Cử tạ trên đường đa dạng hóa nguồn thu

Thứ Ba, 23/06/2020, 07:08
Mặc dù là môn thể thao đóng góp nhiều thành tích quốc tế nhưng tại Việt Nam, sức hút của cử tạ với các nhà tài trợ, doanh nghiệp vẫn chưa xứng với tiềm năng. Điều này lại được nhắc đến ở Đại hội đại biểu Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 mới diễn ra vào ngày 21/6 ở Hà Nội.

Bài toán đi tìm nguồn thu tốt hơn hiện nay cho cử tạ Việt Nam sẽ vẫn thực sự khó giải trong thời gian tới…

Nguồn thu hạn chế

Báo cáo của Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam nhiệm kỳ 1 (2015-2019) cho thấy, trong cả nhiệm kỳ gần 5 năm, Liên đoàn có tổng nguồn thu hơn 11 tỉ đồng và số dư cuối kỳ đến thời điểm đại hội là 3,6 tỉ đồng. Trung bình mỗi năm Liên đoàn chỉ thu được 2,2 tỉ đồng. Đáng chú ý, nguồn thu trên chủ yếu đến từ lệ phí thi đấu, các khóa đào tạo, chủ yếu là thể hình, do Liên đoàn tổ chức.

Trong khi đó, nguồn thu từ hoạt động tài trợ cho liên đoàn, nhất là về mảng cử tạ lại không đáng kể. Thậm chí, trong năm 2018 và 2019, cử tạ không có nguồn thu từ hoạt động tài trợ. Tình hình trong nửa đầu năm 2020 cũng không sáng sủa hơn là bao, nhất là khi các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.

Thực tế này có vẻ nghịch lý với những đóng góp của cử tạ Việt Nam trong khoảng 12 năm qua và 5 năm gần đây của Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam nhiệm kỳ I. Rõ ràng, cử tạ Việt Nam có một hành trang ấn tượng về thành tích quốc tế để có thể hy vọng tạo nên sức hút với các nhà tài trợ. Năm 2008, tấm HCB của Hoàng Anh Tuấn tại Olympic Bắc Kinh (Trung Quốc) đã tạo nên tiếng vang trong một thời gian dài, trở thành điểm sáng của thể thao Việt Nam.

Đô cử Thạch Kim Tuấn đóng góp nhiều cho cử tạ Việt Nam trong hơn 5 năm qua.

Còn trong 5 năm gần đây, cử tạ vẫn là môn thể thao trọng điểm của thể thao Việt Nam. Các đô cử Việt Nam chưa thể tái lập thành tích giành huy chương Olympic nhưng cũng gây ấn tượng mạnh ở các đấu trường SEA Games, ASIAD, giải vô địch châu Á và vô địch thế giới, Olympic trẻ.

Gần đây nhất, tại SEA Games 30 năm 2019 ở Philippines, cử tạ Việt Nam đã giành tới 4 HCV, 5 HCB, 1 HCĐ – thành tích tốt nhất trong các lần tham dự SEA Games. Tại Olympic trẻ thế giới 2018 ở Argentina, lực sĩ Ngô Sơn Đỉnh (56kg nam) cũng đóng góp 1 HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam.

Ngoài ra, hình ảnh vượt khó của các đô cử Việt Nam để khẳng định tài năng ở cấp độ thế giới, châu lục và khu vực Đông Nam Á cũng được truyền thông nhắc đến nhiều. Những câu chuyện đẫm nước mắt của Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền – những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đã trở thành đô cử hàng đầu thế giới bằng đam mê, sự hy sinh đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ.

Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở câu chuyện trên các phương tiện truyền thông. Trong khi ấy, những người làm truyền thông chuyên nghiệp lại thấy ở đó cơ hội để quảng bá, thu hút tài trợ mà chính Liên đoàn chưa thể tận dụng.

Xây dựng chiến lược truyền thông, hình ảnh để thu hút tài trợ lại là khâu cần đầu tư nhiều hơn ở Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam. Điều đó dẫn đến việc nguồn thu từ thể hình lại trội hơn hẳn nguồn thu từ cử tạ. Còn ở địa phương, ngành, thực tế là các đội tuyển cử tạ đều được duy trì bằng nguồn ngân sách, kể cả ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… Đến lúc này, vẫn chưa có đội hay VĐV cử tạ nào có thêm nguồn thu từ nhà tài trợ. Đơn giản vì sức hút doanh nghiệp của môn thể thao này vẫn chưa đủ lớn.

