Nhà vô địch boxing nữ châu Á và câu chuyện “duyên, nghĩa”

Chủ Nhật, 24/12/2017, 09:29
Năm 2017 thực sự thành công với Nguyễn Thị Tâm – võ sĩ Việt Nam đầu tiên lên ngôi tại Giải Boxing Châu Á. Cũng không khó hiểu khi cô góp mặt trong danh sách đề cử những vận động viên tiêu biểu nhất năm. 

Nhưng với Nguyễn Thị Tâm, đó không hẳn là mục tiêu quan trọng nhất. Quan trọng là cô đã phần nào trả được cái nghĩa cho những người thầy luôn bên cạnh trong những lúc khó khăn nhất.

Cái duyên với Boxing

Boxing chỉ là môn thể thao thứ hai mà Nguyễn Thị Tâm lựa chọn để theo đuổi nghiệp vận động viên. Môn thể thao đầu tiên là điền kinh. Phải đến khi được giới thiệu đến tập luyện ở đội Boxing nữ Hà Nội vào năm 2009, lúc 15 tuổi, thì Nguyễn Thị Tâm mới thực sự gắn duyên với thể thao thành tích cao. Đường từ Thái Bình đến với đội Boxing nữ Hà Nội hóa ra chẳng “ngắn”. 

Khi biết cô con gái sẽ lên Hà Nội theo tập Boxing, bố mẹ cô đã giãy nảy vì xót con. Nhà chỉ có 2 đứa con trong đó Nguyễn Thị Tâm là út nên bố mẹ cô càng có lý do để giữ con. Nhưng rồi bố mẹ cô cũng phải chiều cô con gái thích thử thách. Còn Nguyễn Thị Tâm hăm hở lên Hà Nội để xem Boxing là thế nào. 

Nguyễn Thị Tâm kể rằng, mấy ngày đầu chỉ tập thể lực thì thấy thích Boxing. Nhưng rồi khi bước vào những bài tập thực sự, phải giơ mặt ra cho người khác đấm thì cô đâm sợ. Cũng chẳng cần bố mẹ phải thuyết phục, cô bé chủ động xin các thầy về quê, chấp nhận giã từ giấc mơ làm vận động viên đỉnh cao.

Nhớ về những ngày ấy, Phụ trách câu lạc bộ (CLB) Boxing nữ Hà Nội Nguyễn Như Cường nói rằng: “Ngay từ khi Nguyễn Thị Tâm tới tập luyện tại câu lạc bộ, chúng tôi đã thấy cô bé có nhiều tố chất phù hợp với Boxing nữ. Thế nên, các huấn luyện viên bảo nhau cùng cố gắng giữ cô bé ở lại với Boxing bởi không dễ tìm được vận động viên có nhiều tố chất như vậy. Lúc đó, việc quan trọng nhất vẫn là thuyết phục để cô bé hiểu rằng Boxing không nguy hiểm như cách nghĩ của nhiều người”. 

Cuối cùng, nỗ lực giữ lại Nguyễn Thị Tâm của các huấn luyện viên CLB Boxing Hà Nội cũng không uổng phí. Nguyễn Thị Tâm chịu ở lại và chỉ một thời gian sau còn thích thú, đam mê môn thể thao này. Cũng vì đam mê nên có khi bị đấm đến tím mắt, cô bé không dám về nhà. Cô biết rằng, đấy là lý do tốt nhất để bố mẹ giữ cô ở nhà vì xót con.

Nguyễn Thị Tâm (trái) đăng quang ở Giải Boxing nữ Châu Á 2017.

Cũng phải 2 năm sau, bố mẹ cô mới chấp nhận hoàn toàn để cô con gái theo đuổi Boxing. Lúc ấy, thành tích của Nguyễn Thị Tâm đang phát triển ổn định. “Chứ trước đó, bố mẹ tôi vẫn bảo rằng không thấy thích môn này nữa thì cứ về quê làm việc khác. Còn bây giờ khi hiểu hơn về Boxing, bố mẹ tôi còn hài lòng với lựa chọn của con gái” – Nguyễn Thị Tâm kể.

Cái nghĩa của thầy giúp trò vươn cao

Đoạn đường đến đỉnh cao quốc gia và châu lục của Nguyễn Thị Tâm hoàn toàn không trải hoa hồng. Như Phụ trách môn Boxing nữ Hà Nội – cựu võ sĩ nổi tiếng Nguyễn Như Cường kể rằng, lẽ ra thì Nguyễn Thị Tâm đã được nhiều người biết đến sớm hơn chứ không phải đợi đến năm 2016. 

Đôi ba năm trước đó, Nguyễn Thị Tâm đã chứng tỏ là võ sĩ hàng đầu hạng 51kg nữ. Nhưng vận đen và cách chấm điểm của trọng tài tại giải quốc gia đã khiến cô không thể lên ngôi vô địch quốc gia dù rất xứng đáng. Thế là suất tham dự giải quốc tế cũng không thể đến với cô. 

Trong khi đó, tuổi thọ nghề nghiệp của võ sĩ Boxing nữ Việt Nam không dài, thường chỉ đến 26-27 tuổi là vận động viên đã giải nghệ.

Gần nhất, ở giải Boxing Lett Việt năm 2016 ở Hà Nội, dù đã chiếm thế áp đảo trong cả trận chung kết nhưng cuối cùng Nguyễn Thị Tâm vẫn bị xử thua. Đấy là đỉnh điểm của nỗi thất vọng. 

