Thế giới “người đại diện” tại Việt Nam

Thứ Tư, 26/08/2020, 07:24
Nhà môi giới, cò bóng đá hay người đại diện, tất cả những khái niệm đó đều ám chỉ công việc của những người làm công việc móc nối, đưa cầu thủ nước ngoài về Việt Nam hoặc dàn xếp các vụ chuyển nhượng trong nước. Rốt cuộc, công việc thật sự của “giới” này là gì và tại sao, đó luôn là chủ đề nhạy cảm tại V.League?


Một mình một kiểu

Thế giới có nhiều người đại diện bóng đá nổi tiếng, tiêu biểu như Jorge Mendes, Minos Raiola hay Kia Joorabchian. Hiểu cơ bản, nghề này được sinh ra nhằm phục vụ mục đích thay mặt cầu thủ tìm kiếm cơ hội, đàm phán các hợp đồng và lo liệu thủ tục, giấy tờ liên quan tới hành lang pháp lý. Về cơ bản, đây là công việc thuộc ngành tài chính và quản trị. 

Nghề môi giới không xa lạ ở Việt Nam, nhưng vận hành hoàn toàn khác so với những nền bóng đá phát triển. “Thử việc” là quy định bắt buộc với phần lớn các đội bóng V.League. Yêu cầu này dẫn tới những “biến tướng” trong toàn bộ chu trình chuyển nhượng.

Khi các CLB Việt có nhu cầu tìm ngoại binh, họ sẽ liên lạc với nhà môi giới. Người này bằng quan hệ tại các quốc gia sẽ nhờ một “môi giới thứ cấp”, tức là những người bản địa giới thiệu một số gương mặt. Họ sẽ gửi video cho nhà môi giới tại Việt Nam, qua quá trình sàng lọc sẽ “chốt” một số gương mặt tại vị trí thi đấu theo yêu cầu của đội bóng V.League và đặt vé máy bay sang tận nơi để “đón” cầu thủ.

CLB TP Hồ Chí Minh là đội bóng hiếm hoi mua cầu thủ ngoại mà không cần thử việc, như vụ chuyển nhượng với cặp ngoại binh người Costa Rica mới đây.

Tại đây, mọi sự phức tạp và rắc rối mới bắt đầu xuất hiện. Cò bóng đá từ Việt Nam bay qua phải lo visa, hộ chiếu, giấy tờ đưa người về Việt Nam và đưa những “anh Tây” sang Việt Nam. Trong thời gian thử việc, CLB sẽ không trả tiền hay bất kỳ chi phí nào cho cầu thủ. Phần này, môi giới cũng phải lo. Nghĩa là, nhà môi giới phải chi toàn bộ phí bảo lãnh và hy vọng một hoặc nhiều cầu thủ trong số những người đưa sang sẽ được chọn.

Vậy môi giới cầu thủ “được gì”? Nếu cầu thủ nước ngoài được chọn, môi giới được CLB chia phần trăm, và cầu thủ được chọn kia cũng phải “lại quả” cho môi giới. Đấy là những thỏa thuận theo kiểu “ngầm hiểu” chứ chẳng có bất cứ văn bản/điều lệ nào quy định. 

Nói dân dã như ngôn ngữ của người trong nghề thì môi giới bóng đá Việt “làm tất, ăn cả”. Một “cò bóng đá” lâu năm hoạt động trong các tỉnh thành phía Nam chia sẻ với phóng viên, chi phí tối thiểu để đưa một cầu thủ sang Việt Nam là 6.000-8.000USD. Đưa người qua đây, môi giới phải lo cho cầu thủ từng bữa ăn, giấc ngủ, đến cuộn giấy vệ sinh hay chai nước giải khát cũng là môi giới đi mua.

Vì đã chi nhiều tiền, lại chịu rủi ro rất cao (nếu CLB không chọn người) nên mới có chuyện khi một hợp đồng được ký, phần lớn tiền lót tay của cầu thủ nước ngoài đều trả về cho môi giới, nhưng là do cầu thủ tự đưa cho môi giới không lệnh chuyển tiền không xuất phát từ tài khoản CLB. Hiện tại, lót tay cho cầu thủ nước ngoài ở V.League dao động từ 20.000USD tới 40.000USD/mùa, cá biệt có những trường hợp lên tới 80.000USD/mùa tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. 

