Bốc thăm vòng chung kết Euro 2016: Trò lố của Platini

Thứ Hai, 14/12/2015, 09:31
Trước khi điều hành lễ bốc thăm vòng chung kết (VCK) Euro 2016 tại Paris (Pháp) rạng sáng qua (13-12), Tổng thư ký UEFA, Gianni Infantino đã có một bài phát biểu ngắn khẳng định rằng đây là một lễ bốc thăm lịch sử, bởi lần đầu tiên VCK Euro có 24 đội tham dự.

Nhưng kết quả bốc thăm VCK Euro 2016 cho thấy ý tưởng nâng số đội tham dự VCK từ 16 lên 24 đội thực sự là một trò lố của Platini, thay vì là một quyết định mang tính lịch sử.

VCK Euro chỉ là một giải đấu cấp châu lục. Có nghĩa là về mặt bản chất nó chỉ tương đương Copa America (giải vô địch Nam Mỹ), Asian Cup (vô địch châu Á) hay CAN Cup (vô địch châu Phi). Dù vậy, trên thực tế các VCK Euro lại luôn được coi trọng hơn hẳn các giải đấu cùng cấp nêu trên. Sự quan tâm dành cho các VCK Euro có lẽ chỉ kém hơn các VCK World Cup. Tại sao lại như vậy?

Điều này một phần bắt nguồn từ việc khu vực châu Âu là nơi tập hợp nhiều đại diện tinh tú nhất của bóng đá thế giới. Nó thể hiện ở chỗ tại các VCK World Cup hiện đại, châu Âu luôn là khu vực được FIFA dành cho nhiều suất nhất (13 suất cứng). Trong khi đó, khu vực châu Phi dù cũng có 53 thành viên như UEFA nhưng lại chỉ có 5 vé dự World Cup. Nhưng nguyên nhân lớn hơn khiến các VCK Euro luôn rất thu hút người hâm mộ nằm ở chính thể thức 16 đội dự VCK của Euro.

Kết quả bốc thăm VCK Euro 2016.

Với việc có 16 đội được chia làm 4 bảng tính cạnh tranh của các VCK Euro ngay từ vòng bảng đã cao hơn hẳn các VCK World Cup. Không năm nào các VCK Euro không có bảng tử thần. Ví dụ như cách đây 4 năm thậm chí còn có đến 2 bảng đấu xứng đáng được coi là bảng tử thần là bảng B (với sự hiện diện của Đức, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Đan Mạch) và bảng C (gồm Tây Ban Nha, Italy, Croatia và CH Ireland). Có thể thấy với những cái tên như vậy thì việc cạnh tranh 1 suất tiến vào vòng knock-out ở Euro là vô cùng khốc liệt. Nó khác khá nhiều so với VCK World Cup nơi vòng bảng vẫn có sự phân hóa tương đối sâu sắc, do sự có mặt của những đại diện của các khu vực bóng đá kém phát triển hơn như châu Á, Concacaf...

Tuy nhiên, với việc nâng số đội lên thành 24 đội Euro và phân vào 6 bảng đấu thực sự đã đánh mất đi chất đặc biệt của mình. Những lá thăm do các cựu danh thủ như David Trezeguet, Oliver Bierhoff… mở ra đã không thể tạo nên bất kì bảng đấu nào xứng đáng được coi là “tử thần”. Ngược lại, có những bảng đấu chỉ giống như một sân chơi hạng 2, điển hình như bảng A và F. Cả Pháp (bảng A) và Bồ Đào Nha (bảng F) đều có thể xoa tay hài lòng khi lá thăm đưa họ vào những bảng đấu khá dễ dàng. Đối thủ của nước chủ nhà VCK Euro 2016 chỉ là Albania, Romania và Thụy Sỹ. Trong đó, Albania lần đầu tiên lọt vào vòng chung kết Euro, điều mà có lẽ họ chẳng dám mơ nếu giải đấu chỉ chọn 16 đội vào vòng trong. Còn Romania thì cũng đã trải qua gần 1 thập kỷ không thể giành vé đến vòng chung kết một giải đấu lớn. Trong khi đó, đối thủ của Bồ Đào Nha cũng chỉ là Áo, Iceland và Hungary.

Các bảng đấu khác không đến nỗi “thảm” như vậy, nhưng ngay cả những bảng “nặng” nhất là bảng D (Tây Ban Nha, CH Czech, Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia) và bảng E (Bỉ, Italy, CH Ireland và Thụy Điển) rõ ràng cũng chẳng thể so sánh với những bảng tử thần trong quá khứ. Không những thế, thể thức của kì Euro lần này có thể cho phép 1 bảng có đến 3 đại diện đi tiếp (12 đội nhất nhì ở 2 bảng và 4 đội xếp thứ 3 xuất sắc nhất) cũng khiến tính cạnh tranh ở vòng bảng giảm đi rất nhiều. Thật khó có chuyện Đức (ở bảng C với Ukraine, Ba Lan và Bắc Ireland) và Anh (ở bảng B gồm Wales, Nga hay Slovakia) không thể ít nhất giành 1/4 vị trí thứ 3 xuất sắc nhất để đi tiếp.

Việc tăng quy mô số đội dự VCK Euro giúp UEFA có được 1 lịch thi đấu dài hơn, đồng nghĩa với việc doanh thu cao hơn. Nhưng nó cũng đang biến Euro từ đấu trường cực kì khốc liệt, trở thành một giải đấu ít tính cạnh tranh, ít nhất là trong giai đoạn vòng bảng.

Platini bị cấm cửa tại lễ bốc thăm VCK Euro 2016

Dù vẫn là đương kim Chủ tịch UEFA, đồng thời là cha đẻ của ý tưởng nâng số đội tham dự các VCK Euro lên thành 24 đội cùng thể thức 6 bảng đấu, nhưng Michael Platini đã không thể tham dự lễ bốc thăm “lịch sử” này. Bởi ông này đang trong thời gian phải thi hành lệnh cấm dính dáng đến mọi hoạt động liên quan đến bóng đá trong 90 ngày do Ủy ban đạo đức của FIFA đưa ra hồi tháng 10/2015 để phục vụ việc điều tra những cáo buộc Platini có liên quan đến tham nhũng.

Được biết, trước thềm lễ bốc thăm VCK Euro 2016, Platini đã nộp đơn lên Tòa án Trọng tài thể thao (CAS) đề nghị hủy án phạt này nhằm có thể góp mặt tại lễ bốc thăm diễn ran ngay trên quê nhà. Nhưng CAS đã bác đơn của Platini. Nhưng bên cạnh đó vẫn có một tin vui dành cho vị Chủ tịch UEFA. Đó là CAS cũng đã ban hành một phán quyết theo đó Ủy ban đạo đức của FIFA sẽ không có quyền cấm Platini hoạt động bóng đá hơn mốc 90 ngày trừ khi ông này bị nhà chức trách phát hiện có tội.

T.Đ.


Tất Đức
.
.
.