Trước thềm Euro 2016, phần 1:

Điểm mặt những ứng viên vô địch Euro 2016!

Thứ Bảy, 04/06/2016, 17:11
Vòng chung kết Giải vô địch các quốc gia châu Âu – UEFA European Championship 2016 (Euro 2016) – chuẩn bị diễn ra tại Pháp từ 11-6 đến 11-7. Báo Công An Nhân Dân xin gửi tới quý độc giả chùm 5 bài viết “Trước thềm Euro 2016”. Ở phần đầu tiên, chúng ta sẽ điểm mặt chỉ tên những ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch...

Euro 2016 đang chứng kiến 3 ĐTQG được đánh giá cao nhất, vượt trội hơn tất cả. “Không lọt vào bán kết thì sẽ là thất bại”, đó là cách mô tả chung của tạp chí World Soccer về họ. Đó là Tây Ban Nha, Pháp và Đức.

Tây Ban Nha: Khi “Thệ hệ vàng” đã qua

Như một lẽ dĩ nhiên, những nhà đương kim vô địch luôn nhận được sự kỳ vọng tỏa sáng. Và với Tây Ban Nha, dù cho “Thế hệ vàng” đã qua đi, người hâm mộ của đội bóng xứ bò tót châu Âu vẫn có quyền tin rằng họ đủ mạnh để làm nên lịch sử.

Thành công của Tây Ban Nha tại Euro 2008, World Cup 2010 và Euro 2012 đi cùng một thế hệ cầu thủ vào loại “xưa nay hiếm”. Nhưng một bông hoa dù nở đẹp đến mấy, rực rỡ đến mấy thì cũng đến lúc phai tàn. Tây Ban Nha bước tới Euro 2016 với một số cái tên đã gắn bó với thành công của 3 kỳ đại hội bóng đá từ 2008 đến 2012 như David Silva, Andres Iniesta, Sergio Ramos (và cả Iker Casillas, nhưng anh không còn chắc chắn có suất đá chính) trong đội hình.

Tây Ban Nha, Pháp và Đức đang là những đội tuyển được đánh giá cao nhất trước thềm Euro 2016. 

Thất bại tủi hổ tại World Cup 2014 (bị loại từ vòng bảng) đã “kích hoạt” một cuộc chuyển giao thế hệ tại ĐTQG Tây Ban Nha. Giờ đây, niềm tin của “Cơn cuồng phong đỏ” đang được đặt vào những David De Gea, Koke, Alvaro Morata...

Cuộc chuyển giao ấy bước đầu đã thành công khi Tây Ban Nha chỉ thua đúng 1 lần trong số 13 trận kể từ năm 2015 tới nay. Vẫn còn những sự nghi ngờ về thế hệ cầu thủ mới, nhưng hãy luôn nhớ rằng vị thế của họ là những nhà đương kim vô địch.

Pháp: Biểu tượng của niềm hi vọng?

Giành quyền đăng cai Euro 2016, Pháp bước tới vòng chung kết với suất đặc cách, nhưng không vì thế mà họ không nhận được tôn trọng. Các lãnh đạo liên đoàn bóng đá nước này đã liên tục sắp xếp giao hữu với những đối thủ hàng đầu châu Âu và thế giới trong hai năm qua. Nhờ thế, ĐTQG nước này vẫn giữ nguyên được bầu không khí xây dựng, phấn đấu nghiêm túc.

Điều đáng tiếc cho Deschamps là ngay trước thềm giải đấu, ông mất đi hàng loạt cầu thủ quan trọng nhất vì những lý do khác nhau như Raphael Varane, Mamadou Sakho, Lassana Diarra, Karim Benzema, Mathieu Valbuena... Nhưng dẫu sao, Deschamps vẫn có những cái tên thay thế chất lượng cao. Dù rằng ĐT Pháp quả nhiên đã sụt giảm phần nào sức mạnh, nhưng họ hẳn vẫn sẽ có được sức chiến đấu nguyên vẹn.

Đó là bởi Pháp hiện tại không đơn thuần chỉ là một ĐTQG, mà còn là một niềm hi vọng. Cùng lúc, họ đang là lá cờ đầu trong hai mặt trận. Đầu tiên là mặt trận chống nạn phân biệt chủng tộc – tôn giáo, vốn đang có nguy cơ bùng phát tại châu Âu. Thứ hai, họ được xem là biểu tượng tinh thần trong cuộc chiến chống khủng bố tại châu Âu. “Euro sẽ không bị hoãn chỉ vì lo lắng khủng bố” – Phó Tổng thống Pháp đã tuyên bố như vậy. Và còn gì hơn khi Pháp đăng quang hơn một năm sau sự kiện đánh bom rúng động Paris?

Đức: Vô địch thế giới là chưa đủ?

Đức vẫn luôn luôn là ứng cử viên vô địch cho mọi giải đấu họ tham dự, dù lực lượng tốt hay không. Và mỗi lần họ vô địch, thường có một sự thương cảm nào đó cho những người thất bại. Ví dụ gần nhất chính là Argentina 2014 với Lionel Messi chỉ thiếu mảnh ghép World Cup cho một sự nghiệp lẫy lừng, nhưng rồi Đức lạnh lùng đăng quang trên đất Brazil (sau khi đánh bại chủ nhà tới 7-1).

