Điền kinh Hà Nội nối mạch lập cột mốc đầu tiên
- Bộ trưởng Tô Lâm gặp mặt, biểu dương các VĐV CAND đạt thành tích xuất sắc tại ASIAD 2018
- Thể thao Việt Nam hậu ASIAD 2018: Nhìn nhận nghiêm túc để giữ vị thế
- Hé lộ số tiền thưởng Olympic Việt Nam nhận được sau ASIAD 2018
- Thủ tướng gặp mặt đoàn thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 2018
Trong 23 năm, điền kinh Thủ đô đã lập 2 cột mốc đáng nhớ cho điền kinh Việt Nam (giành HCV SEA Games đầu tiên vào năm 1995 và giành HCV ASIAD đầu tiên vào năm 2018) nên đấy là thành tích đáng tự hào.
Lập cột mốc trong gian khó
Đi dự giải chạy Báo Hànộimới mở rộng – Vì hòa bình năm 2018 ở quận Hoàn Kiếm, người ta bắt gặp cựu vô địch SEA Games 18 năm 1995 Vũ Bích Hường trong vai trò trọng tài. Đến lúc gặp tượng đài điền kinh một thuở này, nhiều người mới kịp xâu chuỗi lại những cột mốc đáng tự hào của điền kinh Hà Nội. Còn nhà vô địch SEA Games 1995 giàu nghị lực ấy chỉ mỉm cười khi nhớ về quãng thời gian 23 năm trước.
Quãng thời gian ấy, Vũ Bích Hường đã vô đối trên đường chạy 110m rào ở Việt Nam và là ứng cử viên cho ngôi vô địch tại SEA Games 18. Nhưng trước đó là cả quãng thời gian đầy khó khăn của chị. Tất cả bắt đầu từ việc chị sớm lập gia đình rồi sinh con và tưởng như vĩnh viễn xa rời đường chạy.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm câu lạc bộ điền kinh Hà Nội lúc bấy giờ là bà Nguyễn Hoàng An vẫn tiếc tài năng của cô học trò cũ, đồng thời cũng muốn cô có thu nhập từ chính sở trường của mình. Thế là bà vận động được Vũ Bích Hường đi tập trở lại khi con còn bé xíu.
Để vượt qua những khó khăn của việc vừa chăm con nhỏ vừa tập luyện là cả câu chuyện dài. Thậm chí, khi đi thi đấu tại TP Hồ Chí Minh bằng tàu hỏa, chị cũng phải đưa con theo. Đến bây giờ, những thành viên trong đội điền kinh Hà Nội tham dự giải điền kinh vô địch toàn quốc năm 1992 tại TP Hồ Chí Minh vẫn không quên hình ảnh bà mẹ trẻ Vũ Bích Hường cùng cậu con trai Nguyễn Ngọc Quang (hiện đang thi đấu cho đội Hà Nội cũng ở nội dung 110m rào) trên chuyến tàu vào TP Hồ Chí Minh.
Tất cả thành viên trong đoàn cùng hỗ trợ hai mẹ con, chỉ mong Vũ Bích Hường có thành tích, qua đó đủ điều kiện nhận bồi dưỡng tập luyện hàng tháng sau khi tập luyện. Sau đó, Vũ Bích Hường đoạt HCV và chính thức trở lại câu lạc bộ điền kinh Hà Nội, cũng đồng nghĩa được nhận trở lại tiền bồi dưỡng tập luyện.
Bùi Thị Thu Thảo lập nên cột mốc mới cho thể thao Việt Nam cũng như thể thao Hà Nội. |
Con đường vươn đến đỉnh cao khu vực của đường chạy 110m ở khu vực Đông Nam Á của Vũ Bích Hường không hề dễ dàng. Điều kiện tập luyện, dinh dưỡng của giai đoạn 23-25 năm trước cũng thua xa hiện nay. Ấy vậy mà Vũ Bích Hường vẫn gây bất ngờ bằng việc vượt qua huyền thoại đường chạy rào nữ ở Đông Nam Á, lúc bấy giờ là E.Muros (Philippines), để đăng quang tại SEA Games 18 năm 1995.
Lúc ấy, hình ảnh Vũ Bích Hường khóc nức nở trong sự chia vui của những người đã gắn bó nhiều năm với cô như bà Nguyễn Hoàng An hay HLV Nguyễn Hữu Chỉ đã gây xúc động mạnh mẽ. Tấm HCV ấy không chỉ tôn vinh nghị lực của cô mà còn chính thức đặt dấu mốc mới cho điền kinh Việt Nam cũng như thể thao Hà Nội.
