Thể thao Việt Nam và “mùa vàng” SEA Games 30

Thứ Năm, 12/12/2019, 10:04
Ngày hôm qua, 11-12, Thể thao Việt Nam đã khép lại một kỳ SEA Games thành công khi xếp ngôi Nhì toàn đoàn với 98 Huy chương vàng, 85 Huy chương bạc, 105 Huy chương đồng. Có thể xem SEA Games 30 là nơi thể thao Việt Nam gặt hái “mùa vàng” với những cột mốc khó quên.


Dấu ấn từ những môn tập thể, môn Olympic

Ngày 11-12, khi thăm và làm việc với Đoàn Thể thao Việt Nam tại Philippines, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá rằng đây là kỳ SEA Games thành công trọn vẹn của thể thao Việt Nam, với 2 chiếc HCV môn bóng đá nam, nữ cùng sự xuất sắc của các môn thể thao khác và đặc biệt là vị trí thứ 2 toàn đoàn, sau chủ nhà Philippines.

Đấy là đánh giá toàn diện nhất về màn trình diễn của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30, nơi các vận động viên, huấn luyện viên và các thành viên khác của Đoàn đã thể hiện rõ nhất tinh thần, ý chí Việt Nam để vượt qua hàng loạt khó khăn.

Khó khăn ấy bắt đầu từ những cắt giảm về số nội dung thi đấu thế mạnh của thể thao Việt Nam trong chương trình thi đấu SEA Games 30. 

Đội kiếm chém đồng đội nam đăng quang ở SEA Games 30.

Trong khi đó, nền tảng vững vàng của thể thao Thái Lan, ưu thế chủ nhà của đoàn Philippines cùng thế mạnh từ những nền thể thao khác như Indonesia, Malaysia, Singapore từng khiến lãnh đạo Đoàn Thể thao Việt Nam chỉ dè dặt đăng ký giành từ 60 đến 65 Huy chương vàng, phấn đấu giành vị trí thứ Ba toàn đoàn. Ngoài ra, ngay trong quá trình chuẩn bị, không hẳn đội tuyển nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Như trường hợp đội điền kinh vào phút cuối phải giảm chỉ tiêu HCV vì một số trụ cột chấn thương. Hay đội tuyển karatedo cũng vào tình trạng tương tự…

Nhưng rồi thực tế đã vượt xa dự đoán, từ số HCV đến vị trí trên bảng tổng sắp huy chương. Không kể bóng đá nam, nữ, tại Đại hội lần này, nhiều môn trong chương trình thi đấu của Olympic đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu. Như đội tuyển vật đã đoạt tới 12 HCV trong 14 nội dung tham gia thi đấu dù chỉ đăng ký giành 4-5 HCV; đội tuyển cử tạ dự kiến đoạt 1 HCV nhưng giành được tới 4 HCV. 

Điền kinh đăng ký giành 14 HCV nhưng cuối cùng đã vượt chỉ tiêu, giành tới 16 HCV nhờ sự xuất sắc của nhiều vận động viên trẻ như Phạm Thị Thu Trang (HCV đi bộ), Trần Nhật Hoàng (HCV 400m, HCV 4x400m hỗn hợp, HCV 4x400m). 

Đáng chú ý, cả 2 chỉ có tên trong danh sách tham dự SEA Games 30 vào phút chót nhưng rồi cuối cùng lại lập hàng loạt thành tích ấn tượng trong đó tấm HCV 400m và 4x400m của Trần Nhật Hoàng đều là những tấm HCV đầu tiên trong lịch sử tham dự SEA Games của điền kinh Việt Nam. 

Cũng ở môn điền kinh, tấm HCV ở nội dung 100m nữ của Lê Tú Chinh cũng thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ. Lê Tú Chinh đoạt được tấm HCV khi gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các VĐV gốc Philippines đang sinh sống, tập luyện tại Mỹ. Thế nhưng cô gái này vẫn khẳng định được tài năng, giá trị trên đường chạy khu vực Đông Nam Á ở nội dung danh giá nhất của môn điền kinh này.

Môn bơi cũng xuất sắc đoạt được tới 11 HCV trong đó tấm HCV ở nội dung 1.500m của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng còn đạt chuẩn A tham dự Olympic 2020. Ở đó, còn là sự chói sáng của kình ngư mới 16 tuổi Trần Hưng Nguyên khi giành 2 HCV ngay trong lần đầu tham dự SEA Games. 

Nguyễn Thị Ánh Viên dù không hoàn tất mục tiêu giành 8 HCV nhưng chỉ riêng việc cô gái này giành tới 6 HCV cũng được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhờ đó, Ánh Viên tiếp tục là VĐV giàu thành tích nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam trong 3 kỳ SEA Games liên tiếp gần đây.

Hay môn quần vợt lần đầu tiên có HCV tại đấu trường SEA Games với việc Lý Hoàng Nam lên ngôi nội dung đơn nam. Đội tuyển đấu kiếm đặt chỉ tiêu giành 3 HCV nhưng cuối cùng giành 4 HCV trong đó HCV nội dung kiếm chém đồng đội nam có sự góp mặt của kiếm thủ của đoàn Bộ Công an là Nguyễn Văn Quyết… Còn ở môn judo, chỉ tiêu giành 2 HCV cũng được thực hiện trọn vẹn, trong đó tấm HCV nội dung đồng đội đối kháng nữ có sự góp mặt của võ sĩ đến từ đoàn Bộ Công an là Hà Thị Nga.

Ngoài những môn Olympic, cũng có thể kể đến thành công của những môn tập thể khác, bên cạnh bóng đá nam, nữ trong đó có màn lên ngôi vô địch của đội bóng ném nam bãi biển.

