Sau thất bại ĐT nữ Việt Nam: Trách người, trách mình, và...

Thứ Bảy, 06/08/2016, 09:20
Với ĐT nữ Việt Nam, việc chỉ giành được vị trí á quân giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2016 không khác gì một thất bại. Bởi thực tế, với quyết tâm rất lớn, cộng thêm một chuyến tập huấn châu Âu dài hạn - điều chưa từng có trước đó, lần này mục tiêu của chúng ta là phải quật ngã Thái Lan, để lấy lại ngôi vị vô địch của mình.

Trận chung kết với người Thái thật nghẹt thở, và dĩ nhiên nghẹt thở nhất là khi Nguyễn Thị Liễu đứng trước quả penalty ở lượt thứ 6 - lượt sút mà bóng vào lưới ĐT sẽ vô địch. Và thực tế là chúng ta đã sống với cảm giác vô địch ấy, dù chỉ ngắn ngủi bằng giây, khi Liễu sút xong, trọng tài chính ra hiệu Việt Nam đã thắng và cả một ban huấn luyện chạy ùa vào sân ăn mừng.

Nghiệt mỗi nỗi, không lâu sau đó, sau khi tham khảo ý kiến của trọng tài biên người Singapore, trọng tài chính người Myanmar lại "đè" chính quyết định trước đó của mình, không công nhận bàn thắng. Hai đội phải tiếp tục thực hiện những quả "đấu súng" một mất một còn tiếp theo, và với tâm lý đang bị ức chế nặng nề sau quyết định của trọng tài, chúng ta đã thua, đã phải nhìn đối thủ lên ngôi trong cay đắng.

Câu hỏi đặt ra: Rốt cuộc các trọng tài có sai khi công nhận rồi lại không công nhận một bàn thắng mà nhiều nhà quan sát cho là hợp lệ của Nguyễn Thị Liễu? Trong tình huống này, thủ thành Thái Lan phải dùng tới hai nhịp - một nhịp dùng tay đẩy, một nhịp dùng chân đá để cản phá cú sút của Nguyễn Thị Liễu.

Về luật, điều này không sai, bởi theo một thành viên của Ban Trọng tài Việt Nam thì luật FIFA quy định, khi sút penalty, cầu thủ sút chỉ được thực hiện một nhịp (không được sút bồi), nhưng người bắt gôn lại được thực hiện nhiều hơn một nhịp để cản phá.  Vẫn theo luật FIFA, một bàn thắng chỉ được công nhận khi 100% diện tích quả bóng đi qua vạch vôi. Nói cách khác, chỉ cần 0,1, thậm chí 0,01% bóng "liếm" biên thì đấy cũng không phải là bàn thắng.

Mặc dù không vô địch nhưng ĐT nữ Việt Nam đã thể hiện được những sự tiến bộ trông thấy về thể lực.

Ở giải Ngoại hạng Anh, người ta dùng công nghệ Gold - line, chứ không chỉ phụ thuộc vào mắt thường của trọng tài để quyết định điều này, do vậy luôn có một kết quả đúng - sai tuyệt đối, không gây tranh cãi gì. Còn ở đây, đơn thuần là vị trợ lý trọng tài chỉ quan sát bằng mắt thường, lại trong một tích tắc bóng lăn rồi bị cản phá rất nhanh, nên tranh cãi là khó tránh.

Cũng chính vì thế mà trong khi nhiều tờ báo Việt Nam khẳng định bóng đã đi qua vạch vôi 100% thì hôm qua, một tờ báo lớn ở Thái Lan lại bảo chỉ có khoảng 98% diện tích bóng đi qua vạch vôi, còn một phần nho nhỏ thì "liếm" vạch. Tờ báo này viện dẫn lại một tình huống bị từ chối bàn thắng tương tự ở giải Ngoại hạng Anh để chứng minh cho nhận định của mình.

Với HLV trưởng ĐT nữ Mai Đức Chung - một người có tiếng là điềm đạm và cẩn thận thì ông Chung cũng không khẳng định là "bóng đã qua vạch vôi 100%", mà chỉ nói là "theo nhiều người, bóng đã đi hết qua vạch vôi".

Như vậy có thể thấy chúng ta cách ngôi vô địch Đông Nam Á khoảng đúng... 2% diện tích quả bóng - một khoảng cách gần gũi đến nghẹt thở và cay đắng. Nhưng trước đó, khi hai đội chưa bước vào loạt “đấu súng” thì sao?

