Hàng công U23 Việt Nam trong nỗi nhớ... Anh Đức

Thứ Năm, 21/03/2019, 09:53
Việc Tiến Linh phải sớm chia tay đội U23 Việt Nam vì chấn thương là một điều đáng tiếc, tuy nhiên đấy chưa phải… thảm họa. Bởi lẽ, với những gì đang có trong tay, kể cả khi có thêm Tiến Linh thì HLV Park Hang-seo cũng khó lòng quên được sự hiện diện của Nguyễn Anh Đức.

Thầy Park cần gì ở một trung phong?

Bóng đá thời đại mới đã có rất nhiều biến chuyển và không phải vị trí nào cũng chỉ đóng khung với vai trò truyền thống như trước. Trung phong là một trong số đó. Một “số 9” kiểu mẫu là người đứng cao nhất đội hình, thường xuyên “mắc màn” trong vòng cấm đối phương và chịu trách nhiệm cao nhất cho việc ghi bàn. Nếu đội bóng trải qua nhiều trận mà không ghi bàn, dù bất kỳ lý do gì, trung phong cũng bị mang ra chỉ trích đầu tiên.

Nhưng ngày nay, khi mà xu hướng đề cao khối lượng đóng góp cho tập thể, một trung phong không nhất thiết phải là “máy làm bàn” nữa. Anh ta phải trở thành hậu vệ đầu tiên, tham gia đuổi bóng và tạo sức ép lên đối thủ. Chưa dừng lại ở đó, nhiệm vụ chạy chỗ không bóng và phá vỡ cấu trúc phòng ngự của đối phương cũng ngày một quan trọng.

Ví dụ điển hình nhất là Roberto Firmino. Hồi mới chuyển sang Liverpool, tiền đạo người Brazil hoàn toàn đóng vai trò của một “số 9” đơn thuần. Anh xuất hiện dày đặc trong vòng cấm và cố gắng ghi càng nhiều bàn càng tốt để được ghi nhận. Nhưng giờ đã khác, trong mùa này, Firmino lùi xuống chơi như một “số 10” cổ điển ngay phía sau Mohamed Salah với nhiệm vụ chính là tham gia... phòng ngự và kiến tạo. Đương nhiên, khi có cơ hội, Firmino vẫn băng lên tìm khoảng trống để ghi bàn.

Ở đây, vấn đề là HLV Juergen Klopp không chỉ đánh giá Firmino với tư cách một tiền đạo thuần túy nữa mà ghi nhận anh ở khả năng mẫn cán với mọi công việc xung quanh quả bóng. Firmino không ghi được nhiều bàn như mùa trước nhưng chẳng ai dám nói anh không phải một tiền đạo hiệu quả.

Với thầy Park, ông không có một quân bài hoàn hảo như Firmino nhưng Anh Đức thể hiện toàn bộ tư duy mà chiến lược gia người Hàn Quốc gửi gắm nơi một trung phong. Người đứng cao nhất trong đội hình của thầy Park phải cầm được bóng, biết làm tường, sẵn sàng tranh chấp trên không và mẫn cán trong việc đuổi theo đối phương. Tất cả những tiêu chí đó xếp theo thứ tự giảm dần và khả năng ghi bàn được đặt ở cuối cùng.

Đó là lý do mà cả Anh Đức, Đức Chinh hay Tiến Linh dù không ghi được quá nhiều bàn thắng, đôi khi bị người hâm mộ chỉ trích, vẫn được thầy Park đặc biệt hài lòng. Riêng với cá nhân Anh Đức, kinh nghiệm dồi dào của tiền đạo thuộc biên chế Bình Dương giúp anh xử lý mẫu mực trong từng pha bóng. Có Anh Đức phía trên, ĐT Việt Nam luôn tạo ra sức ép cần thiết đủ để đối phương không thể thoải mái cầm bóng và triển khai.

Không những vậy, khả năng dứt điểm của Anh Đức không phải dạng vừa, đơn cử như cú volley bằng chân không thuận mở tỷ số trận chung kết lượt về AFF Cup 2018. Ở Anh Đức có mọi thứ mà thầy Park cần, tất cả đều vừa phải, không quá nổi trội nhưng đủ để dùng. Các chân sút đàn em mỗi người đều có mặt hạn chế nhất định và chưa bao giờ khỏa lấp được vị trí của Anh Đức.

