Vì sao Ban Kỷ luật VFF tiếp tục “nương tay” với bạo lực sân cỏ?

Thứ Năm, 02/11/2017, 08:32
Cả làng phát sốc khi Ban Kỷ luật VFF và ông Trưởng ban Nguyễn Hải Hường kết luận: "Hành vi của cầu thủ Olaha của CLB Sông Lam Nghệ An ở phút 36 trong trận đấu (Sông Lam Nghệ An - Khánh Hoà ở vòng 23 V.League cuối tuần trước - PV) là không rõ ràng mang tính bạo lực...", từ đó không xử nguội cầu thủ này như kiến nghị trước đó của Ban tổ chức giải.


Tất cả những ai có mặt trên sân Nha Trang ở vòng 23 V.League đều thấy rất rõ tiền đạo Olaha (Sông Lam Nghệ An) đã dùng tay đánh thẳng vào mặt Nguyễn Cửu Huy Hoàng (Khánh Hoà) trong một tình huống không bóng, khiến khán giả vô cùng bức xúc.

Bình luận viên Trần Thắng - người bình luận trực tiếp trận đấu này trên sóng truyền hình đã chia sẻ với chúng tôi: "Đấy rõ ràng là một pha đánh nguội". Cựu trọng tài FIFA Đinh Văn Dũng khi xem lại clip pha tranh chấp cũng khẳng định: "Với pha đánh nguội ấy, lẽ ra cầu thủ Sông Lam Nghệ An phải nhận thẻ đỏ ngay lập tức".

Tất cả các chuyên gia bóng đá mà chúng tôi tham khảo ý kiến đều khẳng định tương tự, rằng Olaha có thể may mắn thoát khỏi tầm quan sát của trọng tài nên không phải nhận thẻ đỏ, nhưng xứng đáng bị phạt nguội, thậm chí là phạt nặng. Ban tổ chức giải đã tập hợp đầy đủ hồ sơ, báo cáo của giám sát trận đấu cũng như băng hình pha tranh chấp này tới Ban Kỷ luật VFF, nhưng kinh ngạc là sau khi mổ băng, cái Ban do ông Nguyễn Hải Hường phụ trách đã đưa ra kết luận gây sốc nói trên.

Olaha đánh nguội cầu thủ Khánh Hoà nhưng không bị xử lý.

Trong văn bản phúc đáp lại đơn vị tổ chức giải (VPF), Ban Kỷ luật kết luận hành vi của Olaha là "không rõ ràng mang tính bạo lực" - một kết luận hết sức khó hiểu. "Không rõ ràng mang tính bạo lực" xét cho cùng là "không bạo lực" hay "bạo lực ở mức độ nhẹ"? Nhưng bất luận như thế nào thì việc Ban Kỷ luật không phạt nguội tiền đạo của Sông Lam Nghệ An cũng khiến dư luận phải đặt dấu hỏi về tính công minh của mình.

Còn nhớ, hồi đầu mùa giải năm nay, trong trận đấu CLB Hà Nội - Hoàng Anh Gia Lai trên sân Hàng Đẫy, tiền đạo Hoàng Vũ Samson của CLB Hà Nội đã nhảy lên rồi giẫm vào đùi Châu Ngọc Quang của Hoàng Anh Gia Lai một cách cực kỳ phản cảm. Nhưng sau khi mổ băng, họp hành đủ kiểu, những người liên quan cũng khẳng định đấy chỉ là một hành động "liều lĩnh", chứ không phải "bạo lực", từ đó không xử nguội cầu thủ này. Phải đến khi một làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ dư luận báo chí xuất hiện thì Ban Kỷ luật mới cuống cuồng phạt một cách chiếu lệ.

Trong vụ việc này, ông Trưởng ban Nguyễn Hải Hường lấy cớ là: "Ban tổ chức giải không gửi hồ sơ, nên chúng tôi không có lý do để xét xử" - một cách giải thích cực kỳ vô trách nhiệm. Bởi nếu thấy đấy là một pha bóng có vấn đề thì ngay cả khi Ban tổ chức không gửi hồ sơ, Ban Kỷ luật cũng phải đề nghị gửi hồ sơ. Và nực cười ở chỗ, sau đó, trước áp lực từ dư luận và cả những cơ quan có thẩm quyền, Ban Kỷ luật vẫn xử Samson mà không cần hồ sơ của Ban tổ chức. Riêng với vụ Olaha lần này thì Ban Kỷ luật nhận được hồ sơ, báo cáo đàng hoàng, thế mà...

Từ vụ Hoàng Vũ Samson đến vụ bỏ qua lỗi đánh nguội rất thô thiển của Olaha hiện nay, người ta buộc phải đặt ra câu hỏi: Vì sao Ban Kỷ luật VFF thường xuyên dung túng cho các biểu hiện bạo lực sân cỏ? Vì năng lực chuyên môn, khả năng mổ băng, phân tích tình huống của Ban này có vấn đề hay vì một lý do tế nhị, khó nói ngoài chuyên môn nào khác?

Nên nhớ rằng trước khi mùa giải năm nay khai mạc, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao đã có văn bản chỉ đạo VFF phải rất mạnh tay với các hành vi bạo lực sân cỏ, đặc biệt là với những pha đánh nguội manh tính triệt hạ đối phương. Mới đây, trong cuộc gặp gỡ lãnh đạo của Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch cùng các quan chức cấp cao VFF, đích thân Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nhắc đi nhắc lại điều này.

Thế nên những quyết định gây sốc của Ban Kỷ luật VFF đã cho thấy sự không tôn trọng tinh thần chỉ đạo nói trên. Và vì thế đã đến lúc phải mổ xẻ trách nhiệm, xem xét toàn diện cách thức làm việc của cái Ban vốn có nhiệm vụ rất thiêng liêng là gìn giữ những giá trị tử tế, công tâm cho ngôi nhà bóng đá Việt Nam.

Lời đồn thổi về "nhóm lợi ích"

Thông thường với hành vi đánh người không bóng của mình, tiền đạo Olaha sẽ bị phạt tiền và treo giò ít nhất 3 trận. Hiện tại Sông Lam Nghệ An đang đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng, không còn khả năng tranh chấp với tốp cạnh tranh huy chương, và cũng không phải đối diện với nguy cơ xuống hạng. Thế nên, giả dụ có mất Olaha trong 3 trận cuối mùa, một đội bóng đã hết mục tiêu như Sông Lam cũng không bị ảnh hưởng gì về thứ hạng.

Thế nhưng dư luận đồn rằng người ta muốn Sông Lam có đội hình mạnh nhất trong trận đấu với đội đang tranh chấp ngôi vua V.League tới đây là FLC Thanh Hoá, để hy vọng có thể hạn chế khả năng vô địch của Thanh Hoá?

Tất nhiên, đấy chỉ là lời đồn thổi, không thể kiểm chứng, tuy nhiên nói như một người rất hiểu V.League là HLV Mai Đức Chung thì có vẻ như vẫn tồn tại những nhóm lợi ích nào đó tại sân chơi này. Còn nói như một chuyên gia khác là cựu HLV Đoàn Minh Xương thì "V.League đến tận bây giờ vẫn còn tồn tại thứ bóng đá lập lờ, tình cảm". Liệu có phải vì "nhóm lợi ích", vì "lập lờ tình cảm" nên mới dẫn đến hàng loạt bất cập nói trên?                                     

Ngọc Anh

Phan Đăng

.
.
.