“Dám trèo, không sợ ngã”

Thứ Tư, 27/12/2017, 09:50
Tại Hội nghị triển khai công tác của Tổng cục TDTT năm 2018 mới đây, Bộ trưởng Bộ VH – TT & DL Nguyễn Ngọc Thiện đã đặt ra mục tiêu giành từ 3-4 HCV tại Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) 2018 cho Đoàn Thể thao Việt Nam.

Đấy là mục tiêu khó với thể thao Việt Nam trong thời điểm này nhưng có lẽ, đó lại là động lực để các nhà quản lý, HLV, VĐV làm mới bản thân, thoát khỏi “vùng an toàn” về chỉ tiêu HCV.

Thành tích đi xuống

Năm 2002 đặt dấu mốc mới về thành tích của thể thao Việt Nam tại đấu trường ASIAD. Sự xuất sắc của các vận động viên đội tuyển Billiards – Snooker, Karatedo, Thể hình đã giúp Đoàn Thể thao Việt Nam giành 4 HCV, thành tích tốt nhất trong lịch sự tham dự ASIAD. Cho đến lúc này, thể thao Việt Nam vẫn chưa thể tái lập thành tích này.

Năm 2006, sự chói sáng bất ngờ của đội tuyển Cầu mây với 2 tấm HCV cũng chỉ có thể giúp Đoàn Việt Nam giành 3 HCV. Đến năm 2010 và 2014, Đoàn Việt Nam đều chỉ giành được 1 HCV bởi võ sĩ Lê Bích Phương (môn Karatedo tại ASIAD 2010) và Dương Thúy Vi (Wushu, ASIAD 2014).

Như thế, từ năm 2002 đến nay, biểu đồ thành tích của Thể thao Việt Nam tại ASIAD theo hướng đi xuống. Những môn mang về HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam đều không trong chương trình thi đấu của Olympic cho tới thời điểm đó.

Cũng trong giai đoạn này, nhiều môn trong chương trình thi đấu Olympic của Thể thao Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ ở đấu trường SEA Games như điền kinh, bơi bên cạnh thế mạnh sẵn có là cử tạ, bắn súng. Thế nhưng, tấm HCV luôn ngoảnh mặt với VĐV Việt Nam ở những môn này dù họ đã có nhiều cơ hội. Rõ nhất là trường hợp xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở ASIAD 2010.

Năm đó, anh đã dẫn đầu bài thi chung kết cho đến lần bắn viên đạn cuối ở nội dung 50m súng ngắn bắn chậm. Súng cướp cò theo cách khó tin khiến Hoàng Xuân Vinh mất HCV đầy tức tưởi. 4 năm sau, điền kinh Việt Nam từng kỳ vọng vào tổ 4x400m nữ với một chuyến tập huấn đầy công phu tại Mỹ nhưng cuối cùng cũng ngậm ngùi nhìn đối thủ đăng quang.

Lãnh đạo ngành Thể thao Việt Nam từng nhiều lần nhận định rằng đấu trường ASIAD đầy khắc nghiệt vì hội tụ nhiều vận động viên hàng đầu thế giới tại các môn thi đấu. Theo đó, để giành HCV thì VĐV Việt Nam cũng phải vượt qua những nhà vô địch thế giới khác. Câu chuyện này được thể hiện rõ nhất ở hạng 56kg nam, môn cử tạ. Ở đó, cử tạ Việt Nam luôn có những đô cử mạnh như Hoàng Anh Tuấn (á quân Olympic 2008), Trần Lê Quốc Toàn, Thạch Kim Tuấn…

Tuy nhiên, khi gặp những đối thủ hàng đầu thế giới từ Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, các lực sĩ Việt Nam đều không thể tạo đột phá để giành ngôi vô địch. Vì thế, người ta mới coi thành tích tại ASIAD 2002 và 2006 của thể thao Việt Nam như sự đột biến, không mang tính ổn định. Thực lực của thể thao Việt Nam tại đấu trường ASIAD cũng chỉ có thể đạt 1-2 HCV.

Các võ sĩ Pencak Silat được hy vọng sẽ giành HCV tại ASIAD 2018.

Mục tiêu khó đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn

Khi đề cập đến ASIAD 2018, lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng chỉ đặt mục tiêu giành 2-3 HCV. Chỉ tiêu này được đưa ra vì có sự xuất hiện lần đầu của môn Pencak Silat trong chương trình thi đấu ASIAD. Ở đó, đội tuyển Pencak Silat Việt Nam hy vọng giành ít nhất 1 HCV. Cộng với những thế mạnh từ Wushu, Bắn súng, Điền kinh, Karatedo, Xe đạp nữ… Tổng cục TDTT mới đặt ra mục tiêu trên.

Tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai công tác của Tổng cục TDTT năm 2018, Bộ trưởng  Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã bày tỏ mong muốn Đoàn Thể thao Việt Nam giành 3 – 4  HCV tại ASIAD 2018.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện thì lớp HLV, VĐV trước đây đã giành được cột mốc thành tích như trên thì các lớp HLV, VĐV hiện nay cũng phải tái lập, thậm chí vượt qua. Trong nhiều năm gần đây, sự đầu tư từ nhiều nguồn cho HLV, VĐV trọng điểm đã tăng lên rõ rệt. Vì thế, hoàn toàn có lý do để đặt mục tiêu bằng hoặc cao hơn những cột mốc HCV tại các kỳ ASIAD trước đây của thể thao Việt Nam.

Mong muốn ấy cũng là mục tiêu mà Đoàn Thể thao Việt Nam phải thực hiện. Cũng có nghĩa, mức “sàn” về HCV tại ASIAD 2018 đã tăng từ 2 lên 3. Giành được 1 tấm HCV tại ASIAD cũng là cả kỳ công với VĐV Việt Nam.

Thế nên, sự thay đổi mục tiêu cũng sẽ khiến lãnh đạo Tổng cục, HLV và VĐV những môn trọng điểm, được “quy hoạch” vào nhóm có thể giành HCV ASIAD 2018 phải vắt óc nhiều hơn. Đương nhiên, áp lực sẽ nhiều hơn với một số môn. Thay vì chỉ đặt mục tiêu “vào nhóm tranh chấp ngôi vô địch”, sẽ phải điều chỉnh lên mức cao hơn là “giành ngôi vô địch”.

Thay đổi trong mục tiêu đương nhiên sẽ kéo theo thay đổi về động lực để từ đó ý thức tập luyện, thi đấu cũng sẽ phải nâng lên. Có lẽ, đó lại là điều tốt cho thể thao Việt Nam để các nhà quản lý phải nỗ lực nhiều hơn, nhằm thoát khỏi “vùng an toàn” về thành tích, qua đó có thể đạt đến những cột mốc mới.

Thời gian từ nay đến ASIAD 2018 không còn nhiều. Vì vậy Bộ trưởng  Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện mới nói rằng:”Giờ không phải là lúc nghĩ về giải pháp giành HCV tại ASIAD 2018 mà phải hành động ngay”.

Lấy thi đấu thay tập huấn

Một trong những giải pháp để nâng chất VĐV Việt Nam nhằm đạt thành tích tốt trên đấu trường ASIAD, Olympic được Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) Hoàng Quốc Vinh trình bày tại hội nghị là sẽ tăng cường để VĐV thi đấu cọ xát với những VĐV hàng đầu thế giới, châu lục. Chỉ có “thực chiến” mới nhanh chóng nâng trình độ, bản lĩnh và đẳng cấp cho VĐV. Đây được xem là một trong những giải pháp đột phá của thể thao Việt Nam trong thời gian tới. 

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.