Vun đắp tài năng phải đến từ nhiều phía

Thứ Năm, 28/12/2017, 08:25
Một trong những nhiệm vụ của Tổng cục TDTT là đầu tư cho lứa vận động viên (VĐV) trẻ để đáp ứng nhiệm vụ tại Olympic 2020 cũng như các đại hội thể thao quốc tế sau đó.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã giao nhiệm vụ trong năm 2018 cho Tổng cục TDTT là phải thực hiện tốt hai nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc đoạt 3-4 HCV ở ASIAD 2018 và đầu tư cho lứa vận động viên (VĐV) trẻ để đáp ứng nhiệm vụ tại Olympic 2020 cũng như các đại hội thể thao quốc tế sau đó. Chính vì vậy, đầu tư đối ứng giữa Tổng cục TDTT với các đơn vị chủ quản đã được xem là giải pháp quan trọng để thực hiện những mục tiêu trên.

Có thành quả và cả những bài học

Ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) nói rằng: “Để đầu tư tốt và hiệu quả cho vận động viên trong giai đoạn hiện nay phải trông vào 3 nguồn là ngân sách từ Tổng cục TDTT, ngân sách từ đơn vị chủ quản VĐV và kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Trong số này, sự phối hợp đầu tư giữa Tổng cục TDTT với đơn vị chủ quản vận động viên thực sự quan trọng, nhất là với những môn ít khả năng thu hút các nguồn lực xã hội hóa”. 

Cách làm này không còn mới, khi từng được áp dụng mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Nhờ đó, thành tích của một số vận động viên mới được phát triển tương xứng với tiềm năng của họ.

Trong số này, trường hợp Nguyễn Thị Ánh Viên được coi như điển hình của sự phối hợp đầu tư thành công giữa Tổng cục TDTT với đơn vị chủ quản của VĐV. Khoản kinh phí do hai bên cùng đóng góp đủ để Nguyễn Thị Ánh Viên tập huấn từ năm này sang năm khác tại Mỹ, từ đó tạo nên những kỳ tích, gây hiệu ứng mạnh mẽ trong làng thể thao Việt Nam. 

Nguồn kinh phí để Nguyễn Thị Ánh Viên và HLV Đặng Anh Tuấn đi tập huấn dài hạn tại Mỹ không được tiết lộ cụ thể song rất lớn, thậm chí lớn hơn cả kinh phí tập huấn và thi đấu quốc tế hằng năm của môn bơi (Tổng cục TDTT). Vì thế, nếu không có thêm nguồn kinh phí từ đơn vị chủ quản của Ánh Viên thì bơi Việt Nam đã không có một Nguyễn Thị Ánh Viên của ngày hôm nay.

Tuy vậy, cũng có những trường hợp không thành công như mong đợi, trong đó có chuyến tập huấn tại Mỹ các vận động viên điền kinh Thanh Hóa. Tại đây, bộ đôi Quách Công Lịch – Quách Thị Lan đã được kỳ vọng sẽ lên ngôi vô địch SEA Games 29, song Quách Công Lịch chỉ giành HCB, trong khi Quách Thị Lan không thể lên ngôi vô địch cá nhân và chỉ giành HCV ở nội dung đồng đội. 

Xa hơn có thể kể đến trường hợp của đội tiếp sức 4x400m nữ Việt Nam, hay kình ngư Hoàng Quý Phước với các chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ cùng ước mơ vươn tới đẳng cấp mới. 

Tuy nhiên, lỗi không thuộc về cách làm, mà do những vấn đề phát sinh cụ thể từ HLV, VĐV. Trong số này, rõ nhất là sự thích nghi cũng như khả năng ngoại ngữ, nền tảng về y học, dinh dưỡng thể thao hạn chế của HLV, VĐV.

Quan trọng là thể thao Việt Nam đã có một hướng đi đúng nhằm nâng tầm cho VĐV, thậm chí cả HLV trong suốt quá trình tập huấn. Như ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II (Tổng cục TDTT) giải thích thì: “HLV đi cùng VĐV không chỉ có nhiệm vụ giám sát, chăm lo việc hậu cần, mà còn có trách nhiệm học hỏi những kiến thức huấn luyện tiên tiến từ các chuyên gia nước sở tại. Như thế, thành công của chuyến tập huấn mới trọn vẹn”. 

