Vòng chung kết World Cup U.20: “Sạch bong” châu Á
- Ai "giữ" tinh thần U.20?
- U.20 Việt Nam chia tay World Cup U.20: "Thất bại, nhưng không buồn..."3
- U.20 Việt Nam thua U.20 Pháp 0-4: Chấp nhận được!
Hai đại diện châu Á rời giải ngay sau vòng bảng là U.20 Việt Nam và U.20 Iran. Trong số 3 đại diện châu Á đi tiếp, U.20 Saudi Arabia coi như không có "cửa" vì đối thủ của họ - U.20 Urugoay quá mạnh. Ở vòng bảng Urugoay thắng từ Nam Phi, Nhật Bản đến Italia, và theo đánh giá của giới quan sát thì đến lúc này, chính Urugoay mới là ứng cử viên vô địch số 1.
Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi Saudi Arabia đã bày ra một thế trận ngang ngửa, cùng hàng loạt những pha ăn miếng trả miếng với đối thủ này. Saudi Arabia chỉ "chết" từ một tình huống 11m - một cái chết có phần cay đắng.
Nỗi buồn bại trận của cầu thủ U.20 Hàn Quốc. |
Trong khi đó U.20 Nhật Bản đặt quyết tâm đánh bại U.20 Venuezela - đội bóng đại diện cho nền bóng đá yếu kém nhất Nam Mĩ. Suốt 90 phút bóng lăn lẫn thời gian hai hiệp phụ, Nhật Bản và Venezuela cũng đá ngang ngửa, với khá nhiều cơ hội được tạo ra. Nhưng vấn đề là những đường chuyền và những cú sút cuối cùng của Nhật Bản lại đi thiếu chính xác, trong khi cầu thủ Venezuela lại nhỉnh hơn ở phương diện này. Kết quả là Nhật thua ở hiệp phụ - thua duy nhất 1 bàn, và đó là một kịch bản để lại ít nhiều tiếc nuối.
Nhưng đấy chỉ là tiếc nuối ở phương diện kết quả, còn nhìn ở phương diện phong độ, thể hiện ở hành trình mà cả hai thể hiện từ đầu giải thì Nhật không thể nào sánh bằng Venezuela. Ba trận đấu ở vòng bảng, trong khi Nhật thắng ngược Nam Phi, thua Urugoay và hoà Italia thì Venezuela toàn thắng cả ba, trong đó đáng kể là chiến thắng 2-0 trước Đức. Tính luôn chiến thắng trước Nhật Bản, đại diện Nam Mĩ lúc này ghi cả thảy 11 bàn, chưa để lọt lưới bàn nào và thực sự đã trở thành ngựa ô của giải.
Trong số ba cái thua của châu Á ở vòng đấu loại trực tiếp xem ra cái thua của chủ nhà Hàn Quốc là nhạt nhất. Không còn nữa một Hàn Quốc bách chiến bách thắng, trong đó có chiến thắng tưng bừng 2-1 trước Argentina ở vòng bảng, thay vào đó là một Hàn Quốc chủ động cầm bóng ép sân nhưng... bất lực toàn diện trước thứ bóng đá chặt chẽ của Bồ Đào Nha.
Cảm giác như cứ mỗi lần có bóng phản công là một lần Bồ Đào Nha có thể ăn bàn, và vì thế 3 bàn dẫn trước vẫn là quá ít. Hàn Quốc chỉ có được một bàn danh dự vào cuối trận, và hẳn nhiên tỷ số thua 1-3 khiến cho cuộc chia tay không để lại chút ít ngậm ngùi nào.
Ba đội châu Á đã thua hai đội Nam Mỹ, một đội châu Âu. Có những cái thua sít sao về tỷ số (Saudi Arabia, Nhật Bản), có cái thua toàn diện về thế trận (Hàn Quốc), nhưng tựu trung lại, ai cũng thấy bóng đá trẻ châu Á vẫn còn một khoảng cách rất lớn so với các khu vực bóng đá phát triển trên thế giới.
World Cup năm 2002, trong tư thế chủ nhà, có nhiều ưu thế về sân bãi, cổ động viên và phần nào là cả... tiếng còi của các ông vua sân cỏ, Hàn Quốc từng vượt mặt hàng loạt ông lớn như Italia, Tây Ban Nha... để trở thành đệ tứ anh hào thế giới. Năm nay, cũng trong thế chủ nhà, người Hàn Quốc cũng mơ mộng vào một hành trình tương tự, nhưng có vẻ như lịch sử chỉ diễn ra một lần. Khi mà khoảng cách về trình độ là quá lớn thì những yếu tố phụ trợ, ngoài chuyên môn không thể lúc nào cũng phát huy tác dụng.
Nói đến câu chuyện của các đội bóng châu Á cũng là để trở lại với câu chuyện của U.20 Việt Nam. Suốt những ngày qua, vẫn có một bộ phận không nhỏ các chuyên gia chê U.20 Việt Nam dứt điểm thiếu chính xác, đấu pháp thiếu hợp lý. Theo những người này, nếu toan tính và thực chiến tốt hơn, chúng ta thậm chí còn có có thể giành được tối đa... 6 điểm ở vòng bảng để giành vé vào vòng 16 đội. Nhưng rõ ràng, đấy là những suy nghĩ quá ảo tưởng.
Có những lúc tưởng như chúng ta rất gần tới một chiến thắng, nhưng đặt lại mình vào cái chiếu châu Á, và nhìn vào kết quả của bóng đá châu Á nói chung mới thấy cái tưởng là "rất gần" thực ra lại là một khoảng cách vời xa, thăm thẳm. Thế nên hiểu đúng mình đúng người, rút ra kinh nghiệm cho tương lai là điều nên làm thay vì cứ ngồi đấy mà tiếc nuối hay trách móc lẫn nhau.
Cầu thủ U.20 đủ sức khoác áo Đội tuyển Quốc gia Xung quanh thông tin có tới 7 cầu thủ của Đội tuyển U.20 được HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng gọi tập trung Đội tuyển Quốc gia, chuẩn bị cho trận đấu với Jordan tại vòng loại Asian Cup 2019, nhiều người đặt ra câu hỏi: Các cầu thủ này có đủ sức khoác một chiếc áo "quá lớn" so với mình hay không? Một thành viên trong ban huấn luyện Đội tuyển chia sẻ với chúng tôi: "Những em này đều đã có quá trình dài tập luyện, thi đấu quốc tế, nên dày dạn kinh nghiệm trận mạc hơn hẳn những bạn đồng trang lứa, không có cơ hội thi đấu quốc tế như mình. Mặt khác đây là dịp để các cầu thủ tập luyện, chuẩn bị cho mục tiêu quan trọng tại SEA Games tới". Không riêng gì 7 cầu thủ U.20, có khá nhiều cầu thủ của Đội tuyển U.22 cũng được "đôn" vào Đội tuyển với mục đích thử lửa để từ đó có thể xây dựng bộ khung một U.22 Việt Nam đủ sức mạnh thực hiện chỉ tiêu vàng SEA Games 29. Ngọc Anh |