Vẫn theo nhận định của HLV Mai Đức Chung, trước đó tỷ số hoà 1-1 cũng là một kết quả đầy tiếc nuối với chúng ta, bởi đối phương chỉ có đúng một tình huống tạm gọi là "cơ hội" và lập tức ăn bàn nhờ cầu thủ của ta đá phản lưới, trong khi ngược lại, ta tấn công nhiều, ép sân nhiều, tạo ra nhiều cơ hội mười mươi nhưng lại bỏ lỡ cực kỳ đáng tiếc.

Từ đây, ông Chung kết luận: "Cần phải trách mình trước khi trách trọng tài".

Chúng tôi đồng tình với một cách nhìn nhận, lý giải vấn đề như thế. Nên nhớ rằng ở trận bán kết với chủ nhà Myanmar, hệ thống phòng ngự của chúng ta cũng liên tiếp gặp sai lầm, để rồi từ chỗ dẫn trước 2-0 đã bị gỡ 2-2 và thua ngược 2-3 ở phút 90+2. May mà hai phút sau đó, ta lại có bàn gỡ hoà trên chấm 11m - có thể nói là chết đi sống lại, để giành chiến thắng trên loạt “đấu súng” sau cùng.

Điều này nói rằng ở vòng đấu bảng, trước những đối thủ dưới cơ (và trước cả một trận đấu thủ tục với chính Thái Lan) ĐT nữ Việt Nam vượt trội đối phương, giành chiến thắng dễ dàng bao nhiêu thì hai trận đấu cuối - trước những đối thủ sống mái của mình, ta không thật sự giỏi hơn, hoặc không cụ thể để cái hơn của mình bằng những bàn thắng quyết định.

Phải làm gì để khắc phục điều này, từ đó hy vọng sẽ có những kết quả lạc quan khi tái đấu với những đối thủ này là điều mà ngay bây giờ chúng ta cần tính đến!

Thưởng vượt khung

Sáng qua, toàn đội nữ Việt Nam bỏ lại nỗi buồn thua cuộc ở Myanmar để lên máy bay về Việt Nam. Chuyến bay đi qua Bangkok (Thái Lan), và tại đây ĐT nữ chia làm 2 nhóm, bay về Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Theo VFF thì trước giải đấu này, Liên đoàn trao mức thưởng cho ĐT nữ là 1 tỷ đồng nếu vô địch và 600 triệu đồng nếu chỉ giành vị trí á quân. Tuy nhiên, chứng kiến những nỗ lực và sự tiến bộ trông thấy của các cô gái ở giải đấu này, VFF vẫn quyết định trao thưởng 1 tỷ đồng.

Một thành viên của VFF nói với chúng tôi: "Mặc dù không may mắn, để thua trong trận chung kết nhưng qua giải đấu này có thể thấy thể lực của các cầu thủ đã được cải thiện đáng kể. Lối chơi cũng nhịp nhàng, uyển chuyển hơn. Đây là những tiền đề quan trọng để ĐT tiếp tục tiến lên trong thời gian tới".

Tuấn Thành

Hợp lệ hay không

Trong tình huống sút penalty mà theo nhiều người là "bóng đã hoàn toàn qua vạch vôi" của Nguyễn Thị Liễu, góc quan sát thông thường của chúng ta là quan sát theo phương nằm ngang - chạy theo hướng di chuyển của quả bóng, và nếu ở phương nằm ngang này thì cái cảm giác bóng đã đi qua vạch vôi là rất rõ. Tuy nhiên trong những tình huống này người ta cần phải đối chiếu ở một phương khác nữa, đó là phương thẳng đứng, từ trên xuống dưới.

Thật lý tưởng nếu truyền hình nước chủ nhà Myanmar có những góc máy chạy theo phương này, nhưng thực tế là không có. Song, nếu quan sát từ phương thẳng đứng này, lại dễ có cảm nhận một phần trăm nhỏ nhoi nào đó diện tích bóng đã "liếm" vạch.

Và nếu đúng thế, tổ trọng tài bao gồm trọng tài chính người Myanmar và trợ lý người Sing không công nhận bàn thắng này là cực kỳ chính xác. Trao đổi những điều này với chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế thấy ông Huế cũng có cái nhìn tương tự.

Và chúng tôi cùng nhớ, tại V.League 3 năm trước, cũng từng có một tranh cãi y như thế này, trong trận Thanh Hoá - Sài Gòn Xuân Thành, khiến ông Trần Duy Ly trong vai trò trưởng BTC giải bị "chết oan".

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.