Trận đấu diễn ra ở ngay Nhà thi đấu Hà Nội, “sân nhà” của các võ sĩ Hà Nội, lại được truyền hình trực tiếp nên đương nhiên người thân của cô sẽ được theo dõi. Tối đó, trên đường từ Nhà thi đấu về chỗ ở, Nguyễn Thị Tâm đã nói đến quyết định chia tay Boxing với thầy Nguyễn Như Cường. Người thầy cứ nghe cô học trò “xả” nỗi thất vọng và cố gắng thuyết phục cô suy nghĩ lại. 

Sau này, HLV Nguyễn Như Cường kể lại rằng ông đã biết đến sự cải tổ về khâu trọng tài tại các giải quốc gia bắt đầu từ năm 2017 nên tin là Nguyễn Thị Tâm sẽ có cơ hội phát triển. 

Quả thực, ngay từ đầu năm 2017, khi Liên đoàn Boxing Việt Nam được giao quyền tổ chức các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia, công tác trọng tài đã tiến triển thấy rõ. Khi sự công bằng được đề cao, Nguyễn Thị Tâm đã lập tức lên ngôi vô địch quốc gia. 

“Cũng may, Nguyễn Thị Tâm còn đủ đam mê để vượt qua cảm xúc nhất thời và rồi liên tiếp gặt hái thành công trong năm 2017, từ chức vô địch quốc gia đến chức vô địch châu Á lịch sử” – ông Nguyễn Như Cường nói.

Tất nhiên, phía sau chức vô địch châu Á của Nguyễn Thị Tâm còn là sự kỳ công trong đường hướng chiến lược, sự đầu tư của những nhà quản lý Boxing nữ Hà Nội. Việc đưa vận động viên đi thi đấu tại châu Âu với những võ sĩ mạnh của thế giới, đã tăng thêm đáng kể sự tự tin của các võ sĩ Hà Nội, trong đó có Nguyễn Thị Tâm. 

Ngay trước Giải Boxing nữ Châu Á 2017, Nguyễn Thị Tâm đã tham dự một giải đấu ở Bulgaria. Tại đó, cô đã giành chiến thắng trước một võ sĩ người Nga. Đấy cũng là chiến thắng đầu tiên của võ sĩ Việt Nam trước võ sĩ Nga tại một giải đấu quốc tế nên giúp Nguyễn Thị Tâm tự tin đáng kể. Nhờ đó, cô đã lên ngôi ở Giải vô địch Boxing Châu Á.

Trong câu chuyện của Nguyễn Thị Tâm còn có sự biết ơn đến những người thầy Việt Nam khác và cả những chuyên gia ngoại. Như chuyên gia Cuba đã dạy những kỹ thuật cơ bản khi cô mới bước vào làng Boxing nữ Việt Nam. 

Rồi chuyên gia Philippines huấn luyện cô và đồng đội trong 4 năm, giúp cô nâng cao những kỹ thuật ra đòn, tránh né, phản công. Và bây giờ là chuyên gia Thái Lan S.Tawan. 

2 năm trước, Boxing Hà Nội như “vớ được vàng” khi mời được ông Tawan sang huấn luyện. Ông từng dẫn dắt đội Boxing nữ Thái Lan ở các kỳ Olympic 2008 và 2012 nên không phải bàn nhiều về trình độ chuyên môn. Cách đây hơn 2 năm, ông S.Tawan đã khẳng định rằng Nguyễn Thị Tâm sẽ đạt nhiều thành công tại giải quốc nội lẫn quốc tế từ năm 2016. 

Nhờ đó, Nguyễn Thị Tâm đã xử lý nhiều kỹ năng cũng như chiến thuật thi đấu tốt hơn. “Thú thực, không có tài năng và tâm huyết của các thầy thì tôi khó trụ lại với Boxing nữ cho đến hôm nay. Thế nên, những lúc mệt mỏi sau tập luyện, nước mắt tự trào ra, tôi lại tự nhủ rằng phải vượt qua những thử thách về sự chịu đựng thể xác để vươn tới thành công, để không phụ công thầy” – Nguyễn Thị Tâm kể.

Cũng vì cái nghĩa với các thầy nên Nguyễn Thị Tâm đã từ chối nhiều lời đề nghị đầu quân từ các đơn vị khác với mức lương, chế độ đãi ngộ cao hơn so với mức hiện tại ở Hà Nội. Tuy nhiên, cô đều từ chối vì muốn gắn bó với nơi đã giúp cô thăng tiến trong sự nghiệp và cũng để trả nghĩa các thầy.  

“Tôi còn có quá nhiều thách thức phải vượt qua, để chứng tỏ khả năng và cũng để trả nghĩa các thầy ” – Nguyễn Thị Tâm chia sẻ.

Võ sĩ cao nhất hạng 51kg nữ Việt Nam

Nguyễn Thị Tâm sở hữu nhiều tố chất về sức mạnh, sức bền, bản lĩnh thi đấu và chiều cao 1m68 – hiện cũng là cao nhất trong làng boxing nữ Việt Nam ở hạng 51kg nữ. Nhờ chiều cao này, cô tạo nên lợi thế đáng kể trước các đối thủ. 

Ngoài ra, hạng 51kg cũng là một trong ba hạng cân nữ trong chương trình thi đấu của Olympic. Thế nên tấm Huy chương vàng Giải Boxing Châu Á vừa qua của cô càng giàu ý nghĩa. Nhờ đó, Boxing Việt Nam có thể tính tới mục tiêu giành huy chương ở ASIAD 2018, giành vé dự Olympic 2020.          

M.Khuê

Minh Nhật
.
.
.