Thể thao Việt Nam kỳ vọng nâng thành tích từ việc tăng chế độ

Thứ Ba, 27/03/2018, 07:27
Ngày Thể thao Việt Nam (27-3) đến với những người đã gắn bó với thể thao Việt Nam trong sự kỳ vọng vào một bước đột phá mới ở đấu trường ASIAD 2018...


Theo đó, việc nâng chế độ hoặc hỗ trợ cho những vận động viên (VĐV) trọng điểm nói chung và nhiều VĐV đội tuyển quốc gia khác nói riêng trong thời gian tới được xem như động lực tinh thần quan trọng.

Sẽ có nhiều đột phá

Trong cuộc gặp gỡ báo giới gần đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) Trần Đức Phấn chia sẻ, sẽ có nhiều điểm đột phá trong Nghị định mới của Chính phủ về chế độ cho vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) quốc gia được tập trung tập huấn, dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới.

Nghị định này sẽ thay thế Quyết định 32 về chế độ cho VĐV, HLV quốc gia được tập trung, tập huấn đã được ban hành từ năm 2011. Lúc ấy, Quyết định 32 đã được đánh giá là phù hợp với tình hình, với nhiều thay đổi về chế độ tập trung tập huấn, mức thưởng thi đấu quốc tế cho VĐV, HLV.

Căn cứ vào đó, nhiều địa phương, đơn vị cũng xây dựng chế độ cho hệ thống đào tạo VĐV của mình. Tuy vậy, đến khoảng 2-3 năm trước, mức chi tiền công tập luyện cho các VĐV, HLV đội tuyển quôc gia (HLV nhận tối đa 300.000 đồng/ người/ ngày, VĐV nhận 150.000 đồng/ người/ ngày) đã không còn phù hợp nên ngành Thể thao xin điều chỉnh chế độ cho những người đang trực tiếp cống hiến cho thể thao.

VĐV cử tạ Trịnh Văn Vinh (Bộ Công an) – một trong những VĐV trọng điểm của thể thao Việt Nam.

Việc chấp thuận điều chỉnh chế độ cho các VĐV, HLV quốc gia đã thể hiện rõ sự quan tâm của Chính phủ cho ngành Thể thao. Điều đó cũng đồng nghĩa kinh phí đầu tư cho ngành sẽ tăng dù đất nước còn không ít vấn đề an sinh cần giải quyết.

Cũng vì thế, khi xem xét đề xuất mức tăng, Tổng cục TDTT đã phải cân nhắc kỹ lưỡng, để tính toán mức chế độ mới cho VĐV, HLV phù hợp với điều kiện của ngành, rồi trình Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xem xét trước trình các bộ, ngành chức năng cũng như Chính phủ.

Một lãnh đạo ngành đã có lần kể rằng, chế độ cho VĐV, HLV tăng lên chỉ chục nghìn đồng một  ngày so với trước tưởng là ít nhưng có thể làm nguồn kinh phí cho ngành tăng cả chục tỷ đồng mỗi tháng. Rồi tiền thưởng cũng vậy. Rõ là cần sự chia sẻ từ nhiều phía để nguồn ngân sách cho các cấp độ đội tuyển quốc gia không bị tăng vọt, bảo đảm cân đối hài hòa so với mặt bằng chung.

Ông Trần Đức Phấn cho hay, chưa thể công bố chính xác về những thay đổi của Nghị định mới về chế độ cho VĐV, HLV quốc gia nhưng có thể tin rằng sẽ có nhiều VĐV, HLV yên tâm theo đuổi đam mê chọn lựa của mình.

Ở đây, không chỉ có các VĐV, HLV đội tuyển quốc gia mà còn nhiều VĐV, HLV ở các tỉnh, thành, ngành cũng đang trông đợi vào sự thay đổi từ Nghị định cho VĐV, HLV quốc gia. Đây chính là căn cứ quan trọng để các đơn vị quản lý thể thao ở địa phương, ngành có thể đề xuất để điều chỉnh chế độ cho VĐV, HLV của mình.

