Tân HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam Park Hang Seo nói gì trong lễ ra mắt?

Thứ Năm, 12/10/2017, 08:01
Đó là chia sẻ đầu tiên của ông Park khi trả lời báo giới trong buổi lễ ra mắt HLV trưởng Đội tuyển ngày 11-10. Ông Park nói câu: "Tôi không lo lắng gì" với một thái độ tự tin, bình thản.

Trước đó, một phóng viên đặt câu hỏi: "Nhận lời trở thành HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam có phải là quyết định mạo hiểm nhất trong cuộc đời huấn luyện của ông không?".

Ông Park bảo, ông đã trải qua nhiều vị trí khác nhau, ở cả cấp độ Đội tuyển lẫn cấp độ CLB, hiểu rõ những áp lực tất yếu của nghề HLV, nên lúc này không nghĩ đến chuyện "mạo hiểm" hay "lo lắng". 

Thực ra tất cả các HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam trước đây, từ những thầy ngoại gần nhất như Falko Goetz, Toshiya Miura đến những thầy nội gần nhất như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Hữu Thắng khi bắt đầu triều đại của mình cũng đều nói như thế cả. Đơn giản bởi, nếu quá lo lắng họ đã chẳng nhận lời. Còn nếu có một chút lo lắng nào đó - giả dụ thế, họ cũng không dại gì nói ra.

Cũng ở trong cái khán phòng mà ông Park hôm qua đã ngồi, ngày ra mắt Falko Goetz (2011), một phóng viên từng hỏi: "Cầu thủ Việt Nam thể hình rất nhỏ so với cầu thủ quốc tế, ông phải lo lắng chứ?". 

Goetz điềm đạm cầm micro, từ tốn bảo: "Anh thử xem Messi đi. Cậu ấy có nhỏ bé so với những cầu thủ xung quanh mình không? Thế mà người ta vẫn phải sợ cậu ấy đấy thôi!". Cả khán phòng vỗ tay rào rào, và với câu trả lời ấy, rất nhiều hy vọng được thắp lên. 

HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam tại lễ ký kết.

Nhưng sự thực là, sau thất bại tại SEA Games năm 2011, Goetz cau mặt phàn nàn với báo giới: "Thể hình, thể lực của chúng ta kém hơn hẳn đối phương".

Nhắc lại một chi tiết cũ để thấy rằng, ở vạch xuất phát có thể những vị thuyền trưởng chưa lường hết, hay nói cho đúng là chưa tưởng tưởng hết những khó khăn có thể ập đến với mình ở cái xứ sở bóng đá rất đặc thù này. 

Cái xứ sở mà phần lớn người hâm mộ đều tự nhận là "rất yêu bóng đá", nhưng nói như một thầy ngoại từng đến và từng nếm mùi cay đắng ở đây thì: "Yêu bóng đá và có văn hoá xem bóng đá là hai chuyện rất khác nhau". 

Cái xứ sở mà khi thuận buồm xuôi gió, những quan chức bóng đá thường niềm nở nói những câu màu hồng, đại loại: "Ông ấy là thầy ngoại tốt nhất trong lịch sử" hay "Ông ấy có một hồ sơ đẹp chưa từng thấy", hay "Ông ấy là mẫu HLV cực kỳ chuyên nghiệp", nhưng khi tình thế đổi thay thì mọi thứ có thể quay ngoắt 180 độ - sốc đến bất ngờ. 

Hẳn nhiên, đã làm nghề HLV thì ai cũng hiểu chuyện nay thắng, mai thua, nay người hùng, mai tội đồ là khó tránh, nhưng ở nền bóng đá này thì cái sự "khó tránh" ấy, trong nhiều trường hợp còn vượt ra khỏi mọi sự tưởng tượng ban đầu.

Vẫn trong buổi ra mắt hôm qua, một phóng viên hỏi khó: Trong khoảng 15 năm nay, chưa thầy ngoại nào của Đội tuyển Việt Nam hoàn thành đúng thời gian hợp đồng. Cái ghế HLV trưởng của Đội tuyển Việt Nam, bất luận thuộc về thầy ngoại hay thầy nội cũng chưa bao giờ thôi nóng. Ông có nghĩ mình sẽ hoàn thành bản hợp đồng 2 năm?”. 

