Park Hang-seo & Nishino Akira: Hai lát cắt, hai con đường

Thứ Bảy, 19/10/2019, 09:21
Trận đấu sắp tới giữa Việt Nam và Thái Lan không chỉ là màn so tài của hai thế lực bóng đá mạnh nhất Đông Nam Á. Trên băng ghế huấn luyện, HLV Nishino Akira một lần nữa phân tài cao thấp với người đồng nghiệp Park Hang-seo.

Dù tuổi đã cao và có thâm niên huấn luyện, nhưng khoảng thời gian họ thành công chưa bao giờ đồng hành với nhau. Khi người này có vinh quang thì người kia ê chề thất bại và ngược lại.

Người tỏa sáng, người lận đận

Ở tuổi 64, Nishino Akira đã chơi bóng hơn nửa thế kỷ trong vinh quang lấp lánh. Từ thuở còn là cầu thủ ở đội thiếu niên, cho đến khi học cấp 3 rồi lên đại học, Nishino đều là một trong những ngôi sao nổi bật nhất. Ông được tuyển vào khoa sư phạm của Đại học Waseda danh tiếng nhờ học bổng bóng đá. Ngay từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Nishino đã trở thành tuyển thủ quốc gia.

Những người bạn từng học cùng Nishino chia sẻ thời còn trẻ, ông là chàng trai trong mơ của mọi cô gái. Cao lớn, học giỏi, điển trai lại đá bóng hay nên Nishino đi đâu cũng được yêu mến. Ngày ông đi phỏng vấn tuyển dụng ở công ty Hitachi, mọi ứng viên nữ đều cố gắng ngồi sát Nishino nhất có thể trong khi chờ đợi. Với họ thì bị trượt phỏng vấn cũng được, nhưng phải cưa đổ anh chàng Nishino.

"Tôi còn nhớ như in ngày hôm đó. Lúc ấy tôi mới vào làm một năm và được xếp vào phòng nhân sự", một cựu nhân viên Hitachi kể lại. "Bình thường thì ai cũng ý tứ giữ yên lặng trong phòng phỏng vấn, nhưng hôm đó các cô gái làm ầm hết cả lên vì có Nishino. Tôi phải lên tiếng yêu cầu các cô ấy giữ trật tự. Sếp tôi trực tiếp phỏng vấn Nishino và chấm đỗ cậu ta. Nhận xét của ông vỏn vẹn có vài chữ "ngoại hình tốt".

Từ khi là cầu thủ đến làm HLV, Nishino Akira luôn được nghênh đón…

Cuối thập niên 70, Nishino được mệnh danh là thiên tài trăm năm có một của bóng đá Nhật Bản. Ông có thể hình lý tưởng của một cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng lại không bao giờ cậy sức trong thi đấu. Trước cả khi Zico đến dạy bóng đá cho người Nhật, Nishino đã trở thành người tiên phong cho phong cách chơi bóng bằng tư duy ở xứ sở mặt trời mọc.

Năm 1990, Nishino treo giày và chuyển sang công tác huấn luyện và sớm gặt hái vinh quang từ rất sớm. Chỉ sau 1 năm làm việc ở đội trẻ Hitachi (tức Kashiwa Reysol ngày nay), Nishino đã được đôn lên làm HLV trưởng đội U20 và U23 Nhật Bản. Nhờ bảng vàng thành tích đó, Nishino được trải thảm đỏ ở mọi CLB thuộc J.League. Ông từng có 10 năm dẫn dắt Gamba Osaka và cùng CLB này sưu tập trọn bộ danh hiệu, bao gồm cả chức vô địch AFC Champions League 2008.

So với Nishino Akira, Park Hang-seo cũng thi đấu ở vị trí tiền vệ, cũng khoác áo CLB ở trường đại học và cũng từng có mặt ở ĐTQG. Tuy nhiên, lúc nào ông cũng chỉ được xem như một cầu thủ bình thường. Biệt danh "cục pin" mà ông được nhận từ đồng nghiệp thời còn thi đấu có phần ám chỉ thể hình thấp bé của HLV trưởng ĐT Việt Nam hồi đó. Park không chơi hào hoa như Nishino, vậy nên ông thường mất hút giữa những đồng đội tài năng hơn.

Danh tiếng trợ lý số một của Guus Hiddink tại World Cup 2002 không thể giúp HLV Park Hang-seo tiến xa trong nghiệp huấn luyện. Vài tháng sau kỳ tích World Cup, ông chịu trách nhiệm cầm đội U23 Hàn Quốc với mục tiêu vô địch ASIAD, nhưng lại chỉ có thể giành HCĐ. Kể từ đó, uy tín của Park Hang-seo mất hẳn. Dù có tài, nhưng ông chưa bao giờ có cơ hội cầm những CLB hàng đầu ở K.League.

