Tăng lương cho HLV Park Hang-seo: Tưởng dễ mà… khó

Thứ Tư, 19/06/2019, 08:05
Việc VFF gia hạn hợp đồng để giữ chân HLV Park Hang-seo nhận được sự ủng hộ từ hầu hết các cổ động viên (CĐV). Nhưng điều VFF muốn đôi khi lại không phù hợp với năng lực tài chính của cơ quan bóng đá quyền lực nhất Việt Nam này. Bởi nếu chấp nhận tăng lương cho ông Park, VFF sẽ tạo ra tiền lệ xấu mà rất có thể, sẽ cản trở họ trong công tác đối ngoại tương lai.


Tăng lương để giữ người

8 năm trước, ĐT Việt Nam đã phải chia tay HLV Henrique Calisto sau khi chiến lược gia này nhận được lời mời hấp dẫn hơn từ Thái Lan. Vào thời điểm đó, “phù thủy” Calisto nhận mức lương khoảng 20.000 USD/tháng từ VFF và chiến lược gia người Bồ Đào Nha đã chấp nhận chia tay Việt Nam để đến dẫn dắt CLB Muangthong Utd với thu nhập ước tính khoảng 30.000 USD.

Nhắc lại chuyện xưa để liên hệ với chuyện hôm nay. Sau những thành công rực rỡ cùng các đội tuyển Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã trở thành một cái tên rất “hot” trong khu vực Đông Nam Á. Chiến lược gia Hàn Quốc đang nhận mức lương 20.000 USD/tháng và theo nhiều nguồn tin, Thái Lan (một lần nữa là người Thái) sẵn sàng trả cho ông Park gấp 5 lần khoản thu nhập đó. Với m

c lương 100.000 USD/tháng, nhà cầm quân sinh năm 1959 sẽ kiếm được hơn 1 triệu USD/năm chưa tính các khoản thu từ truyền thông, quảng cáo. Đó là mức thu nhập đáng mơ ước với một người đã bước sang tuổi “lục thập”.

HLV Park Hang-seo đã có khoảng thời gian vô cùng thành công cùng bóng đá Việt Nam.

Việc đàm phán gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang-seo (kết thúc vào tháng 1-2020) vì vậy trên thực tế là chuyện “nâng lương để giữ người”. VFF dự kiến sẽ tăng mức lương cho chiến lược gia Hàn Quốc lên 50.000 USD/tháng. Đây là mức thu nhập đủ để thầy Park trở thành HLV được trả lương cao nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Để so sánh, Henrique Calisto nhận được khoảng 20.000 USD/tháng khi dẫn dắt ĐT Việt Nam, trong khi đó Falko Goetze nhận được 22.000 USD/tháng. Hai người tiền nhiệm của Park Hang-seo là Toshiya Miura và Nguyễn Hữu Thắng lần lượt nhận 15.000 USD và 100 triệu VNĐ.

Nếu bản hợp đồng đi đến thống nhất, VFF cũng sẽ tạo ra một tiền lệ về mức lương trả cho người dẫn dắt U23 và ĐTQG. Khi đã chấp nhận “nâng chế độ” cho Park Hang-seo, VFF cũng sẽ phải chấp nhận một tương lai khó khăn trong việc đàm phán với các chiến lược gia có khả năng tới Việt Nam làm việc.

Nên nhớ rằng nếu mức lương và đãi ngộ càng cao thì mức phí phá vỡ hợp đồng sẽ càng lớn. Trong quá khứ, Falko Goetze từng là một “quả đắng” với VFF khi chiến lược gia người Đức nhận mức lương rất cao nhưng lại không thành công và bị sa thải chỉ sau 6 tháng làm việc. Ông Falko Goetze được bồi thường tới 100.000 USD, tương đương khoảng hơn 2 tỷ đồng.

Thách thức của VFF

Thật khó tin nếu thầy Park từ chối ký vào bản hợp đồng mới với mức lương 50.000 USD/tháng. Về mặt con số, nó chỉ bằng một nửa so với những gì người Thái hứa hẹn. Tuy nhiên quãng thời gian làm việc tại Việt Nam đem đến cho chiến lược gia Hàn Quốc những giá trị mà tiền không thể mua nổi.

