Tiếp thêm động lực cho tiềm năng thể thao

Thứ Tư, 18/12/2019, 07:26
Câu chuyện vận động viên (VĐV) hưởng chế độ dinh dưỡng và tập luyện, thi đấu ở mức tàm tạm, có nơi còn là mức thấp, nhưng gắn bó với nghiệp VĐV thực sự đáng trân trọng.


Có thể lập luận rằng, cơ chế, quy định, thực tế ngân sách chỉ cho phép chi ở giới hạn nhất định cho VĐV. Nhưng cũng có thể tin rằng vẫn còn những điều kiện khác để tăng thu nhập, cải tiện chế độ dinh dưỡng, tập luyện cho VĐV thông qua xã hội hóa. Quan trọng vẫn là cách vận dụng, thực hiện của nhà quản lý để tiếp thêm động lực cho những VĐV.

Khi quy định đã tạo điều kiện tối đa

Ngoại trừ các VĐV đang thi đấu tại các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp hoặc dưới sự điều hành của doanh nghiệp có sự chung tay của đơn vị quản lý nhà nước, nhiều VĐV hiện nay vẫn đang hưởng chế độ từ ngân sách. Thực tế, nếu áp dụng đầy đủ về chế độ về tập luyện, thi đấu, dinh dưỡng theo các quy định gần đây nhất của Chính phủ thì các VĐV cũng sẽ có mức thu nhập tạm để yên tâm theo nghề.

Như Thông tư 61 của Bộ Tài chính ban hành ngày 26-7-2018 quy định nội dung và mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng với HLV, VĐV thể thao thành tích cao đã quy định mức chi chế độ dinh dưỡng trong thời gian tập luyện, huấn luyện trong nước cho VĐV đội tuyển quốc gia, đội tuyển trẻ quốc gia là 290.000 đồng/ người/ ngày với tối đa 26 ngày trong tháng. Còn ở đội tuyển tỉnh, thành, ngành là 220.000 đồng/ người/ ngày, đội tuyển trẻ tỉnh, thành, ngành là 175.000 đồng/ người/ ngày, đội tuyển năng khiếu các cấp là 130.000 đồng/ người/ ngày.

Trương Hoàng Trung của đội bóng rổ Hà Nội thi đấu ở Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam trong màu áo ThangLong Warriors.

Còn theo Nghị định 152 ban hành ngày 7-11-2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với HLV, VĐV trong thời gian tập trung, tập huấn, thi đấu thì tiền lương theo ngày thực tế  tập huấn, thi đấu đối với VĐV đội tuyển quốc gia là 270.000 đồng/người/ngày, VĐV đội tuyển trẻ quốc gia là 215.000 đồng/người/ngày, VĐV đội tuyển tỉnh, thành, ngành trực thuộc trung ương là 180.000 đồng/người/ngày…

Ngoài ra Nghị định còn quy định rõ về trách nhiệm mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của đơn vị chủ quản cho VĐV. Tất cả đã tạo nên một hành lang văn bản pháp lý đủ để giúp VĐV tạm yên tâm cống hiến. Tất nhiên, với điều kiện là đơn vị chủ quản áp dụng tối đa mức chi này. Còn do điều kiện thực tế của đơn vị thì có thể áp dụng mức khác. Đương nhiên, mức đó sẽ thấp hơn mức quy định ở trên.

Vì vậy, cần có sự vận dụng triệt để ở các tỉnh, thành, ngành để hỗ trợ tối đa cho VĐV – những người được xem là trung tâm của thể thao thành tích cao. Rõ nhất là câu chuyện của thể thao Hải Phòng trong thời gian gần đây. Trước và kể cả sau khi các Thông tư, Nghị định trên ra đời, thể thao Hải Phòng vẫn áp dụng mức chi chế độ dinh dưỡng đặc thù tập luyện và thi đấu của VĐV dựa trên Thông tư liên tịch 149/2011 của Bộ Tài chính - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trong đó, năm 2014 chỉ có thể áp dụng mức chi tương đương 90-92% mức chi tối đa của Thông tư liên tịch trên. Còn từ năm 2015 mới áp dụng 100% mức chi trong đó VĐV đội tuyển thành phố nhận mức dinh dưỡng 150.000 đồng/ người/ ngày, VĐV đội tuyển trẻ thành phố: 120.000 đồng/người/ngày, VĐV năng khiếu thành phố là 90.000 đồng/ người/ngày.

Đến tháng 11-2019, sau khi nhiều địa phương đã áp dụng Thông tư 61 năm 2018 của Bộ Tài chính và Nghị định 152 năm 2018 của Chính phủ thì thể thao Hải Phòng mới hoàn thiện Đề án quy định nội dung và mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao thành phố. Theo đó, mức chi thực hiện chế độ dinh dưỡng trong thời gian tập trung và huấn luyện của HLV, VĐV đội tuyển thành phố áp dụng tối đa theo mức chi mà các văn bản trên đề cập.

