Tuyển Việt Nam trước bán kết lượt về với Indonesia: Chất thép!
- Thua 1-2 trên đất Indonesia, Việt Nam chờ 90 phút ở Mỹ Đình1
- Bán kết lượt đi: Indonesia thắng Việt Nam 2-1
Thép ở đây không phải là những pha bỏ bóng, phi thẳng gầm giày vào chân đối thủ như cái cách mà Trọng Hoàng đã trình diễn ở những phút đầu trận, vì thép kiểu ấy thì chắc chắn nguy cơ ăn thẻ, mất người là rất lớn (may là trong tình huống này, ông trọng tài chỉ cho Trọng Hoàng thẻ vàng, chứ không phải là thẻ đỏ như nó lẽ ra phải thế).
Thép ở đây cũng không phải là việc tất cả phải gồng lên, phải nhất nhất "giải quyết" đối thủ theo đúng phong cách và tinh thần Sông Lam. Thép ở đây trước hết là sự xuất hiện hợp lý của những cầu thủ đóng vai trò chốt chặn, từ hàng 1 đến hàng 2. Ở trận đấu vừa rồi, không khó thấy hàng phòng ngự của ta, đặc biệt là cặp trung vệ ra vào, chống đỡ chưa hợp lý.
Nó không chỉ thể hiện ở bàn thua thứ nhất, khi chúng ta bất lực nhìn cầu thủ Indo lao vào như một cơn gió, cũng không chỉ thể hiện ở bàn thua thứ hai, khi Quế Ngọc Hải - trái tim của hàng hậu vệ không may đón hụt bóng, dẫn đến việc phải phạm lỗi trong vòng cấm, mà còn được thể hiện ở nhiều tình huống khác, khi Indonesia "khoan" cánh, rồi căng ngang vào trong cho các mũi tấn công băng lên dứt điểm.
Chắc chắn không ai nghi ngờ tinh thần quyết tâm, máu lửa - một thứ tinh thần thép đúng nghĩa của những Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng, và cả hai cầu thủ bám biên là Văn Thanh, Đình Đồng, nhưng một thứ thép về chuyên môn, hiểu theo nghĩa một sự tỉnh táo, lỳ lợm, khôn ngoan để có thể chống lại những pha tấn công ào ào nhưng không quá sắc của đối phương lại là điều hàng thủ chưa có được.
Gặp lại Indonesia trên sân Mỹ Đình, cầu thủ Việt Nam (phải) cần phát huy sở trường kĩ thuật. Ảnh: H.M. |
Trận lượt về, với sự trở lại của trung vệ giàu kinh nghiệm Đình Luật, tình hình sẽ được cải thiện? Có quyền tin như vậy, với điều kiện Đình Luật không được làm khó các đồng đội bằng những lần "tự chết" như trong trận gặp Campuchia ở vòng đấu bảng.
Từ hàng 1 nhìn hắt lên hàng 2 cũng thấy vấn đề tương tự: cả 4 cầu thủ tiền vệ ở đội hình xuất phát là Xuân Trường - Văn Thắng - Thành Lương - Trọng Hoàng đều cố gắng tranh chấp tối đa, trong khả năng có thể của mình. Ngay cả một cầu thủ bị đánh giá là yếu trong phòng ngự tranh chấp như Xuân Trường cũng ý thức rõ điều này, và đã có tình huống thậm chí bị trọng tài thổi phạt vì truy cản đối phương.
Nhưng cái thép của bốn cầu thủ tiền vệ vốn chỉ sở trường tấn công không che được khoảng trống mà "máy quét" Hoàng Thịnh để lại. Nó được thể hiện rõ nhất trong khoảng 15 phút sau bàn thua thứ 2, khi chúng ta thực sự đã để mất tuyến giữa, còn đối phương lại chơi bóng mạnh mẽ, hưng phấn hơn bất cứ khi nào.
