VPF đã tinh giản những gì?

Thứ Ba, 03/04/2018, 17:23
Trong nhiệm kỳ III, Công ty CP BĐCN Việt Nam (VPF) không chỉ làm gọn bộ máy điều hành, quản lý mà thậm chí còn bỏ qua những điều “không cần thiết” mà những người tiền nhiệm vẫn thực hiện đúng quy trình.

Tại buổi tập huấn lớp tập huấn trọng tài chuẩn bị cho giải hạng Nhất 2018, trong bài kiểm tra thể lực, trợ lý Dương Ngọc Tân (Yên Bái) đã bị ngất khi chạy về đích. Vị trợ lý này đã gặp các vấn đề liên quan đến tim mạch và thận. Sau đó, anh đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Đã có 53/55 trọng tài, trợ lý trọng tài vượt qua bài kiểm tra thể lực. Hai trường hợp không đạt là trợ lý Dương Ngọc Tân (Yên Bái) và trọng tài Nguyễn Tuấn Anh (Bắc Ninh).

Từ trường hợp của trợ lý Tân, qua tìm hiểu được biết ở mùa giải năm nay, công tác tổ chức tập huấn trọng tài đã được VPF giao lại toàn bộ cho VFF.  Như ở các mùa giải trước thì VFF phụ trách về công tác chuyên môn của trọng tài, còn VPF trực tiếp tổ chức việc tập huấn, trong đó có cả chi phí cho việc kiểm tra thể lực.  Tuy nhiên, năm nay để giảm tải chi phí  đi lại thì việc tổ chức tập huấn diễn ra tại Hà Nội thay vì  ở “đại bản doanh” của trọng tài tại Đà Nẵng.

Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: “Trước mỗi buổi tập huấn trọng tài, các trọng tài, trợ lý đều phải có kết quả kiểm tra sức khoẻ từ các địa phương. Căn cứ vào đó, VFF cũng có những hộ trợ cho việc kiểm tra sức khoẻ các trọng tài trước khi đi vào kiểm tra thể lực”.

Khai mạc lớp tập huấn trọng tài chuẩn bị cho giải hạng Nhất 2018. Ảnh: VFF.

Như vậy có nghĩa là việc kiểm tra thể lực được các trọng tài, trợ lý tiến hành trước đó và các cá nhân tự đưa kết quả về VFF trước kỳ tập huấn.  Điều đó cũng có thể hiểu là kiểm tra sức khoẻ đã không được VFF thực hiện một cách kỹ lưỡng dẫn đến sự cố không may của trợ lý Tân.

Tuy nhiên, tạm gác lại câu chuyện trách nhiệm của sự cố trên, nhìn lại hàng loạt chính sách tinh giản của VPF trong nhiệm kỳ này, có thể thấy những vấn đề mà lãnh đạo mới thấy “không cần thiết” đã bắt đầu nảy sinh những bất cập.

Đầu tiên là việc bầu Tú đã kiêm luôn chức danh Chủ tịch HĐQT và TGĐ VPF đồng thời xoá bỏ Ban tổ chức các giải chuyên nghiệp, thay vào đó là Ban điều hành do ông trực tiếp chỉ đạo. Điều này được bầu Tú lý giải vì: “Chúng tôi muốn quyền lực điều hành được tập trung thay vì một bộ máy BTC cồng kềnh trước đây. Thứ nhất, điều này giúp VPF xử lý thông tin nhanh, chính xác thay vì đôi co qua lại như trước giữa CLB cũng như giới truyền thông. Thứ hai, việc tinh giản biên chế giúp cho VPF tiết kiệm được một khoản kinh phí rất lớn”.

Tuy nhiên, sau khi trở thành ứng viên duy nhất cho chiếc ghế Phó Chủ tịch tài chính VFF khoá VIII, bầu Tú đã nhận được sự phản ứng rất gay gắt đến từ bầu Đức. Ông chủ của HAGL cho rằng bầu  Tú ôm quá nhiều chức vụ sẽ khó có thể làm tốt công việc của mình. Đến lúc này thì bầu Tú lại đánh tiếng với báo chí rằng ông sẽ rút lui dần ở một số vị trí kia và có thể sẽ chỉ giữ duy nhất chức danh Chủ tịch HĐQT để  có thể ra ứng cử chức Phó Chủ tịch tài chính VFF. Như thế có nghĩa là từ chỗ muốn trực tiếp điều để V.League tốt hơn, bầu Tú sẵn sàng nhường cho một người “cùng tư duy” để hướng đến một chiếc ghế khác.