Đức Chinh và Thanh Bình cần phải nỗ lực nhiều để trở thành chủ công của U23 Việt Nam.

Cái khó ló cái khôn

Anh Đức đã nói lời chia tay màu áo quốc gia nên không thể có chuyện thầy Park triệu tập anh thay Tiến Linh. Chiến lược gia người Hàn Quốc chỉ còn 2 cái tên có thể đá cắm lúc này là Đức Chinh và Đinh Thanh Bình. Trong đó, Đức Chinh đương nhiên là ưu tiên vì có sự thấu hiểu nhất định với tư duy của thầy Park sau quãng thời gian gắn bó hơn một năm qua.

Mới đây, chính thầy Park đã “phản pháo” ý kiến của HLV Lê Huỳnh Đức khi cho rằng Đức Chinh khó lòng cạnh tranh ở U23 Việt Nam. Thầy Park vẫn rất ủng hộ học trò bất chấp việc Đức Chinh không có phong độ tốt suốt nhiều tháng nay.

Rõ ràng, nếu Đức Chinh không đảm nhận được vị trí trung phong thì không ai làm nổi lúc này. Nên nhớ, chính Đức Chinh góp mặt trong “thế hệ vàng” tại VCK U23 châu Á 2018 – nơi khởi đầu của một chuỗi thành công sau này với bóng đá Việt Nam. Lúc đó, không ai nói nhiều về vị trí trung phong như lúc này và Đức Chinh đã làm khá tốt mỗi khi được vào sân, trong đó điểm nhấn là pha đánh đầu ghi bàn nâng tỷ số thành 3-2 trong hiệp phụ trận tứ kết gặp U23 Iraq.

Ngoài bàn thắng đó, sự nhiệt tình trong di chuyển của Đức Chinh đã khỏa lấp những thiếu sót cần có của một tiền đạo. Chỉ cần chơi được tự tin như cách đây hơn một năm ở Thường Châu, Đức Chinh xứng đáng góp mặt trong đội hình chính của U23 Việt Nam tiếp đón U23 Indonesia trong trận mở màn vòng loại U23 châu Á 2020.

Ngoài ra, thầy Park cũng có thể tin tưởng vào Thanh Bình trong những tình huống cần thay người gia tăng sức tấn công. Chân sút sinh năm 1998 này thậm chí còn “non” hơn Đức Chinh về mặt kinh nghiệm nhưng đã thể hiện được nhiều điều trong thời gian tập luyện vừa qua.

Thanh Bình đã ghi được cú đúp bàn thắng trong màn hủy diệt với tỷ số 6-1 của U23 Việt Nam trước U23 Đài Loan (TQ). Từ 2 pha lập công đó, Thanh Bình cho thấy khả năng chớp thời cơ tốt trong vòng cấm cũng như kỹ năng bật nhảy, đánh đầu, tranh chấp bóng bổng với đối thủ.

Mọi thứ với Đức Chinh và Thanh Bình đương nhiên mới chỉ dừng lại ở mức độ chấp nhận được với thầy Park nhưng biết đâu đấy, với chính những con người này, khi được điều chỉnh thích hợp và trong một ngày đẹp trời, U23 Việt Nam lại tìm được trung phong hoàn hảo mà mình cần.

Công Phượng có thể được gọi bổ sung lên U22 Việt Nam

Vừa qua, BTC SEA Games 30 đã công bố điều lệ giải mới của môn bóng đá nam, đó là mỗi đội bóng sẽ được sử dụng 2 cầu thủ có ngày sinh trước 1-1-1997. Và lúc này, điều nhiều quan tâm, những cầu thủ nào sẽ được HLV Park Hang-seo lưu tâm bổ sung.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, lứa U22 Việt Nam hiện tại còn thiếu một "ngòi nổ" có thể tạo đột biến chia lửa cùng Quang Hải. Bây giờ, không cầu thủ nào làm tốt hơn Công Phượng trong vai trò đó. Tuy nhiên, nếu Incheon United không chịu nhả Công Phượng thì các phương án Văn Toàn, Văn Đức cũng rất sáng giá. Cùng với đó, một tiền vệ cơ động và giàu kinh nghiệm như Hùng Dũng cũng nhiều khả năng được triệu tập để nâng cao chất lượng cho hàng tiền vệ.

Hà My
.
.
.