Thế nên dù người ta mong Tây Ban Nha làm nên lịch sử (3 lần liên tiếp vô địch Euro?) hay mong Pháp đăng quang trên sân nhà thì vẫn phải “lo ngại” rằng Đức sẽ khiến tất cả cụt hứng một lần nữa.

Đức không phải không có điểm yếu. Philipp Lahm là hậu vệ biên hay nhất của họ (ở cả cánh trái lẫn cánh phải) suốt 10 năm qua. Nay, khi anh tuyên bố giã từ màu áo trắng của ĐTQG, Đức “bỗng nhiên” không còn một hậu vệ biên đẳng cấp thực thụ nào.

Dẫu vậy thì HLV Joachim Loew vẫn có quyền tin vào thế hệ cầu thủ tuyệt vời trong tay ông hiện tại. Vắng Lahm nhưng Đức vẫn là một tập thể gắn kết, chơi bên nhau nhiều năm, đang đạt độ “chín” của sự nghiệp và tràn đầy tự tin hướng tới chức vô địch.

Beckenbauer: Pháp, Đức, Tây Ban Nha mạnh nhất Euro

Huyền thoại bóng đá người Đức Franz Beckenbauer đã nhận định rằng Pháp, Đức, Tây Ban Nha là ba đội bóng hàng đầu của Euro 2016, và dĩ nhiên họ sẽ là những ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch.
kenbauer tin rằng Pháp, Đức, Tây Ban Nha là những ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch.

Trong cột báo viết cho tờ First Sport, đội trưởng vĩ đại của ĐT Đức trong thập niên 1960-1970 đã khẳng định rằng cả ba đội bóng đã thay đổi rất nhiều so với chính họ trong khoảng hai năm đã qua. Tuy nhiên, giờ đây cả Pháp, Đức và Tây Ban Nha đều đã thiết lập được những trụ cột mới, với phong thái của những kẻ chinh phục.

Trong bài viết của mình, Beckenbauer phân tích rõ việc Tây Ban Nha đã vượt qua “thời kỳ Xavi” ra sao, Antoine Griezmann sẽ là lá cờ đầu của Pháp như thế nào, cũng như niềm tin của ông vào HLV Joachim Loew của Đức.

Vụ tham nhũng FIFA: Gần 80 triệu franc chảy vào túi 3 người đứng đầu

Tiếp tục bằng chứng cho thấy hành vi tham nhũng của Sepp Blatter.

Các luật sư của FIFA đã lên tiếng khẳng định rằng cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter và tổng thư ký Jerome Valcke và cựu giám đốc tài chính Markus Kattner đã “tự thưởng” cho bản thân những mức tăng lương và những khoản tiền thưởng rất lớn chỉ trong một khoảng thời gian kéo dài 5 năm. Quan trọng hơn, dường như những mức tăng bất thường này đã vi phạm pháp luật.

“Các bằng chứng cho thấy những hành vi của ba quan chức hàng đầu FIFA với mục đích làm giàu cho bản thân, thông qua những lần tăng lương, tiền thưởng World Cup và những nguồn tin khác, qua đó mang về hơn 79 triệu franc Thụy Sĩ (tương đương khoảng 80 triệu USD) – chỉ trong 5 năm” – Luật sư Bill Burck của công ty luật Quinn Emanuel tuyên bố trước báo giới. Công ty luật nói trên hiện đang làm việc cùng FIFA trong nỗ lực minh bạch hóa hoạt động của tổ chức cũng như lật lại những tài liệu cũ nhằm tìm kiếm dấu hiệu sai phạm.

Luật sư Burck cho biết, các hành vi nghi là sai phạm nói trên đã được thực hiện thông qua các văn bản sửa đổi hợp đồng. Hầu hết các văn bản bị nghi ngờ này đều đã có những sự sửa đổi mang tới quyền lợi tài chính cho Blatter, Kattner và Valcke. “Những văn bản sửa đổi này mang tới khoản thưởng rất lớn – có thể lên tới 10 triệu USD – cho cựu chủ tịch FIFA và hai nhân vật thân cận của ông ta, dưới dạng lương và thưởng trong các năm từ 2011 tới 2015”.

Riêng với World Cup 2014 tổ chức tại Brazil, bộ ba Blatter – Kattner – Valcke được cho là đã nhận được tới 14 triệu franc Thụy Sĩ tiền thưởng từ FIFA. Dự kiến, họ sẽ tiếp tục nhận được 15,5 triệu franc Thụy Sĩ nữa từ World Cup 2018 tổ chức tại Nga.

Hiện tại, Blatter và Valcke đều đã không còn làm việc cho FIFA và đang nằm trong danh sách điều tra cấp cao của cảnh sát Thụy Sĩ. Trong khi đó, Kattner vẫn đang công tác tại FIFA với hợp đồng lao động kéo dài tới năm 2023.

Dũng Lê
.
.
.