Nhật Bản và hoài niệm về bước nhảy vọt mang tên Olympic
- Phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong làng vận động viên Olympic
- Vận động viên tự trao huy chương, chuyện chỉ có ở Olympic
- Tái ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Nhật Bản trong suốt kỳ Olympic
Ký ức 1964
Kết thúc Thế chiến thứ hai với vị thế của kẻ bại trận, Nhật Bản chỉ còn một đống đổ nát. Hàng loạt nhà xưởng, kho tàng bị ném bom, nền kinh tế đình đốn vì phải dành quá nhiều nguồn lực cho hoạt động quân sự. 2 thành phố công nghiệp Hiroshima và Nagasaki chỉ còn là bãi tro tàn vì bom nguyên tử. Xã hội Nhật Bản chìm trong hỗn loạn.
"Ngày đó, Tokyo chỉ là một nơi hoang tàn, bẩn thỉu, ít người muốn đặt chân tới". Nhà văn Mỹ Robert Whiting đã viết về thủ đô Nhật Bản như vậy trong hồi ký của ông. Ngoài phố, đoàn người dài bất tận xếp hàng để nhận trợ cấp thực phẩm. Những người Nhật trải qua thời khắc đó cũng thừa nhận họ cảm thấy không thể sống mãi như thế.
2 thập niên trôi qua kể từ thời điểm đó, ấn tượng của người nước ngoài về Tokyo là thành phố này gần như không thay đổi. Nhà cao tầng, phố xá xuất hiện nhiều hơn nhưng vẫn mang vẻ bụi bặm, cũ kỹ. Ngay cả dân địa phương cũng hoài nghi về khả năng tổ chức một kỳ Thế vận hội của Nhật Bản. Làm thế nào để nơi này trở thành điểm đến xứng tầm đón chào hàng vạn người nước ngoài ghé thăm?
Olympic Tokyo 1964 thay đổi hoàn toàn diện mạo Nhật Bản. |
Trên thực tế, kế hoạch đăng cai một kỳ Olympic đã được Nhật Bản vạch ra từ rất sớm. Năm 1955, họ đã nộp đơn ứng cử tổ chức Thế vận hội 1960 nhưng không lọt vào đến vòng bỏ phiếu cuối cùng. Thất bại đó giúp người Nhật có thêm kinh nghiệm để chuẩn bị hồ sơ, trình bày với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) về một kỳ Thế vận hội lần đầu tổ chức ở châu Á.
Những gì người Nhật học được từ thất bại quả thực lớn hơn rất nhiều so với tưởng tượng của các quan chức IOC. Tại kỳ bỏ phiếu năm 1959, họ giành thắng lợi tuyệt đối với 34 phiếu, bỏ xa Detroit (Mỹ, 10 phiếu), Vienna (Áo, 9 phiếu) và Brussels (Bỉ, 5 phiếu). Giành được cú hích mang tên quyền đăng cai Olympic, phần việc còn lại của Nhật Bản là tận dụng nó để phát triển.
Trong vòng 5 năm kể từ khi nhận quyền tổ chức đến ngày khai mạc Olympic, chỉ riêng tại Thủ đô Tokyo đã xây thêm 10 ngàn tòa nhà cao tầng. Bên cạnh đó là hàng loạt khách sạn đạt chuẩn 5 sao, 8 tuyến đường sắt trên cao, 2 tuyến tàu điện ngầm mới, cùng 1 tuyến xe điện một chiều nối liên sân bay quốc tế Haneda với trung tâm thành phố. Đây cũng là thời điểm họ thí điểm đường sắt cao tốc.
Không chỉ thay đổi về diện mạo thành phố, Nhật Bản còn thay đổi Tokyo từ tận bên trong gốc rễ. Mọi dấu hiệu của lối sống lạc hậu đều bị xóa bỏ, nhường chỗ cho tư duy phương Tây. Họ bỏ gần như hoàn toàn các giếng nước truyền thống, thay bằng hệ thống cấp nước máy đạt chuẩn chất lượng quốc tế. Bồn vệ sinh từng nhà cũng được lắp bệ ngồi kiểu Tây.
Những nỗ lực đó của Nhật Bản đã biến không chỉ Tokyo, mà các thành phố khác chuyển mình hoàn toàn trong 5 năm. Ngay cả Nagasaki và Hiroshima cũng trở lại vị thế đầu tàu phát triển kinh tế và hạ tầng cơ sở. Ngày khai mạc Olympic Tokyo 1964, các hãng truyền thông quốc tế đưa tin cũng biểu lộ sự kinh ngạc về quốc gia châu Á này.
