Đội tuyển đấu kiếm Việt Nam: Không dễ hoàn thành mục tiêu

Thứ Bảy, 23/11/2019, 08:29
Dù chỉ tiêu giành 4 Huy chương vàng (HCV) tại SEA Games 30 của đội tuyển đấu kiếm Việt Nam bị coi là thấp so với thực lực nhưng các nhà quản lý, Ban huấn luyện đội tuyển có lý do để thận trọng.

Như chính lãnh đội đấu kiếm Việt Nam ở SEA Games 30 là Phùng Lê Quang chia sẻ: “Cũng rất muốn đặt chỉ tiêu cao hơn nhưng trong tình hình hiện nay, thận trọng không thừa”.

Ta tiến 1, người tiến 10

Đó là ví von của những nhà quản lý, chuyên môn đấu kiếm Việt Nam sau khi chứng kiến những chuyển động trong làng đấu kiếm Đông Nam Á từ 2 năm qua.

Như ông Phùng Lê Quang kể thì: “Phải kể tới Singapore. Từ sau khi đăng cai SEA Games 28 năm 2015, môn đấu kiếm đã phát triển mạnh mẽ tại quốc gia này. Nhiều gia đình cho con em theo tập đấu kiếm đồng thời các VĐV Singapore được đầu tư mạnh tay để thi đấu quốc tế liên tục. Nhờ vậy, đến nay Singapore đã có dàn VĐV đủ sức tranh chấp ngôi vô địch ở nhiều nội dung của môn đấu kiếm tại SEA Games 30. Sau đó, phải kể tới Thái Lan, Philippines hay Indonesia”.

Tại Đông Nam Á, các kiếm thủ Thái Lan và Philippines cũng đang tiến nhanh và sẵn sàng cạnh tranh với các kiếm thủ Việt Nam. Từng một thời đứng đầu khu vực Đông Nam Á nhưng rồi đánh mất vị thế vì những vấn đề nội tại, đấu kiếm Thái Lan đang vươn lên trong vài năm gần đây. Dàn VĐV Thái Lan được đi tập huấn liên tục tại nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc – quốc gia hàng đầu châu lục về môn đấu kiếm.

Theo ông Phùng Lê Quang, các kiếm thủ Thái Lan sẽ đạt độ chín vào năm 2021 khi SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam. Nhưng ngay ở thời điểm này, các tay kiếm Thái Lan cũng rất đáng gờm. Còn các tay kiếm của Philippines cũng đầy tham vọng và được đầu tư không thua kém các đồng nghiệp của Thái Lan hay Singapore. Ngoài ra cũng phải kể đến đấu kiếm Indonesia với sự đầu tư bài bản, có trọng điểm ở một số nội dung. 

Trong khi đó, mức đầu tư cho đấu kiếm Việt Nam vẫn không có đột biến trong vài năm gần đây. Tình trạng thiếu thiết bị tập luyện ở cả đội tuyển quốc gia cũng như những trung tâm hàng đầu khiến các tuyển thủ chật vật duy trì phong độ. Cũng có một số tuyển thủ được đầu tư trọng điểm, như trường hợp Vũ Thành An (Hà Nội) hay Nguyễn Tiến Nhật, Nguyễn Phước Đến (TP Hồ Chí Minh) để vừa nhắm mục tiêu giành HCV SEA Games 30 vừa nhắm đến tấm vé tham dự Olympic 2020. Tuy vậy, mức đầu tư dành cho họ không thể như các đồng nghiệp Thái Lan, Singapore hay Indonesia.

Thực tế, những nhà quản lý, Ban huấn luyện đội tuyển quốc gia cũng muốn đầu tư nhiều hơn cho số VĐV trọng điểm nhưng mức kinh phí của Tổng cục TDTT cũng như các địa phương có hạn trong khi không huy động được nguồn xã hội hóa. Vì vậy, tất cả đành tự bằng lòng với những gì đang có dù biết rằng các đối thủ đang tiến mạnh mẽ.

Tất cả khiến cục diện môn đấu kiếm tại SEA Games 30 trở nên cân bằng hơn và không có quốc gia nào thực sự nổi trội. Đương nhiên, đấu kiếm Việt Nam có lý do để lo ngại.

Kiếm thủ Vũ Thành An.