...nhưng HLV Park Hang-seo đang là HLV thành công hơn ở chặng cuối sự nghiệp.

Với mác "kẻ thất bại", Park Hang-seo chỉ là HLV hạng hai ở Hàn Quốc. Các CLB ông dẫn dắt chưa bao giờ có tham vọng vô địch giải đấu hay vươn tầm châu lục. Khi họ gặp kết quả không tốt, ông lại trở thành bia đỡ đạn. Truyền thông Hàn Quốc cũng góp phần bôi nhọ Park Hang-seo bằng cách soi mói, chụp bức ảnh ông nhắm mắt trong một trận đấu rồi gọi ông là "Quý ngài ngủ gật".

Sao đổi ngôi

"Khổ tận cam lai" có lẽ là câu nói đúng nhất về nghiệp huấn luyện của HLV Park Hang-seo. Ngày mới đến Việt Nam, ông bị nghi ngờ về năng lực chuyên môn do đã xa rời bóng đá đỉnh cao từ lâu. Việc chưa bao giờ làm việc ở ngoài Hàn Quốc, không hiểu văn hóa địa phương cũng là một bất lợi khác của thầy Park. Ông từng cãi nhau gay gắt với các trợ lý người Việt về chuyện cầu thủ ngủ trưa, bởi "cầu thủ Hàn Quốc không làm thế".

Tuy vậy, dưới bàn tay của HLV Park Hang-seo, các đội tuyển bóng đá Việt Nam đã chơi hay ngoài mức tưởng tượng. Kỳ tích Á quân U23 châu Á, hạng 4 ASIAD, lọt vào tứ kết Asian Cup, vô địch AFF Cup đều mang dấu ấn rất lớn của thầy Park. Thay vì áp dụng sơ đồ 4-4-2 truyền thống, ông mang đến hơi thở hiện đại bằng đội hình 3 trung vệ. Điều đó giúp cự ly đội hình chắc chắn hơn, thi đấu gắn kết hơn.

Ở chiều ngược lại, HLV Nishino Akira vẫn đang gặp bộn bề khó khăn ở ĐT Thái Lan. Họ đã giành một số kết quả tích cực kể từ khi ông nắm quyền, nhưng điều đó vẫn chưa thể đáp lại kỳ vọng. Với Thái Lan, cách duy nhất làm họ hả hê là đánh bại Việt Nam, nhưng Nishino lại không làm được khi hai đội gặp nhau trên đất Thái.

Đứng trước một Việt Nam đang hừng hực khí thế sau trận thắng Indonesia, cơ hội có 3 điểm của Thái Lan không nhiều. Và nếu ông không thể chứng minh bản thân trước HLV Park Hang-seo, người cuối cùng thất bại lại chính là ông chứ không phải vị đồng nghiệp Hàn Quốc.

HLV Park Hang-seo muốn nhận lương cao hơn Nishino

Hợp đồng của HLV Park Hang-seo sẽ kết thúc vào cuối năm nay, nhưng hai bên vẫn chưa thể chính thức gia hạn hợp đồng. Khúc mắc chủ yếu xoay quanh vấn đề tiền lương, khi người đại diện của thầy Park nhất quyết yêu cầu thân chủ mình được hưởng mức lương không dưới 1,2 triệu USD/năm. Con số này tương đương 20-25% nguồn thu thường niên của VFF và cao hơn cả lương HLV Nishino.

Tại World Cup 2018, mức lương HLV Nishino nhận khi đồng ý dẫn dắt ĐT Nhật Bản là 1,07 triệu USD/năm, thấp hơn yêu cầu hiện tại của HLV Park Hang-seo đưa ra cho ĐT Việt Nam. Tới khi làm HLV trưởng ĐT Thái Lan, ông nhận lương 970.000 USD/năm. Bản thân HLV Nishino nói ông không quá quan tâm đến tiền bạc.

HLV Nishino kể: "Thời tôi làm việc ở Osaka, tôi để quên ví đủ mọi chỗ. Ai trong đội cũng từng nhặt và trả lại cho tôi. Và nếu mọi người thấy tôi đi dép lê vào phòng họp báo thì cũng đừng ngạc nhiên nhé. Tôi có giày da nhưng toàn cất trong va li để giữ nó trông như mới".

Đơn Ca
.
.
.