Nhưng rõ ràng, thành bại hay không cũng đều nằm ở những con người cụ thể dù giải pháp đúng và phù hợp thực tế.

Võ sĩ Taekwondo Hồ Thị Kim Ngân (thứ hai từ phải sang) sẽ được Tổng cục TDTT và đơn vị chủ quản cùng phối hợp đầu tư.

Đẩy mạnh đối ứng ngân sách

Trong bối cạnh nguồn tài trợ của một số môn còn hạn chế, khi nhiệm vụ xây dựng lực lượng VĐV có thể đáp ứng nhiệm vụ quốc tế trong năm 2018 và những năm sau đó càng trở nên cấp bách thì giải pháp đối ứng ngân sách giữa Tổng cục TDTT với các đơn vị chủ quản vận động viên sẽ càng được đẩy mạnh. 

Theo ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao I, đây là một trong những giải pháp quan trọng để có nguồn kinh phí thực hiện những chuyến tập huấn, thi đấu quốc tế cho VĐV. Trong những cuộc họp gần đây giữa Tổng cục TDTT với một số địa phương, việc đối ứng ngân sách đã được thống nhất. 

Trong số này, Sở VH, TT&DL An Giang đã thống nhất sẽ chi thêm trên 300 triệu đồng để cùng Tổng cục TDTT đầu tư cho tài năng trẻ Hồ Thị Kim Ngân (Taekwondo) trong năm 2018; hỗ trợ để VĐV xe đạp Nguyễn Thị Thật được tập huấn 3 tháng tại Mỹ để chuẩn bị cho ASIAD 2018; Sở VH, TT&DL Cần Thơ chi thêm 400 triệu đồng để cùng đầu tư cho võ sĩ boxing nữ Đỗ Hồng Ngọc (HCB giải boxing trẻ thế giới 2017) trong năm 2018…

Ngoài ra, nhiều bộ môn khác như cầu lông, karatedo… và đương nhiên là cả bơi với trường hợp Ánh Viên  cũng sẽ thực hiện giải pháp này nhằm để VĐV được hưởng điều kiện tập huấn và thi đấu quốc tế tốt nhất.

Tất nhiên, những người trực tiếp thực hiện các giải pháp trên, trong đó có cả HLV và VĐV, mới quyết định thành bại của một hướng đi, để không lãng phí nguồn kinh phí của nhà nước.

Võ sĩ Hồ Thị Kim Ngân được thi đấu gần 10 giải quốc tế năm 2018

Trong năm 2018, với nguồn kinh phí từ Tổng cục TDTT cũng như Sở VH, TT&DL An Giang, Tổng cục TDTT và Liên đoàn Taekwondo Việt Nam (VTF) sẽ tạo điều kiện để võ sĩ Hồ Thị Kim Ngân (HCV giải Taekwondo trẻ thế giới năm 2016) tham dự gần chục giải và tập huấn quốc tế, trong đó có giải Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng (tháng 2), giải Malaysia mở rộng (tháng 3), tập huấn quốc tế (tháng 4-5), 3 giải thuộc hệ thống giải Grand Prix (tháng 6 ở Roma - Italia; tháng 9 ở Đài Loan – Trung Quốc, tháng 10 ở Anh), Cúp Chủ tịch (tháng 11, Iran), Giải Hàn Quốc mở rộng, Cúp KimUnYong (tháng 7-8, Hàn Quốc)... 

Ngoài ra, Hồ Thị Kim Ngân còn dự vòng loại tuyển chọn Olympic trẻ (tháng 4 ở Tunisia và tháng 10 tại Argentina). Hiện tại, Hồ Thị Kim Ngân (sinh năm 2001) đang là gương mặt sáng giá nhất trong lứa vận động viên trẻ của Taekwondo Việt Nam.

Minh Nhật


Minh Hà
.
.
.