Ngay như thể thao Hà Nội cũng đang ngóng chờ sự thay đổi về chế độ của VĐV, HLV từ Nghị định trên. Đã có nhiều ý kiến từ các nhà quản lý thể thao, VĐV, HLV về việc đề nghị tăng mức chế độ đãi ngộ, nhất là tiền công và tiền ăn nhưng tất cả vẫn phải chờ.

Chú trọng hỗ trợ VĐV trọng điểm

Từ vài năm nay, thể thao Việt Nam đã bắt đầu chú ý đầu tư cho những VĐV, HLV trọng điểm - những người có thể chiếm lĩnh những đỉnh cao thể thao châu lục và thế giới trong ngắn hạn hoặc dài hạn. Mức tiền công và tiền ăn tổng cộng là 800 nghìn đồng/ người/ ngày (tiền công: 400 nghìn đồng, tiền ăn 400 nghìn đồng) đã được xem là đột phá so với nguồn kinh phí của ngành Thể thao.

Mức này vẫn không cao so với mặt bằng chung nhưng ít nhất cũng đủ giúp VĐV, HLV yên tâm cống hiến để không quá bận tâm với mối lo “cơm, áo, gạo, tiền”. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu Tổng cục TDTT tìm được nguồn kinh phí ngoài ngành để hỗ trợ thêm cho VĐV, HLV trọng điểm.

Trong năm 2018, Tổng cục TDTT đã lên danh sách 62 VĐV, HLV trọng điểm. Như vậy, kinh phí của ngành dồn cho số VĐV, HLV trọng diểm cũng đến gần 20 tỷ đồng. Trong điều kiện còn eo hẹp về nguồn kinh phí, Tổng cục TDTT đã đề nghị Ủy ban Olympic Việt Nam có hình thức hỗ trợ thêm cho nhóm VĐV, HLV trọng điểm.

Ông Trần Đức Phấn cho biết, Ủy ban Olympic Việt Nam đang xem xét hỗ trợ vài triệu đồng/ tháng cho VĐV, HLV trọng điểm. Ngoài ra, Tổng cục TDTT đã làm việc với một số doanh nghiệp để hỗ trợ một lần trong năm 2018 với một số VĐV có khả năng giành HCV tại ASIAD 2018. Mức hỗ trợ một lần này là 50 triệu đồng, cũng được xem như đột phá trong cách làm. Bởi trong khi nguồn chi từ ngân sách sẽ không thể vượt quy định, nếu biết phối hợp với các doanh nghiệp – nguồn lực xã hội hóa vô tận thì VĐV, HLV trọng điểm cũng như những VĐV khác sẽ càng có động lực cống hiến.

Quan trọng là việc hỗ trợ, thay đổi chế độ cho VĐV, HLV cần được tiến hành càng nhanh càng tốt, bởi đó là nhu cầu có thật.

Chấp nhận việc Nguyễn Thị Huyền chia tay đường chạy

Theo ông Trần Đức Phấn, việc VĐV điền kinh nổi tiếng Nguyễn Thị Huyền chia tay đường chạy sau khi hồi phục phong độ để chinh phục được ngôi vô địch SEA Games 29, Giải điền kinh vô địch châu Á 2017, để thực hiện thiên chức làm mẹ cũng là điều bình thường. Những nhà quản lý chấp nhận việc này bởi đây là quyền của VĐV.

Thực tế, Nguyễn Thị Huyền không phải là phương án ưu tiên trong kế hoạch giành HCV của điền kinh Việt Nam tại ASIAD 2018 do thành tích của cô vẫn thua kém nhiều VĐV hàng đầu ở châu lục. Tại đội tuyển điền kinh Việt Nam, ưu tiên giành HCV ASIAD 2018 đang tập trung vào một số nội dung khác.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.