Trong đó, VĐV tuyển thành phố nhận mức chế độ dinh dưỡng là 220.000 đồng/người/ngày, tuyển trẻ là 175.000 đồng/người/ngày, đội tuyển năng khiếu thành phố và quận huyện là 130.000 đồng/người/ngày… Chỉ riêng về chuyện này đã được người làm nghề trong làng thể thao Hải Phòng công nhận, thực sự là động lực để VĐV có điều kiện tập luyện, nâng cao thành tích.

Vấn đề ở đây còn ở việc chính quyền thành phố thực sự chia sẻ với ngành thể thao, mong muốn thể thao thành tích cao thành phố đạt vị trí tương xứng với tiềm năng, vị thế. Ít nhất cũng để VĐV bớt phải vượt khó mà có đủ điều kiện về dinh dưỡng để tập luyện thi đấu qua đó giành thành tích tốt. Từ đó được gọi vào đội tuyển quốc gia, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Trong khi đó, với những VĐV đội tuyển quốc gia thì mức thu nhập từ tiền lương tập huấn trong nước cũng được xem là tạm đủ để yên tâm cống hiến.

Đề cao yếu tố xã hội hóa

Rõ ràng, để có một đội tuyển quốc gia mạnh phải bắt nguồn từ các địa phương, ngành, câu lạc bộ. Ở đó, nếu VĐV được hưởng một chế độ lương, hỗ trợ tập luyện, thi đấu, dinh dưỡng thì đương nhiên sẽ cống hiến hết mình, giành thành tích tương xứng với năng lực. Nhưng cũng không thể xem những mức chi tối đa ở các Thông tư, Nghị định trên là đủ để tạo động lực cho VĐV. Còn cần phải huy động thêm các nguồn lực khác của xã hội để nâng mức thu nhập, dinh dưỡng, cải thiện điều kiện tập luyện cho VĐV. Điều đó lại đòi hỏi sự năng động, mong muốn mang đến những điều kiện tốt nhất cho VĐV từ nhà quản lý.

Như câu chuyện ở đội tuyển vật Hà Nội từ đầu năm 2017 đến nay chẳng hạn. Trước đó, VĐV vật Hà Nội hầu như chỉ trông vào nguồn thu nhập từ Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội hoặc từ Tổng cục TDTT (khi lên tập trung tại đội tuyển quốc gia, đội tuyển trẻ quốc gia).

Nguồn thu nhập này đương nhiên khiến VĐV phải tằn tiện hơn trong các quyết định chi tiêu. Điều đó đã thúc đẩy người có trách nhiệm tìm thêm nguồn kinh phí khác để hỗ trợ VĐV. Chính vì vậy mới có chuyện công ty TNHH Sungshin Vina (Hàn Quốc) hỗ trợ cho 10 đô vật Hà Nội mỗi năm với số tiền từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng tùy theo trình độ của VĐV.

Ngoài ra số tiền hỗ trợ sẽ tăng theo thành tích của VĐV. Bên cạnh đó, các VĐV được hỗ trợ trang phục cao cấp, thiết bị tập luyện, thi đấu hiện đại, tạo điều kiện đi tập huấn nước ngoài, đồng thời hỗ trợ điều trị tại bệnh viện Hàn Quốc khi gặp phải chấn thương. Công ty Sungshin Vina cũng đề cập đến việc sẽ nhận VĐV vật Hà Nội vào làm việc tại các chi nhánh của Tập đoàn này tại Việt Nam nếu đạt thành tích xuất sắc. Đến nay, sự hỗ trợ này từ Sungshin Vina cho các đô vật Hà Nội vẫn đang được thực hiện.

Ngay ở Hà Nội, các cầu thủ bóng rổ cũng được tạo điều kiện thi đấu cho các câu lạc bộ tham dự Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam để nâng trình độ, cải thiện thu nhập. Một số VĐV đội xe đạp Hà Nội cũng được cho các đội khác ở miền Nam mượn với mục đích trên để bây giờ xe đạp Hà Nội có dàn cua rơ nam mạnh hàng đầu cả nước…

Tất nhiên, không hẳn bộ môn nào ở Hà Nội cũng thực hiện được cách làm tương tự. Nhưng những ví dụ trên là gợi mở để không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương, ngành khác có thể giúp VĐV yên tâm cống hiến, không phải rời bỏ thể thao thành tích cao chỉ vì thu nhập không đủ nuôi bản thân và gia đình.

Thể thao Hà Nội đẩy mạnh xã hội hóa

Nhằm tăng tính xã hội hóa, thúc đẩy sự năng động của các nhà quản lý thể thao, tháng 9-2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục thể thao TP Hà Nội đến năm 2025.

Trong đó, về thể thao chuyên nghiệp, từng bước khuyến khích việc xã hội hóa các môn thể thao theo 3 mức: Mức 10% với môn thể dục, điền kinh, bơi lội, bóng ném, cử tạ, bi sắt; mức dưới 30%: cầu lông, quần vợt, võ thuật, xe đạp, đấu kiếm, cầu mây, đua thuyền, vật; mức trên 70%: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, khiêu vũ thể thao.

Minh Hà
Minh Khuê
.
.
.