Cố gắng giữ ngôi đầu khu vực

Cách đây 4 năm, tại SEA Games 28 ở Singapore, khi đấu kiếm đủ 12 nội dung thi đấu, các kiếm thủ Việt Nam đã giành tới 8 HCV trong sự tâm phục khẩu phục của các đối thủ. 2 năm sau, tại SEA Games 29 ở Malaysia, môn đấu kiếm chỉ còn 6 nội dung cá nhân trong khi 6 nội dung đồng đội bị loại khỏi chương trình thi đấu.

Trong tình cảnh ấy, các kiếm thủ Việt Nam vẫn giành tới 3 HCV với Vũ Thành An (kiếm chém nam), Nguyễn Tiến Nhật (kiếm 3 ba cạnh nam), Nguyễn Thị Như Hoa (kiếm 3 cạnh nữ) để tiếp tục dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương.

Đến SEA Games 30, môn đấu kiếm lại có đủ 12 bộ huy chương cá nhân và đồng đội. Dù số bộ huy chương đã tăng gấp đôi so với SEA Games trước song đấu kiếm Việt Nam cũng không dám đặt chỉ tiêu giành số HCV gấp đôi. Việc đặt chỉ tiêu giành 4 HCV chủ yếu nhắm tới các nội dung kiếm chém, kiếm 3 cạnh nam nữ, kiếm liễu nữ…

Như đã kể, chỉ trong 2 năm qua, các kiếm thủ khác tại Đông Nam Á thăng tiến vùn vụt. Trong khi đó, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam hầu như vẫn phải trông vào những gương mặt quen thuộc, nhất là ở đội nam. Còn ở đội nữ chưa có sự đột biến về lực lượng. Ngay cả nhà vô địch SEA Games 29 Nguyễn Thị Như Hoa cũng bị đặt dấu hỏi về phong độ khi đã sang tuổi 35.

Cũng còn một số tay kiếm nữ khác được hy vọng như Đỗ Thị Anh, Bùi Thị Thu Hà nhưng bản lĩnh thi đấu của họ vẫn cần được chứng minh. Cũng phải kể đến việc đội tuyển không đi tập huấn nước ngoài và thay vào đó là cử một số trụ cột dự các giải đấu để vừa tích điểm tham dự Olympic 2020 vừa rèn giũa, giữ cảm giác thi đấu. Với số đông VĐV đội tuyển, không thi đấu quốc tế liên tục sẽ là bất lợi không nhỏ khi thi đấu tại SEA Games tới.

Cũng vì vậy, đấu kiếm Việt Nam đặt nhiều hy vọng vào các nội dung đồng đội, nơi sự đồng đều về lực lượng đang là lợi thế so với nhiều đối thủ trong khu vực. Đó cũng là thế mạnh của đấu kiếm Việt Nam tại nhiều giải đấu Đông Nam Á cũng như SEA Games.

“Giành nhiều hơn 4 HCV đương nhiên là mong muốn không chỉ của tôi mà còn nhiều thành viên đội tuyển. Nhưng chúng ta phải thực tế để có thể trước mắt hoàn thành chỉ tiêu rồi mới tính đến việc vượt chỉ tiêu” – lãnh đội Phùng Lê Quang nói.

Vũ Thành An thuận lợi trong hành trình giành vé dự Olympic 2020

Không như một số bộ môn, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam không bận lịch thi đấu các giải tích điểm dự Olympic 2020 vào trước, trong và  ngay sau SEA Games 30.

Hiện tại, đấu kiếm Việt Nam mới có kiếm thủ Vũ Thành An gặp nhiều thuận lợi nhất trong hành trình giành vé dự Olympic 2020 dựa trên bảng xếp hạng cá nhân của Liên đoàn đấu kiếm thế giới. Bên cạnh đó, Vũ Thành An cũng được chọn làm người cầm cờ Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc SEA Games 30.

Những tay kiếm Việt Nam khác hầu như sẽ phải trông vào vòng loại Olympic 2020 khu vực châu Á vào tháng 4-2020 để hy vọng giành vé. Tại Olympic 2016, đấu kiếm Việt Nam có tới 4 kiếm thủ giành vé tham dự.

Minh Nhật

Minh Khuê
.
.
.