Ôi, 'vua' Nam Mỹ!

Thứ Hai, 06/07/2015, 10:16
Rốt cuộc thì ĐT Chile cũng đã lên ngôi vua Nam Mỹ sau bốn lần lỗi hẹn. Nhưng đấy chắc chắn là cái ngôi không thể khiến phần còn lại của Nam Mỹ tâm phục khẩu phục.
>> Hạ Argentina trên chấm 11m, Chile lần đầu tiên vô địch Nam Mỹ

120 phút chung kết với Argentina rạng sáng qua (giờ Việt Nam), cũng đã có những thời điểm Chile chơi áp sát, và ngang ngửa đôi công với một đối phương có trình độ kĩ thuật và đẳng cấp cao hơn mình. Thậm chí chính họ mới là người có được những cơ hội đầu tiên, và khi hiệp 1 kết lại với tỷ số 0-0 thì nhiều cổ động viên (CĐV) Chile đã ôm mặt đầy tiếc nuối. Nhưng sang đến 45 phút hiệp 2, khi Argentina tăng tốc và khi một bộ phận cầu thủ Chile có biểu hiện xuống sức, không theo kịp những pha phối hợp nhanh của đối phương thì họ đã áp dụng cái chiêu mà trước đó người ta đã lường đến trước: một lối chơi bạo lực. Hết Messi đến Di Maria - những cầu thủ có lối chơi sáng tạo, lắt léo của Argentina bị phạm lỗi, mà rõ nhất là tình huống Gary Medel vung chân đá thẳng ngực Messi. 

Nhưng sau tình huống khiến người ta phải nghĩ đến một pha đánh võ, chứ không phải đá bóng này, rốt cuộc Medel chỉ phải nhận thẻ vàng, và nó cũng là thẻ vàng duy nhất trong một trận đấu mà Medel mang hình ảnh của một hung thần chính hiệu. 

Rõ ràng, lối chơi bạo lực và sự ưu ái của trọng tài là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Chile cầm hoà trong suốt 90 phút thi đấu chính thức rồi 120 phút hiệp phụ để cuối cùng giành chiến thắng 4-1 trên chấm luân lưu 11m.

Nhưng những gì diễn ra ở trận chung kết chỉ là một điển hình, chứ không phải một ngoại lệ trong suốt hành trình America của Chile năm nay. Ở trận ra quân với Ecuador, khi đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, Chile đã bất ngờ được hưởng 11m sau một tình huống mà cầu thủ mình ngã vờ trong vòng cấm.

Cầu thủ Chile hạnh phúc với ngôi vô địch.

Đến trận tứ kết với Colombia, chỉ vừa nhìn thấy một cầu thủ Chile ngã xuống là trọng tài đã rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu của Cavani. Đã có những thống kê cho hay Chile chính là đội được hưởng phạt đền nhiều nhất, và trong tổng số 7 chiếc thẻ đỏ tại giải thì đã có tới 3 chiếc được dành cho các đối thủ của Chile.

Bên cạnh những sự ưu ái của các trọng tài thì Chile còn gặp rất nhiều may mắn trong việc phân lịch thi đấu và cả trong diễn biến nhiều trận đấu. Bởi ngay từ đầu các đội mạnh như Brazil, Argentina, Colombia... đã rơi cả vào một nhánh trong khi riêng Chile lại ở một nhánh gồm toàn đối thủ nhẹ cân. 

Và hài hước ở chỗ, bốn trận tứ kết ở Copa America diễn ra trong bốn ngày khác nhau, nên với việc đá trận tứ kết đầu tiên Chile đã có thời gian nghỉ dài hơn, đồng nghĩa với việc có thể giữ gìn, tích luỹ thể lực một cách chỉn chu hơn so với các đối thủ ở bán kết và chung kết. 

Còn nói về cái may trong các trận đấu thì những gì diễn ra trong trận chung kết với Argentina đủ cho thấy Chile đã may như thế nào. Thật không thể tin nổi những cầu thủ trình độ cao của Argentina như Lavezzi, Higuain lại dứt điểm hỏng ăn trong hơn một tình huống mà nói theo ngôn ngữ bóng đá là "đá vào trong còn dễ hơn đá ra ngoài".

Cái được lớn nhất của ông vua Nam Mỹ ở giải lần này có chăng là sự đoàn kết và khát vọng vô địch được đẩy cao ngút trời. Nó cao tới độ mà từ giới lãnh đạo bóng đá đến HLV trưởng ĐTQG đều sẵn sàng bỏ qua lỗi uống rượu gây tai nạn của cầu thủ đội mình (Vidal) để có thể tung vào sân một đội hình mạnh nhất.

Rõ ràng Copa America đã khép lại, ngôi vua đã có chủ nhưng một trong những giải bóng đá lâu đời nhất thế giới lại không vì thế mà sáng lên!

Nghèo chuyên môn, giàu bạo lực

Sau khi vòng tứ kết Copa America khép lại, giới chuyên môn chỉ ra một thống kê đáng buồn: Có 7 bàn thắng nhưng lại có tới 31 thẻ vàng và 2 thẻ đỏ. Có nghĩa, mỗi trận bình quân chỉ có 1,75 bàn thắng nhưng lại có đến 8,25 thẻ phạt. Con số này đủ cho thấy chất lượng chuyên môn nghèo nàn và tính chất bạo lực của giải đấu.

Thực tế thì trong số 8 đội vào tứ kết, ngoại trừ Argentina của HLV Martino - một tín đồ của bóng đá tấn công, tấn cả các đội còn lại đều chuộng lối chơi phòng ngự toán tính, và chính tư tưởng này đã bóp nghẹt cái bản ngã hào hoa kĩ thuật của bóng đá Nam Mỹ một thời.

Theo nhiều chuyên gia thì trong màu áo các CLB châu Âu hoặc trong màu áo các ĐTQG nước mình đối đầu với các ĐTQG châu Âu nhiều cầu thủ Nam Mỹ vẫn thể hiện được ưu thế kĩ thuật của mình, nhưng khi Nam Mỹ đấu cùng Nam Mỹ - khi phẩm chất kĩ thuật giữa hai bên là tương đương thì các cầu thủ lại chọn tư tưởng bạo lực và lối chơi thực dụng làm vũ khí.

Ngọc Anh 

Diệp Xưa
.
.
.