Đoàn thể thao Việt Nam với SEA Games 29:

Lơ lửng nỗi lo doping

Thứ Sáu, 28/07/2017, 07:51
Đến lúc này, ngay cả lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29 - năm 2017 cũng không thể bảo đảm 100% là các vận động viên sẽ không dương tính với chất cấm trong tập luyện thi đấu thể thao (thường gọi là doping) trong kỳ Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á tới. Họ chỉ có thể chắc chắn là đã làm mọi việc có thể để vận động viên phòng tránh doping.


Đã từng có tiền lệ

Từ SEA Games 22 (năm 2003) đến nay, thể thao Việt Nam đã có hơn 10 vận động viên bị cấm thi đấu do sử dụng chất cấm trong quá trình tham gia các giải thể thao trong nước và quốc tế. Trường hợp gần đây nhất là một vận động viên điền kinh ở Đại hội Thể thao bãi biển châu Á năm 2016 nhưng nguyên nhân được xác định là do vô tình sử dụng thuốc chữa bệnh có chất cấm theo đơn của bác sĩ. Vì vậy, vận động viên này chỉ bị cấm thi đấu 3 tháng.

Trong quá khứ, nhiều trường hợp vận động viên Việt Nam bị phát hiện sử dụng doping cũng do thiếu hiểu biết dẫn đến vô tình sử dụng thuốc có chất cấm khi gặp vấn đề về sức khỏe. Không ngẫu nhiên khi từ hơn chục năm trước, các chuyên gia y học thể thao hàng đầu Việt Nam đã cảnh báo về sự thiếu hiểu biết của vận động viên, huấn luyện viên Việt Nam khi chỉ chăm chút cho việc tập luyện thi đấu mà quên đi việc bổ sung kiến thức về dinh dưỡng, phòng chống doping.

Vận động viên Nguyễn Thị Huyền không trong diện 30 vận động viên Việt Nam phải thử doping trước SEA Games 29.

Những năm gần đây, việc tuyên truyền, cảnh báo về tác hại của doping cũng như nguy cơ “dính” doping nếu không tuân theo chỉ định của bác sĩ đã được ngành thể thao chú trọng. Trong những cuộc trò chuyện với nhiều vận động viên đội tuyển quốc gia, tất cả đều nhận thức rõ tác hại của doping cũng như cách phòng chống. Thậm chí, nhiều người còn phòng chống triệt để bằng cách chỉ dùng thuốc nam để chữa trị sốt, viêm họng… nhằm tránh nguy cơ bị phát hiện sử dụng doping (dù chỉ là vô tình),

Ngoài ra, theo khuyến cáo của Tổ chức phòng chống doping quốc tế, trước mỗi kỳ đại hội thể thao quốc tế, đoàn thể thao Việt Nam đều thử doping với số vận động viên nhất định để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến uy tín của thể thao nước nhà. Trước SEA Games 28 - năm 2015, có 26 vận động viên trước Olympic 2016 có 11 vận động viên và gần nhất là hơn 30 vận động viên trước SEA Games 29 năm 2017 đã được thử doping.

Ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29 cho biết: “Thực tế, số vận động viên Việt Nam được thử doping trước SEA Games 29 đã đông hơn con số 30. Ở đây, phải kể thêm nhiều vận động viên đã tham dự các giải đấu quốc tế gần đây và đã được thử doping bởi Ban tổ chức giải đấu. Như trường hợp vận động viên Nguyễn Thị Huyền hay Bùi Thị Thu Thảo đã giành huy chương vàng ở Giải điền kinh vô địch châu Á 2017 vừa qua nên đương nhiên được Ban tổ chức giải lấy xét nghiệm doping.”.

Tất nhiên, sẽ là lý tưởng nếu tất cả vận động viên Việt Nam đều được thử doping trước khi dự SEA Games 29 nhưng kinh phí của ngành có hạn trong khi một mẫu xét nghiệm doping ở nước ngoài cũng phải mất 300USD. Đã vậy, tại Việt Nam lại chưa có phòng xét nghiệm doping nên không thể xét nghiệm hàng loạt vận động viên với hy vọng giảm giá đến mức thấp nhất.

Nỗi lo có thật

Trước SEA Games 29 này, các vận động viên tham dự đại hội đã liên tục nhận được khuyến cáo về việc phòng chống doping trong đó nguyên tắc sử dụng thuốc, thực phẩm phải được tuân thủ tuyệt đối để tránh những "tai nạn" đáng tiếc. Trong số này, khuyến cáo vận động viên tuyệt đối không mua thuốc để tự điều trị được nhắc đi nhắc lại sau những trải nghiệm “đau đớn” trong quá khứ. Theo đó, mỗi khi cần dùng thuốc, vận động viên phải thông qua bác sĩ và chỉ sử dụng khi được phép.

Tuy nhiên, cũng có những phần việc trong phòng chống doping khiến ông Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn không khỏi lo lắng. Đó là kiểm soát thực phẩm để tránh cho vận động viên không mắc tiếng oan là cố tình sử dụng doping. Hiện tượng sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn đang làm cho các nhà quản lý thể thao Việt Nam lo ngay ngáy, bởi trong thành phần chất này có chứa những chất bị cấm sử dụng trong tập luyện và thi đấu thể thao. Nếu vận động viên liên tục sử dụng thịt lợn có chất tạo nạc thì rất dễ tích tụ chất cấm trong người. Đến lúc bị xét nghiệm doping thì đúng là “tình ngay, lý gian”.

Chính vì thế, các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia được quán triệt là phải kiểm soát chặt nguồnthực phẩm. Tuy nhiên, nguồn thực phẩm của các trung tâm dù luôn được đóng dấu kiểm định an toàn thực phẩm nhưng cũng vẫn cần xét nghiệm đột xuất một số mẫu. Tuy nhiên, đây là điều bất khả thi vì việc này rất tốn kém, mất thời gian. Rồi vận động viên có thể ăn ở ngoài nên rất khó kiểm soát nguồn gốc thực phẩm.

Tất nhiên, trong thời gian tới, ngành Thể dục thể thao cũng phải có giải pháp để bảo đảm nguồn thực phẩm, rau xanh… cho bữa ăn của vận động viên luôn “sạch” và không dính đến chất cấm. Nhưng rõ ràng, ở SEA Games tới, nỗi lo vận động viên của đoàn sử dụng doping vẫn lơ lửng dù các lãnh đội, huấn luyện viên và chính vận động viên cùng có ý thức phòng chống.

Phòng xét nghiệm doping vẫn là giấc mơ

Từ hơn chục năm trước, ông Lê Quý Phượng (khi ấy là Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao, nay là Hiệu trưởng trường ĐH Thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh) đã từng đề cập đến việc xây dựng một phòng xét nghiệm doping tại Việt Nam.

Theo ông Lê Quý Phượng, việc sở hữu một phòng xét nghiệm kiểu này sẽ giúp thể thao Việt Nam giúp ích rất nhiều trong phòng chống doping ở làng thể thao Việt Nam. Khi ấy, kể cả giải quốc nội cũng có thể xét nghiệm doping với vận động viên tham dự. Đến nay, phòng xét nghiệm doping kia vẫn chỉ là giấc mơ của thể thao Việt Nam dù ai cũng biết rằng đó là điều cần thiết để xây dựng một nền thể thao “sạch”.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.