Khi HĐQT VPF khoá III kiện toàn, vai trò của Ban kiểm soát trong tổ chức này đã không còn được coi trọng như trước. Theo một cựu lãnh đạo VPF thì dường như nhiệm kỳ mới đang  làm việc không tuân thủ theo quy trình. Nếu như trước đây HĐQT rất đề cao vai trò ban kiểm soát, thì bây giờ tự cho mình là trên hết, quyết mọi vấn đề. Cụ thể trong các quyết sách của VPF từ đầu nhiệm kỳ mới đến khi thành lập Ban điều hành, Ban kiểm soát không được dự họp thông qua.

Trước mùa giải 2018, VPF cũng đã không tiến hành kiểm tra tất cả các SVĐ về tình trạng cơ sở vật chất đến mặt cỏ. Dù mới chỉ là đầu mùa giải nhưng các sân bóng đã có mặt cỏ không đảm bảo. Đặc biệt là sân Hải Phòng và Thanh Hoá bị các HLV phàn nàn rất nhiều dẫn đến việc nhiều trận đấu chất lượng chuyên môn bị ảnh hưởng. Trách nhiệm về vấn đề này không chỉ của BTC sân, CLB mà ngay cả VPF cũng phải chịu.

Căn cứ vào thông báo của VPF về việc đánh giá công tác chuẩn bị cùng cơ sở vật chất của các CLB tham dự giải BĐCN năm 2018 thì chỉ có 13 sân bóng được kiểm tra. Trong đó, VPF có làm việc với CLB Thanh Hoá nhưng không có lịch làm việc với CLB Hải Phòng. 

Được biết, nguyên Trưởng BTC V.League Nguyễn Minh Ngọc  đã trình kế hoạch và được HĐQT nhiệm kỳ cũ phê chuẩn việc kiểm tra tất cả các sân kỹ lưỡng. Tuy nhiên, HĐQT khoá mới đã bỏ qua bởi lý do tốn kém. Và khi nhận thấy điều bất cập thì sau 3 vòng đấu đầu tiên của V.League, Ban điều hành V.League 2018 đã gửi văn bản đề nghị  FLC Thanh Hóa, Hải Phòng có phương án bảo dưỡng, chăm sóc mặt sân thi đấu.

Nhìn vào những bất cập trên, có thể thấy chính sách tinh giản của VPF đang có nhiều điểm bất cập cần đặt câu hỏi. Mùa giải mới bắt đầu, thế nhưng chính khâu tổ chức, điều hành các giải chuyên nghiệp mới là vấn đề nổi cộm thay vì những diễn biến từ sân cỏ đến khán đài. Tuy nhiên, cái gì mới cũng cần thời gian để hoàn thiện và chỉnh sửa. Hy vọng, lãnh đạo VPF  sẽ nhận ra những bất cập để cầu thị.

Trợ lý Dương Ngọc Tân có thể “mất nghiệp” sau sự cố này. Thế nhưng, đằng sau đó là hàng loạt các vấn đề mà nhưng người có trách nhiệm cần điều chỉnh.

Trợ lý Tân chưa thể xuất viện

Ông Nguyễn Văn Mùi – Trưởng Ban trọng tài VFF cho biết: “Sau khi kiểm tra tại bệnh viện Xanh Pôn thì các bác sĩ cho rằng Tân đã bị các vấn đề liên quan đến tim mạch. Tuy nhiên, sau đó trợ lý này còn bị phát hiện các vấn đề liên quan đến thận và phải chuyển sang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai.

Trước các kỳ tập huấn, Ban trọng tài thường căn cứ vào kết quả khám sức khoẻ của các trọng tài, trợ lý ở các địa phương, trước khi kiểm tra, chúng tôi có tiến hành việc khám sức khoẻ tổng thể.

Năm nay Ban Trọng tài được đưa về VFF chịu trách nhiệm quản lý kiểm tra, trong đợt tập huấn này thì có sự phối hợp cùng với VPF. Như các năm trước thì VFF chỉ chịu trách nhiệm về chuyên môn, còn VPF mới là nơi đứng ra tổ chức tập huấn, chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra sức khoẻ của các trọng tài”.  

Hưng Hà
.
.
.