Ghế "Tổng" ở VPF

Thứ Tư, 13/12/2017, 10:01
Phiên họp thứ 2 Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển bóng đá Việt Nam (VPF) đã đưa ra một quyết định rất quan trọng: Ông Cao Văn Chóng thôi giữ chức Tổng giám đốc, và cái chức ấy được tân Chủ tịch Trần Anh Tú kiêm nhiệm luôn thể.

Nhìn lại lịch sử 2 nhiệm kỳ VPF có thể thấy, ghế Tổng giám đốc là một cái ghế sống còn. Tổng giám đốc là người thay mặt các thành viên của Hội đồng quản trị VPF điều hành toàn bộ các hoạt động hằng ngày của VPF. Tổng giám đốc VPF đầu tiên là Giáo sư Phạm Ngọc Viễn - người mà cha đẻ của ý tưởng thành lập VPF Nguyễn Đức Kiên luôn dành cho một sự tôn trọng nhất định.

Ông Cao Văn Chóng (phải) đã rút khỏi ghế Tổng giám đốc VPF.

Trong mắt bầu Kiên nói riêng cũng như phần lớn dân làng bóng nói chung, ông Viễn là người có kiến thức bóng đá lớp lang, bài bản. Ông cũng thuộc mẫu người mô phạm, hiền lành, nên đặt ông vào ghế "tổng" có thể coi là một phương án hết sức an toàn.

Tuy nhiên đến nhiệm kỳ 2 thì ông Viễn đã trở thành Phó chủ tịch Thường trực VPF, và ghế Tổng giám đốc được nhường lại cho ông Cao Văn Chóng. Ai cũng biết, ông Chóng là người của Becamex Bình Dương, từng nhiều năm lăn lộn với bóng đá Bình Dương ở sân chơi V.League, nên ngồi vào ngôi nhà VPF theo dạng biệt phái. Ngày rời Bình Dương ra Hà Nội nhậm chức, ông Chóng chia sẻ với người viết: "Nói thật, mình ra đây chẳng phải vì tiền. Mình thực sự muốn làm một cái gì đó cho V.League, cho bóng đá Việt Nam".

Suốt 3 năm ngồi trên ghế Tổng, phải thừa nhận rằng ông Cao Văn Chóng đã cố gắng hết sức có thể. Tuy nhiên ông Chóng lại quá cô đơn trước những áp lực từ VFF hoặc từ những người mà VFF "cài" vào cái công ty do ông điều hành.

Chẳng hạn như lần một quan chức VIP của VFF, cũng là một người có mối quan hệ rất thân thiết với CLB Quảng Ninh đi thị sát sân Cẩm Phả (Quảng Ninh), và tỏ ra không hài lòng với việc các cổ động viên Quảng Ninh dùng loa công suất lớn cổ vũ cho đội nhà. Thế là VIP này "lệnh" cho VPF phải "chỉnh" Quảng Ninh ngay lập tức. Ông Chóng cùng ông Giám đốc điều hành Nguyễn Minh Ngọc lập tức triển khai chỉ đạo này, nhưng đã gặp phải sự chống đối quyết liệt từ nhiều phía.

Xung quanh vụ việc, những người thân thiết với ông Chóng đặt cho ông câu hỏi: Có phải ông bị người ta "gài" vào thế bí và thế khó hay không? Ông Chóng xua tay không tin vào chuyện "gài", và cho rằng đấy chẳng qua chỉ là một thuyết âm mưu, nhưng rõ ràng những vụ việc kiểu như thế khiến ông mệt mỏi.  

Lại có lần ông Chóng "vi hành" sân Nha Trang (Khánh Hoà), tận mắt chứng kiến một tiền đạo ngoại Sông Lam Nghệ An giật cùi chỏ vào mặt cầu thủ Khánh Hoà. Thế là ông đề nghị Ban tổ chức giải thu thập hồ sơ, kiến nghị Ban Kỷ luật VFF phải xử cầu thủ Sông Lam để giữ gìn gia pháp. Nhưng sau đó, không hiểu từ áp lực nào mà Ban Kỷ luật lại xử trắng án, khiến những người như ông Chóng cảm thấy cô đơn cùng cực. Sau vụ này thì Hội đồng quản trị VPF lần đầu tiên đã phải ra văn bản bày tỏ sự bất phục với những quyết định đi ngược lại số đông của Ban Kỷ luật.

Nếu như thời ở nhiệm kỳ đầu, phía sau Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn còn có những người có tầm ảnh hưởng rất lớn như bầu Kiên, bầu Đức thì sang đến nhiệm kỳ thứ 2, phía sau Tổng giám đốc Cao Văn Chóng chỉ là một Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng với rất nhiều điều muốn làm nhưng không làm được. Thế nên dân trong nghề không khó thấy ông Chóng bị "vây" tứ bề, và cái ghế ông ngồi là một cái ghế rất mực cô đơn.

Bây giờ thì ông Chóng đã rút, và nghe đâu Hội đồng quản trị VPF khoá III vẫn muốn ông ngồi lại ở một vị trí nào đó để có thể tiếp tục đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Không biết là ông Chóng có gật đầu đồng ý hay không, nhưng ai cũng hiểu nếu ngồi lại mà cứ "cô đơn" như trước thì cũng chẳng để làm gì.

Còn không, tính chủ động ngày nào?

Tân Chủ tịch VPF Trần Anh Tú là một trong 5 thành viên của Thường trực VFF khoá 7, và được đánh giá là ứng cử viên lớn cho ghế Phó chủ tịch Tài chính VFF khoá 8. Do vậy sự hiện diện của ông Tú ở VPF được nhiều người đánh giá là một dấu hiệu cho thấy VPF đã bị VFF hoá như thế nào.

Bây giờ ông Tú không những là Chủ tịch, mà còn kiêm nghiệm luôn chức Tổng giám đốc, thế nên không hoàn toàn vô lý khi có người đặt ra câu hỏi: Liệu VPF còn giữ được tính chủ động tương đối của mình hay không?

Nên nhớ năm 2012, sở dĩ cựu bầu Nguyễn Đức Kiên phối hợp với bầu Võ Quốc Thắng, Đoàn Nguyên Đức... kiên quyết thành lập VPF vì đã quá chán nản với cách VFF điều hành V.League. Và quả nhiên là thời gian đầu VPF đã thể hiện rất rõ sự chủ động cùng những khác biệt tươi mới và đầy tích cực của mình so với cách điều hành giải của VFF trước đây.

Vậy nên đến một ngày nào đó, VPF chỉ còn là một cái "vỏ" thuần tuý, và không giữ được sự chủ động tích cực như thế nữa, những công sức ban đầu của những người thành lập tổ chức này coi như đổ sông đổ bể. Thôi thì cứ chờ và hy vọng ông Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF Trần Anh Tú không phải mẫu người dễ bị "khiển" từ xa như những gì mà một bộ phận dư luận đang lo sợ! (Ngọc Anh)

Diệp Xưa
.
.
.