Rất khéo léo, ông Park bảo: "Chúng tôi chỉ vừa mới bắt đầu hợp đồng cách đây ít phút. Tôi khó có thể nói trước điều gì. Chỉ có thể nói rằng, tôi sẽ làm việc hết mình”. Thắc mắc được đặt ra: sự hết mình ấy hướng đến mục tiêu nào? Thì đây, câu trả lời của ông: "Tôi cố gắng phấn đấu đưa Đội tuyển Việt Nam vào top 100 trong bảng xếp hạng của FIFA". 

Top 100 - cái vị trí mà trước đây bóng đá Việt Nam đã từng hiện diện, chứ không phải là Olympic 2020 như những thông tin trước đó, có vẻ như ông Park đã thực tế hơn. Hoặc giả, những phát ngôn, những khát vọng của ông đã được tiếp nhận một cách chính xác hơn.

Ở trong cái khán phòng ngày hôm qua, có cả thảy 5 HLV (2 HLV ngoại Goez, Miura, 3 HLV nội: Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Hữu Thắng) từng ra mắt giống như ông Park. Cả 5 người sau đó đều thất bại. Vị HLV thành công nhất với bóng đá Việt Nam - Henrique Calisto không ra mắt ở cái khán phòng ấy.

 Năm 2008, ông "Tô" ra mắt tại một khán phòng nhỏ hơn, và ấm cúng hơn tại 18 Lý Văn Phức - trụ sở cũ của Liên đoàn. Rất mong, ông Park sẽ là người đầu tiên xoá đi cái dớp đen đủi mà 5 người tiền nhiệm của ông từng tạo ra.

Và rất mong, hành trình của ông Park sẽ để lại nhiều ấn tượng giống hành trình của ông "Tô", dù cảm nhận ban đầu cho thấy ông Park có một phong cách mô phạm, chỉn chu, còn ông "Tô" lại bụi bặm, phong trần không lẫn đi đâu được.

Cấm vợ con, bạn gái vào phòng cầu thủ

Một phóng viên đã hỏi ông Park Hang Seo một câu rất thú vị rằng: "Khi Đội tuyển Việt Nam tập trung, ông có đồng ý cho các cầu thủ đưa vợ con, người yêu của mình vào phòng không?". Ông trả lời rất nhanh: "Đó là tuyệt đối không thể xảy ra".

Thực tế thì các đời HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam trước đây, không ai công khai cho phép các cầu thủ dẫn vợ con, người yêu vào phòng cả. Nhưng có những trường hợp mà Đội tuyển được nghỉ ngắn ngày, và thấy học trò gặp gỡ vợ con thì một số HLV đã chủ động nhắm mắt, coi như không thấy gì.

Trước đây, nếu Falko Getz là mẫu thầy quản quân theo đúng phép nhà binh thì ngược lại Calisto lại là người theo phong cách "lạt mềm buộc chặt". Ông Calisto không quá khắt khe với những sinh hoạt ngoài sân bãi của cầu thủ. Ông luôn nói đi nói lại rằng: "Điều quan trọng nhất là ở trên sân tập. Các cầu thủ sinh hoạt sao cũng được, miễn là trên sân tập phải nuốt trọn giáo án của tôi".

Tuấn Thành 

Đội tuyển Việt Nam sẽ chơi bóng nhỏ

Rất nhiều HLV Hàn Quốc chuộng lối chơi bóng dài với các yếu tố thể hình, thể lực, tốc độ được đặt lên đầu. Nhưng HLV Park Hang Seo lại là một ngoại lệ. Ông nói rõ quan điểm của mình: "Tôi muốn xây dựng một lối chơi bóng ngắn, sệt, giàu kĩ thuật". 

Ông Park đã ngồi 90 phút trên ghế VIP sân Mỹ Đình xem trận Việt Nam - Campuchia tại vòng loại Asian Cup 2019, đã nhận xét: "Cầu thủ Việt Nam có kỹ thuật, tổ chức tấn công tốt. Nhưng ở mặt trận phòng ngự, chúng ta đã để đối phương đưa bóng vào những vị trí phòng ngự của mình tương đối dễ dàng. Đó là điều tôi sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian tới". 

Ông Park cũng nói một chi tiết rất đáng chú ý rằng: "Mọi việc phải thay đổi ngay từ khâu đỡ bóng. Trước khi đỡ bóng, các cầu thủ đã phải quan sát rồi. Vì thế, họ phải đỡ bóng bước một như thế nào cho hợp lý nhất, và thuận tiện với kế hoạch triển khai bóng sau đó của mình".

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.