đấu kiếm thực sự tốn kém với các trang thiết bị tập luyện ngốn tiền tỷ mỗi năm. Trong khi đó, như chia sẻ của Trưởng bộ môn đấu kiếm Hà Nội Phạm Anh Tuấn thì chính Hà Nội cũng mong muốn có nhiều địa phương hơn phát triển môn thể thao này để tạo động lực, sự cạnh tranh cho chính các kiếm thủ Hà Nội. Chứ việc Hà Nội thường xuyên dẫn đầu toàn đoàn tại các giải đấu kiếm quốc nội cũng chưa hẳn đã mang đến những nét tích cực cho đấu kiếm Việt Nam.
Còn quản lý bộ môn đấu kiếm (Tổng cục TDTT) Phùng Lê Quang nhìn nhận: “Đương nhiên, bộ môn vẫn mong muốn càng nhiều địa phương phát triển môn đấu kiếm càng tốt. Bộ môn cũng tạo điều kiện tối đa để các địa phương phát triển phong trào. Tuy vậy, kinh phí đầu tư cho môn này đang là trở ngại với nhiều địa phương”.
Nhiều giải pháp vượt khó
Đến lúc này, đã thấy rõ khó khăn nhưng giải quyết thế nào lại là vấn đề. Ngay đấu kiếm Hà Nội vốn được xem là nhận mức đầu tư lớn nhất trong làng kiếm Việt Nam nhưng những năm gần đây cũng gặp khó khăn nhất định về trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu. Hiện tại, đấu kiếm Hà Nội vẫn đang phải sử dụng nguồn kiếm tập luyện từ những năm trước do chưa thể mua mới kiếm tập luyện vì những vẫn đề về thủ tục. Tuy nhiên, về lâu dài, phải có giải pháp để bộ môn này có thể mua trang thiết bị tập luyện, thi đấu, nhất là khi đã có đủ kinh phí.
Trong khi đó, ở những địa phương có phong trào đấu kiếm đang chựng lại, không còn rầm rộ như trước đây, trong đó có Hải Phòng, Hải Dương, lại cần đến những giải pháp khác, bên cạnh vấn đề kinh phí, trang thiết bị tập luyện. Ông Phạm Anh Tuấn đề xuất đưa các nhóm phân môn của đội tuyển đấu kiếm trẻ quốc gia về tập luyện tại các địa phương này.
“Trước đây và hiện nay, đội tuyển đấu kiếm trẻ quốc gia tập trung ở một nơi. Nhưng nay, vì sự phát triển của phong trào đấu kiếm ở các địa phương thì các nhóm phân môn của đội tuyển có thể đến tập luyện, ăn ở tại các địa phương. Đây là cách để nâng cao trình độ cho VĐV địa phương đồng thời cũng giúp các nhà quản lý địa phương nhìn nhận rõ hơn về vị thế, tiềm năng phát triển của môn đấu kiếm” - ông Phạm Anh Tuấn nói.
Thực tế, đây là cách làm đáng để tham khảo, mang tính chiến lược. Vấn đề là phía quản lý bộ môn tại Tổng cục TDTT cần tính đến và nhanh chóng đưa ra quyết định.
Một giải pháp khác cũng được tính đến là đấu kiếm Việt Nam phải duy trì thành tích tại sân chơi Đông Nam Á và có VĐV tham dự Olympic, qua đó khẳng định vị thế trong làng thể thao Việt Nam, kích thích các địa phương duy trì và phát triển môn đấu kiếm. Muốn được như vậy, các VĐV trọng điểm phải thường xuyên được tạo điều kiện thi đấu quốc tế. Tuy vậy, đây lại là vướng mắc của đấu kiếm Việt Nam trong thời gian qua, khiến cơ hội giành vé dự Olympic vào năm 2021 vẫn chưa rõ ràng.
Để có nguồn VĐV dày dặn hơn hiện nay, đấu kiếm Việt Nam vẫn phải thực hiện các giải pháp để vượt khó. Nếu không, nhiều khả năng môn thể thao này chỉ phát triển ở mức bình bình như trong thời gian qua dù có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn.
Cơ hội dự Olympic vào năm tới vẫn đặt vào Vũ Thành An Theo tính toán của Ban huấn luyện đội tuyển đấu kiếm Việt Nam, kiếm thủ Vũ Thành An vẫn còn cơ hội dự Olympic vào năm 2021 nếu được tham dự đủ các giải đấu tính điểm tham dự sau khi dịch COVID-19 được khống chế trên toàn thế giới. Những vấn đề về thủ tục khiến kiếm thủ này lỡ cơ hội dự 2 giải quốc tế giai đoạn trước khi xảy ra dịch COVID-19, đồng thời đánh mất vị trí có thể tham dự Olympic vào năm 2020 vào tay một kiếm thủ Nhật Bản. Minh Khuê |