Uy quyền của vị vua
Tương tự Nữ hoàng Elizabeth của Vương quốc Anh, Nhật hoàng không thực sự nắm giữ quyền lực về mặt kinh tế hay chính trị. Tuy nhiên, Hoàng gia Nhật Bản luôn nắm giữ tầm ảnh hưởng không nhỏ lên đời sống của quốc gia này. Kỳ tích Tokyo 1964 có công lớn của Nhật hoàng và Hoàng gia trên vai trò động viên tinh thần người dân cống hiến hết mình vì một bước nhảy vọt.
Đứng trước ngã rẽ giữa bảo tồn giá trị xưa và học theo cái mới, Nhật hoàng đã vận động người dân Tokyo đồng ý tháo dỡ những tòa nhà gỗ kiểu xưa tại trung tâm. Thay vào đó là những khối nhà cao tầng bê tông đồng bộ với kiến trúc đô thị. Các đạo trường ở Thủ đô cũng đồng ý bê tông hóa những tòa nhà với mục đích tăng cường an toàn, tránh sự cố.
9 ngày trước lễ khai mạc Olympic Tokyo 1964, Nhật hoàng Hirohito đã cắt băng khánh thành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Nhật Bản. Tuyến đường nối liền giữa Tokyo và Osaka dài 400km từng khiến người dân đi lại khó khăn, mất đến cả ngày di chuyển, nay chỉ gói gọn trong 3 giờ đồng hồ. Một công trình tên tuổi khác là nhà thi đấu Budoukan. Sau gần 6 thập niên, nơi đây sẽ lại tổ chức thi đấu môn Judo tại Olympic 2021.
"Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn", khẩu hiệu đó của Olympic đã được Nhật Bản áp dụng triệt để vào kỳ Olympic 1964. Dĩ nhiên, sự phát triển thần kỳ đó cũng có mặt trái. Hàng ngàn hộ dân buộc phải rời khỏi nơi sinh sống để xây những sân vận động mới, những tòa nhà mới. Những người vốn quen với lối sống kiểu cũ cảm thấy ngộp thở với đời sống hiện đại. Tuy nhiên, Nhật Bản coi đó là sự hy sinh cần thiết.
Khi giành quyền đăng cai Olympic Tokyo lần thứ 2, Nhật Bản không giấu tham vọng cũ giống như trước kia. Mọi thứ chỉ khác là lần này, Nhật Bản là nước đã phát triển đứng trên bờ vực suy thoái và giảm phát. Olympic được kỳ vọng sẽ kích cầu và tăng thêm việc làm. Đó sẽ là lối thoát cho Nhật Bản, nên họ phải cố gắng tổ chức bất chấp dịch bệnh.
Phản đối nhưng vẫn làm Quyết định tiếp tục tổ chức Olympic Tokyo của Nhật Bản và IOC đang phải chịu phản ứng mạnh từ dân chúng bản địa. Một số khảo sát trực tiếp từ người dân Nhật cho thấy trên 70% dân số không đồng tình với việc Olympic Tokyo 2021 diễn ra lúc này. Những người quá khích còn tổ chức vận động quyên góp chữ ký tẩy chay Thế vận hội và đã có gần nửa triệu người ký tên. Đây là nguyên nhân khiến số lượng tình nguyện viên tại Olympic Tokyo giảm mạnh trước thềm Thế vận hội. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản vẫn cương quyết tổ chức Olympic Tokyo bất chấp việc phải chịu sự phản đối của người dân. Tuy nhiên, họ yêu cầu IOC phải tuân thủ triệt để các quy định phòng, chống dịch bệnh, bao gồm việc tổ chức thi đấu mà không có khán giả đến theo dõi. Quy định này được áp dụng ở Tokyo và đã lan sang thành phố Fukushima. Ước tính, Nhật Bản sẽ chịu thiệt hại khoảng 6 tỷ USD vì lùi Olympic lại 1 năm so với kế hoạch và nền kinh tế thất thu nhiều tỷ USD khác vì không thể đón du khách. Tuy nhiên, hoàn thành Olympic lúc này đã là thành công, bởi nếu không, họ sẽ mất tất cả. |