Kể ra không hết nhưng rõ ràng, thành công của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 mang nặng dấu ấn của nhiều môn tập thể, nhiều môn trong chương trình thi đấu của Olympic. Như thế, mục tiêu mà thể thao Việt Nam vẫn đang theo đuổi đã được thực hiện khá trọn vẹn ở kỳ SEA Games này.

Những ẩn số góp nên “mùa vàng”

Trong thành công của thể thao Việt Nam cũng không thể không kể đến những môn thể thao không trong chương trình thi đấu ở Olympic 2020, được xem là ẩn số trong cuộc đua đến những tấm HCV SEA Games. 

Trong số này có hàng loạt môn mới trở lại đấu trường SEA Games hoặc lần đầu xuất hiện ở SEA Games như võ gậy, kurash, khiêu vũ thể thao, aerobic, kickboxing, muay. Theo thống kê, những môn trên đã góp hơn 20 HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam.

Trong số này, đội tuyển kurash gây ấn tượng hơn cả khi giành tới 7 HCV để góp phần tạo động lực cho các đội tuyển khác. Còn võ gậy với sự đầu tư kinh phí của các địa phương, trong đó Hà Nội còn cử vận động viên đi tập huấn tại Philippines, cũng mang về tới 4 HCV. 

Kickboxing cũng chứng tỏ thế mạnh về các môn võ của thể thao Việt Nam với việc giành tới 4 HCV, góp phần quan trọng vào cuộc bứt phá của thể thao Việt Nam trước Thái Lan trong những ngày thi đấu cuối. Còn đội tuyển khiêu vũ thể thao giành 2 HCV, đội tuyển aerobic giành trọn 3 HCV của môn aerobic tại Đại hội nhờ sự đầu tư dài hơi. Hay như đội muay với đầu tàu Bùi Yến Ly cũng đóng góp 1 HCV.

Đáng chú ý, hầu hết những môn trên đều được đầu tư bằng nguồn kinh phí của địa phương. Nhờ đó san sẻ gánh nặng kinh phí cho phía trung ương, đồng thời đóng góp đáng kể vào thành công chung của Đoàn Thể thao Việt Nam. 

Sau SEA Games này, chưa biết toàn bộ những môn trên có được xuất hiện ở kỳ SEA Games tiếp theo ở Việt Nam hay không. Tuy vậy, những môn trên đã có đóng góp đáng kể cho thể thao Việt Nam ở kỳ SEA Games 30, nơi lần đầu tiên thể thao Việt Nam vượt qua Thái Lan để xếp Nhì toàn đoàn.

Tất nhiên, bên cạnh những đội tuyển thi đấu thành công thì cũng còn những môn thi đấu chưa đáp ứng kỳ vọng. Như trường hợp đội tuyển bắn súng, cờ vua, rowing không giành được HCV tại SEA Games kỳ này cũng là vấn đề cần được xem xét thấu đáo.

Dù vậy, thể thao Việt Nam cũng đã khép lại một kỳ SEA Games thành công. Ít nhất, điều này cũng sẽ tạo hiệu ứng tích cực để các nhà quản lý tiếp tục đầu tư cho nhiều môn thể thao đã đóng góp đáng kể cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 30.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi Thư chúc mừng Đoàn thể thao Việt Nam tham gia SEA Games 30

Đang có chuyến thăm chính thức tại Liên bang Nga, sau khi nghe tin Đội tuyển bóng đá nam U22 đạt Huy chương vàng SEA Games 30, ngay sau khi kết thúc cuộc hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga V. Matvienko, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi thư chúc mừng Đội tuyển bóng đá nam, Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam và Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30.

“Tôi rất xúc động và tự hào khi đang có chuyến thăm chính thức tại Liên bang Nga được nghe tin Đội tuyển bóng đá nam đã giành chức vô địch SEA Games 30. Đây là tấm huy chương lịch sử của bóng đá Việt Nam kể từ khi thể thao Việt Nam hội nhập với thể thao khu vực cách đây 30 năm.

SEA Games 30 đánh một dấu mốc quan trọng trên đấu trường thể thao khi Đoàn thể thao Việt Nam đạt thành tích cao vượt xa sự kỳ vọng với 98 huy chương vàng, trong đó thật vui mừng khi cả hai Đội tuyển bóng đá nữ và Đội tuyển bóng đá nam của chúng ta đều đạt Huy chương vàng. Kết quả này làm nức lòng người hâm mộ Việt Nam.

Tôi nhiệt liệt chúc mừng các thành viên Đoàn thể thao Việt Nam, đặc biệt là các huấn luyện viên, các vận động viên tham gia SEA Games 30 đóng góp vào kỳ SEA Games vô cùng thành công của nước nhà.

Sự quả cảm và tinh thần mạnh mẽ, ý chí kiên cường, sự tận tụy hết mình trong thi đấu của các cầu thủ, vận động viên sẽ được người hâm mộ nước nhà ghi nhớ”. (PV)

Làm chuẩn tại SEA Games 31

Trong chia sẻ mới đây về công tác chuyên môn tại SEA Games 31 năm 2021 tổ chức ở Việt Nam, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games 30 khẳng định: "Chúng ta sẽ tập trung tổ chức các môn Olympic, còn môn nào không có đủ cơ sở vật chất thì sẽ không tổ chức. Chúng ta cần xây dựng hình ảnh tốt đẹp về Việt Nam thông qua việc tổ chức SEA Games 31 trong đó có công tác chuyên môn. Chúng ta cần làm chuẩn về chuyên môn!". (Minh Khuê )

Minh Hà
.
.
.