Trận lượt về tới đây, nếu Hoàng Thịnh chính thức bình phục, và có thể vào sân trở lại, vấn đề sẽ được giải quyết chăng? Không hẳn vậy, vì lượt về là một câu chuyện khác, nơi mà Indonesia nhiều khả năng sẽ tập trung số đông cầu thủ phòng ngự trước khung thành, và vì thế phải chờ những diễn biến cụ thể để xem lúc đó chúng ta cần "thép" hay cần những mũi khoan tinh tế và táo bạo.
Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng luôn thể hiện rất rõ một sự máu lửa - một chất thép mà ai nhìn vào cũng thấy được. Nhưng trong những ván đánh quyết định, đòi hỏi bản lĩnh và sự lỳ lợm thì giá trị của thép đôi khi không hẳn là những cái hiển lộ ra ngoài, mà lại là cái lặn vào trong. Nó được thể hiện ở sự tỉnh táo trong việc mổ xẻ đối phương, từ đó tìm cách khắc chế một đối phương rất thích chạy đua về sức.
Hy vọng trong ván đánh quyết định tới đây, chúng ta không thép theo kiểu lao gầm giày vào đối thủ; cũng không thép theo kiểu từng cá thể phải nhất nhất gồng lên đua sức với đối phương trên từng mét đất, từ đó cuốn vào lối đá mà đối phương mong muốn. Hy vọng chúng ta sẽ thép từ trong nội lực của mình, và biết cách giải quyết đối thủ bằng cả "sắt thép" lẫn sự khôn ngoan.
Hãy để Indo phải... đuổi theo quả bóng Đó là chia sẻ của cựu tiền vệ Nguyễn Quốc Vượng sau khi chứng kiến 90 phút bán kết lượt đi. Theo cầu thủ này, Indonesia thực hiện một thứ bóng đá ào ạt, dựa nhiều vào sức và tinh thần máu lửa, trước một đối phương như vậy, nếu cũng chủ trương gồng lên đua sức thì rất dễ thất thế. Do vậy, trận lượt về trên sân Mỹ Đình, Đội tuyển Việt Nam nên chơi một thứ bóng đá điềm đạm, tỉnh táo, với những pha đập nhả kĩ thuật sở trường. Quốc Vượng nói: "Nếu chúng ta bình tĩnh cầm bóng, đá nhỏ, buộc cầu thủ Indonesia phải chạy theo quả bóng thì tự khắc các cá nhân của họ sẽ mắc lỗi và để lộ ra khoảng trống. Ngược lại, nếu tự tin vào lợi thế sân nhà, chủ trương dâng cao, đá ào ạt ngay từ đầu, lại không có được bàn thắng sớm thì rất dễ dẫn tới đuối sức, và phạm sai lầm". Ông Riedl thấp thỏm Trong phòng họp báo sau trận bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup, HLV trưởng Đội tuyển Indonesia - Alfred Riedl cho biết ông cảm thấy tự hào khi các học trò của mình thắng được một đội bóng mạnh như Việt Nam. Tuy nhiên ông lại đón nhận chiến thắng ấy một cách chừng mực, thậm chí còn có màu sắc... "lạnh". Có lẽ ông hiểu việc chỉ thắng cách biệt Việt Nam 1 bàn, lại để thủng lưới trên sân nhà sẽ khiến đội bóng của ông gặp rất nhiều cạm bẫy trong trận lượt về trên sân Mỹ Đình vào ngày 7-12 tới. Ông Riedl từng chia sẻ rằng có nhiều khả năng AFF Suzuki Cup năm nay sẽ là giải đấu cuối cùng trong sự nghiệp cầm quân của ông. Vậy thì không loại trừ khả năng sân Mỹ Đình - cái sân mà ông có quá nhiều kỷ niệm khi còn dẫn dắt bóng đá Việt Nam cũng đồng thời là cái sân ông bày binh lần cuối? Tuấn Thành |