Còn lý do khác cũng có thể khiến các doanh nghiệp e dè khi đến với cử tạ chính là do có nhiều đô cử của môn thể thao này trên thế giới bị cấm thi đấu do sử dụng chất kích thích. Ngay tại Việt Nam cũng có một số đô cử bị cấm thi đấu quốc tế, trong nước vì lý do tương tự. Điều này đặt ra vấn đề về sự “chông chênh” khi hợp tác, sử dụng hình ảnh VĐV cử tạ để quảng bá hình ảnh cho doanh nghiệp.

Cũng vì vậy, ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT nhận định: “Tài chính là vấn đề khó khăn với tất cả các liên đoàn thể thao tại Việt Nam chứ không riêng Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam nói chung và môn cử tạ nói riêng”.

Thêm cách tiếp cận để tăng nguồn thu

Rõ ràng, cử tạ vẫn có thể thu hút thêm nguồn lực từ các nhà tài trợ thay vì chỉ trông vào lệ phí các giải đấu, các khóa đào tạo. Thế nhưng sẽ cần đến nhiều giải pháp hơn trong thời gian vừa qua. Ngay ở Đại hội đại biểu Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 mới đây, ông Mai Bá Hùng - Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh cho rằng, để thúc đẩy công tác tài trợ của Liên đoàn, cần nhiều hơn sự góp mặt của các nhà tổ chức giải đấu, đơn vị tiếp thị. Trong khi đó, bộ máy của Liên đoàn Cử tạ - Thể hình hiện nay chủ yếu là những người không chuyên về kinh doanh.

Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết: "Hiện nay trong công tác tài trợ của các liên đoàn vẫn dùng mối quan hệ cá nhân để giải quyết. Cách này không còn phù hợp, mà cần đến một chiến lược kinh doanh, tiếp thị nhằm tăng nguồn thu, đóng góp vào sự phát triển của chính Liên đoàn cũng như từng môn trong Liên đoàn.”.

Cũng vì vậy, ông Trần Đức Phấn mới gợi ý, Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam cần có giải pháp để hình ảnh của cử tạ sống động hơn nhằm thu hút tài trợ.

Những gợi ý của ông Trần Đức Phấn sẽ phải được triển khai thành giải pháp cụ thể. Trong đó có việc giúp cử tạ tiếp tục giành huy chương ở kỳ Olympic 2021 cũng như SEA Games 2021 tới. Nếu thành công, đây sẽ là sự quảng bá tốt nhất cho môn thể thao này trước các doanh nghiệp. Đương nhiên, không dễ thực hiện mục tiêu này nhưng đó là việc phải làm để tăng nguồn thu cho mảng cử tạ trong Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam cũng như chính các đội tuyển cử tạ tỉnh, thành, ngành. Nếu không, sẽ khó có đột phá trong đầu tư, phát triển bộ môn thể thao trọng điểm này ở Việt Nam.

Ngoài ra, còn là việc xây dựng hình ảnh một môn thể thao “sạch” tại Việt Nam. Ở đó, các đô cử Việt Nam không sử dụng chất kích thích và vượt qua mọi kỳ kiểm tra chất kích thích. Đấy cũng là cách tạo niềm tin của cử tạ Việt Nam với các doanh nghiệp. Nhưng một mình Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam không thể bao quát toàn bộ chuyện này. Sẽ cần đến cả sự đồng thuận về “cách làm sạch” của các địa phương, ngành trong đào tạo, huấn luyện và thi đấu môn cử tạ.

Và đương nhiên, không thể thiếu một chiến lược truyền thông bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn như chính lãnh đạo Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 chia sẻ, để làm mới hình ảnh của cử tạ Việt Nam, để xứng với vị thế của môn thể thao trọng điểm, giúp cử tạ có thêm nguồn lực.

Người cũ tái đắc cử

Đại hội đại biểu Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 đã bầu Ban chấp hành gồm 29 người. Trong đó, ông Hoàng Xuân Lương tái đắc cử chức Chủ tịch Liên đoàn. Ông Đỗ Đình Kháng (Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II – Tổng cục TDTT) tái đắc cử chức Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.