Thành công cùng U23 và ĐTQG biến Park Hang-seo trở thành một người hùng, một thần tượng trong lòng các CĐV Việt Nam, vốn luôn được xem là những CĐV bóng đá cuồng nhiệt nhất thế giới. Tình cảm mà người hâm mộ dành cho thầy Park là điều ai cũng có thể nhận thấy.

Cho đến nay, vị HLV người Hàn Quốc có lẽ là người duy nhất từng cầm quân ở các đội tuyển Việt Nam không phải nhận bất cứ một lời chỉ trích nào ngay cả khi đội bóng của ông không có được thắng lợi. Đó xứng đáng là một kỳ tích ở quốc gia mà sự kỳ vọng và tình yêu dành cho bóng đá là không thể đo đếm.

Tình cảm của người hâm mộ là một phần lý do quan trọng để thầy Park đưa ra lựa chọn cho tương lai của mình, dù rằng mức thu nhập triệu đô là con số khó chối từ với bất cứ ai. Về mặt cá nhân, ở tuổi 61, vị chiến lược gia người Hàn có lẽ cũng không muốn bắt đầu thử thách mới tại một nền bóng đá khác. Đặc biệt là khi những gì ông xây dựng ở Việt Nam vẫn còn đang dang dở.

Dĩ nhiên chuyện “tình tiền phân minh” là điều mà ai cũng hiểu. Thầy Park xứng đáng với mức lương mới hay không là câu hỏi rất dễ trả lời. Ký tiếp một bản hợp đồng 2 năm với nhà cầm quân Hàn Quốc, VFF và các CĐV có thể yên tâm về con đường phát triển trong tương lai gần của bóng đá Việt Nam.

Nhưng cùng với đó là gánh nặng đè lên vai VFF. Nếu HLV Park Hang-seo ký gia hạn 2 năm cùng mức lương 50.000 USD/tháng sau thuế, VFF sẽ phải chi ra khoảng 35 tỷ VNĐ cả thuế thu nhập cá nhân. Trước đó, với mức lương 20.000 USD/tháng cho thầy Park, VFF được bầu Đức tài trợ hoàn toàn (19 tỷ trong vòng 2 năm, khoảng 800 triệu/tháng).

Khi bầu Đức đã rời VFF, gánh nặng tài chính, cân đối thu chi sẽ dồn lên vai các lãnh đạo của liên đoàn. VFF rất cần sự tài trợ từ các Mạnh Thường Quân, huy động các nguồn lực xã hội há hay sự giúp đỡ từ Tổng cục TDTT để có thể trả được mức lương mới cho thầy Park.

Đó là một bài toán không dễ giải. Đôi khi mọi thứ đều rất đúng đắn nhưng lại gặp khúc mắc trong một mắt xích, và lại là mắt xích quan trọng nhất. Câu chuyện của thầy Park và bóng đá Việt cũng như vậy dù tất nhiên, chúng ta đều chờ một cái kết viên mãn nhất.

Lương thầy Park thấp nhất trong 4 HLV dự bán kết AFF Cup 2018

Trong số 4 đội bóng vào đến bán kết AFF Cup 2018, lương thầy Park là thấp nhất. HLV của Philippines, Sven Goran Erikson vào thời điểm đó nhận 80.000 USD/tháng (gấp gần 4 lần HLV tuyển Việt Nam). Tuy nhiên vị HLV Thụy Điển chưa phải là người có thu nhập cao nhất.

HLV Milovan Rajevac của tuyển Thái Lan khi đó còn nhận mức lương tới 100.000 USD/tháng.  Tan Cheng Hoe, HLV của Malaysia, nhận 23.000 USD/tháng. Trớ trêu là hai vị HLV lương thấp hơn lại đưa được đội bóng của mình lọt vào trận chung kết.

HLV Milovan Rajevac đã rời ĐT Thái Lan sau khi đại diện xứ sở chùa Vàng bị loại ở vòng bảng AFC Cup 2019 (giải đấu mà Việt Nam cùng HLV Park Hang-seo vào tứ kết). Sven Goran Eriksson cũng rời Philippines sau giải đấu này.

HLV Tan Cheng Hoe hiện vẫn đang dẫn dắt ĐT Malaysia. Ông đã được gia hạn thêm 2 năm hợp đồng sau khi giành ngôi Á quân AFF Cup 2018 và mức lương cũng được nâng lên đáng kể.

Hà My
.
.
.