Chỉ có hãn hữu những đại gia của làng bóng Việt mới mua người mà không cần thử việc, khi những cầu thủ họ nhắm tới ở trình độ cao, đã khẳng định tên tuổi. Như CLB TP.HCM, HLV Chung Hae-seong không thử việc mà chỉ xem lý lịch, video rồi chốt người luôn do cầu thủ nhắm tới không bao giờ chấp nhận thử việc. Khi ấy, việc của người đại diện mới nhàn đi.

Quá nhiều hệ lụy

Kiểu “làm tất ăn cả” của nghề môi giới biến công việc này là một nghề nguy hiểm dưới góc độ tài chính. Vì thế, để chắc chắn rằng “không lỗ” sau một mùa chuyển nhượng, người đại diện sẽ cố gắng cài cắm người của mình vào CLB nhờ quan hệ “xin cho” trên bàn bia bàn rượu, theo kiểu “anh em hỗ trợ lẫn nhau”. Đội bóng vẫn là bên chịu thiệt vì mất tiền oan cho những “mặt hàng” không đóng góp được mấy ở giá trị chuyên môn.

Sự lệch lạc khác bị kéo theo còn thể hiện ở những tranh chấp giữa người đại diện và cầu thủ. Tuần qua, tiền đạo Pedro Paulo của CLB Sài Gòn đã lên mạng xã hội phân trần về việc có một người tên D.B.T nhắn tin đe dọa, đòi chia quyền lợi sau khi đưa anh này về Việt Nam hai năm trước.

Thực ra, không nên hoàn toàn tin vào những gì Pedro Paulo tuyên bố, dù cách hành xử của D.B.T là không văn minh khi dùng lời lẽ nặng nề trong đoạn tin nhắn. Nói thế là vì trong 10 năm qua, D.B.T là nhà môi giới có tiếng, là người đồng hành cùng tiền vệ Nguyễn Trọng Hoàng trong những lần ngược xuôi Bắc-Nam, và cũng là người đạo diễn một số thương vụ bom tấn của CLB Viettel đầu mùa giải năm nay. Không có những người như D.B.T, chắc chắn Pedro và các cầu thủ khác không thể tự mình sang Việt Nam, có sang cũng chẳng đội bóng nào dám nhận vì họ đâu biết anh ta là ai, tới từ đầu. Không có cam kết và uy tín của môi giới, cầu thủ ngoại không thể có chỗ đứng tại Việt Nam. 

Hiện tại, bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều luật lệ kỳ quái khiến các bên tham gia luôn vướng vào những câu chuyện tranh chấp tiền bạc không đáng có. GĐĐH của một CLB ở thủ đô chia sẻ, ông bầu dù rất muốn nhưng không thể bỏ tiền lót tay, tiền thưởng vì với cầu thủ, đó mới là động lực thi đấu của anh em dù hiểu rõ, tiền lót tay là căn cứ khiến người đại diện, cầu thủ và CLB không thể sòng phẳng tiền bạc.

FIFA nói gì về “người đại diện”?

Trước tháng 04/2015, FIFA yêu cầu người đại diện phải có chứng chỉ hành nghề, trải qua các khóa học mới được phép tham gia môi giới cầu thủ. Tuy nhiên sau thời điểm này, FIFA đã bãi bỏ quy định này vì thực tế cho thấy, xu hướng chọn người nhà làm đại diện đang ngày một phổ biến hơn trong giới cầu thủ.

Ngược lại, FIFA đã có văn bản hướng dẫn, khuyến cáo các CLB cần làm gì để đối diện với giới cò bóng đá về vấn đề pháp lý. Theo đó, đội bóng cần rạch ròi vấn đề về bản quyền hình ảnh tập thể, bản quyền hình ảnh cá nhân, thế nào là tài sản đội bóng và thế nào là giá trị thương hiệu. Từ năm ngoái, CLB Hà Nội đã đi đầu trong việc xây dựng hành lang luật lệ liên quan tới việc quảng cáo bên ngoài của cầu thủ, có quy định rõ ràng về tỷ lệ chia về cho CLB khi cầu thủ tham gia các chiến dịch thương mại bên ngoài. Tất cả các văn bản này đều cần chữ ký và đóng dấu của CLB, cầu thủ và pháp nhân đại diện cho cầu thủ đó. 

Đơn Ca

.
.