Đấy là tấm HCV đầu tiên của điền kinh Việt Nam tại đấu trường SEA Game và đó cũng là tấm HCV đầu tiên ở một môn cơ bản trong chương trình thi đấu Olympic (cùng với bơi) của thể thao Việt Nam cũng như Hà Nội. Trước đó, thể thao Hà Nội vẫn mang tiếng là chỉ giỏi ở những môn võ, không thuộc chương trình thi đấu của Olympic. Còn sau tấm HCV này, cái nhìn về thể thao Hà Nội đã khác. Vì thế, những người gắn bó với điền kinh Hà Nội càng có lý do để tự hào về chính thành quả của bộ môn.
Nhớ lại chuyện cũ, Vũ Bích Hường còn bảo rằng, ngoài những cán bộ quản lý, các HLV tại Hà Nội, chị còn nhận được sự ủng hộ hết mực của người chồng và gia đình bên chồng. Nếu không, đoạn đường với điền kinh của chị không kéo dài đến tận bây giờ.
Cột mốc mới và những cột mốc khác
Đến bây giờ, cũng không cần phải nhắc đến quá nhiều về cuộc lên ngôi đầy thuyết phục tại ASIAD 2018 của Bùi Thị Thu Thảo – một VĐV khác của điền kinh Hà Nội. Không chỉ Bùi Thị Thu Thảo mà những đồng nghiệp, các HLV tại câu lạc bộ điền kinh Hà Nội cũng tự hào vì thành tích ấy. Sau nhiều năm đầu tư mạnh tay cho Thảo, cuối cùng những người có trách nhiệm cũng đã nhận được thành quả.
Tấm HCV của Bùi Thị Thu Thảo khiến nỗi khắc khoải đợi chờ một ngôi vô địch ở môn Olympic tại đấu trường ASIAD của những người làm thể thao Hà Nội không phải kéo dài. Lần đầu tiên thể thao Hà Nội có VĐV giành HCV ở môn Olympic tại đấu trường ASIAD và lại là ở môn điền kinh.
Nhờ đó, so với các tỉnh thành ngành khác, thể thao Hà Nội không còn trong cảnh “thua chị kém em” tại đấu trường ASIAD. Chủ nhiệm câu lạc bộ điền kinh Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội) Lại Phúc Lộc nói rằng: “Những lớp người quản lý và những HLV trước đây cũng như hiện nay của điền kinh Hà Nội đã mong ngóng tấm HCV này từ lâu rồi.
Phải 23 năm, điền kinh Hà Nội hoàn thành một cột mốc khác. Quãng thời gian ấy đủ dài để thử thách sự kiên nhẫn của người trong cuộc. Cũng may, nỗ lực của Thu Thảo và những sự hỗ trợ âm thầm, hiệu quả của các HLV đã được đền đáp”.
Cũng tương tự trường hợp của tượng đài Vũ Bích Hường, Bùi Thị Thu Thảo cũng nhận được sự ủng hộ hết mình của người chồng và gia đình nhà chồng để yên tâm theo đuổi những mục tiêu trong sự nghiệp, nhất là khi đang ở độ tuổi chín muồi về tài năng. Kết hôn 3 năm và gác lại chuyện sinh con là cả vấn đề với nhiều gia đình khác.
Tuy vậy, chính sự động viên của gia đình bên chồng cùng chồng đã khiến Bùi Thị Thu Thảo hoàn toàn tập trung cho mục tiêu giành HCV ASIAD 2018. Thậm chí, cô đã tính tới việc sẽ hoàn thành thi đấu tại SEA Games năm 2019 rồi mới chia tay hố nhảy để sinh con. Tất nhiên, khi đưa ra quyết định này, Bùi Thị Thu Thảo đã nhận được sự ủng hộ của những người thân.
Hai con người, hai cột mốc và phía sau là không ít công sức, tiền bạc, những hy sinh thầm lặng của những người thân, nhà quản lý, HLV. Tất cả đã giúp điền kinh Hà Nội tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ trong làng thể thao Việt Nam.
Tất nhiên, mọi chuyện không dừng lại bởi điền kinh Hà Nội vẫn còn những mục tiêu khác như việc tranh HCV ở các kỳ ASIAD tiếp theo. Ngay lúc này, nhân tố để hoàn thành mục tiêu trên cũng lộ diện với tiềm năng ở nội dung 4x400m nữ. Tuy nhiên, để đến đích lại là câu chuyện khác.