Cử tạ có nâng được gánh nặng huy chương Olympic?

Thứ Ba, 05/01/2016, 08:04
Không như nhiều môn khác, ngoài việc được chờ đợi sẽ giành nhiều suất tham dự nhất, cử tạ còn được hy vọng sẽ giành huy chương tại Olympic 2016. Lúc này, vế đầu của mục tiêu đang được thực hiện suôn sẻ nhưng nửa sau mới thực sự nan giải, không dễ dàng như nhiều người tưởng tượng.


Đến nay, thể thao Việt Nam đã có 6 vé tham dự trực tiếp Olympic 2016 ở môn bơi, bắn súng, cử tạ. Trong số này, cử tạ đã có tới 3 suất tham dự trong khi đội tuyển bơi có 1 vé (của Nguyễn Thị Ánh Viên) và đội tuyển bắn súng có 2 vé (Trần Quốc Cường, Hoàng Xuân Vinh). 3 tấm vé dự Olympic 2016 của cử tạ Việt Nam thuộc về các đô cử nam khi đội nam xếp tổng hạng 20 sau hai lần tham dự Giải vô địch cử tạ thế giới năm 2014 và năm 2015. Như thế, đội cử tạ nam đã đạt được cột mốc mới về số VĐV tham dự Olympic, để xứng là mũi nhọn của thể thao Việt Nam.

Nhưng số VĐV cử tạ Việt Nam dự Olympic 2016 sẽ chưa dừng lại. Với thành tích xuất sắc tại Giải vô địch cử tạ thế giới 2015 vừa qua (giành 2 HCB, 1 HCĐ), đô cử Hà Nội Vương Thị Huyền coi như nắm tấm vé tham dự Olympic 2016 dù vẫn phải trải qua vòng loại Olympic 2016 khu vực châu Á vào tháng 4-2016. Hiện tại, chỉ có chấn thương hoặc những lý do bất khả kháng khác mới ngăn được đô cử này không thể góp mặt ở ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Thạch Kim Tuấn phải vượt qua chấn thương mới hy vọng giành huy chương Olympic 2016.

Một đồng đội khác của Vương Thị Huyền tại đội Hà Nội là Nguyễn Thị Thúy cũng có cơ hội góp mặt ở Olympic 2016 nếu đạt thành tích tốt tại vòng loại tới. Nguyễn Thị Thúy từng trong nhóm 8 đô cử mạnh nhất của Olympic 2012 ở hạng 53kg nữ. Gần đây, Ban huấn luyện đội tuyển quốc gia đã quyết định đưa Nguyễn Thị Thúy từ hạng 53kg xuống 48kg để tăng cơ hội cạnh tranh huy chương Olympic cho cô. Cô gái này có nhiều tố chất phù hợp với hạng 48kg nữ nên hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu kể cả khi chưa thi đấu thành công tại Giải vô địch cử tạ thế giới 2015.

Ở giải này, do phải ép cân trong thời gian ngắn (từ 54kg xuống 48kg trong gần 5 tháng) cũng như gặp vấn đề cá nhân nên Nguyễn Thị Thúy đã không thành công trong cả 3 lần thực hiện cử giật, xếp hạng 6 ở nội dung cử đẩy. Có đủ thời gian để ép cân, Nguyễn Thị Thúy sẽ có kết quả tốt hơn Giải vô địch cử tạ thế giới vừa qua. Lúc đó, tấm vé dự Olympic 2016 hoàn toàn trong tầm tay cô.

Nếu cả Vương Thị Huyền và Nguyễn Thị Thúy đều giành vé dự Olympic 2016, cử tạ sẽ gần như là môn có nhiều VĐV nhất trong Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic 2016. Hiện tại, bắn súng có nhiều khả năng giành hơn 2 vé tham dự Olympic 2016 nhưng có lẽ cũng chỉ thêm từ 1 đến 2 vé. Những môn khác như vật, taekwondo, thể dục dụng cụ, rowing… giành được từ 1 đến 2 suất tham dự Olympic 2016 đã là quá tốt.

Khác với nhiều môn ở Việt Nam, từ gần chục năm trở lại đây, cử tạ luôn được “quy hoạch” cho mục tiêu giành huy chương Olympic chứ không chỉ là đoạt vé tham dự. Thế mạnh ở hạng 56kg nam được duy trì, đặc biệt là sau tấm HCB Olympic 2008 hạng 56kg nam của Hoàng Anh Tuấn, đã khiến cử tạ luôn được ưu ái trong đầu tư của Tổng cục TDTT.

Hai năm gần đây, Thạch Kim Tuấn tỏ ra gánh vác được trách nhiệm giành huy chương ở Olympic 2016 với việc liên tiếp xuất hiện ở nhóm 3 đô cử dẫn đầu nội dung tổng cử ở Giải vô địch cử tạ thế giới 2014 và 2015. Trong đó, mức tạ 294kg ở nội dung tổng cử Giải vô địch thế giới năm 2014 của Thạch Kim Tuấn là lý do chính để những nhà quản lý tiếp tục đặt niềm tin vào anh.

Nhưng đã có những lo ngại về khả năng giành huy chương Olympic 2016 của Thạch Kim Tuấn khi đô cử TP Hồ Chí Minh này gặp những chấn thương trong năm 2015. Chấn thương này không thể chữa trị dứt điểm do Thạch Kim Tuấn còn phải góp mặt tại Giải vô địch cử tạ thế giới năm 2015 để giúp đội tuyển cử tạ Việt Nam hoàn thành mục tiêu xếp hạng 20 đến 24 đồng đội, qua đó đoạt 3 vé  tham dự Olympic 2016. Mục tiêu đã được hoàn thành nhưng quá trình chữa trị rồi hồi phục, tập luyện để ít nhất tái lập thành tích 294kg (mức tạ có thể đoạt huy chương) tại Olympic 2016 là cả câu hỏi lớn với Thạch Kim Tuấn.

Theo đó, dự kiến, nếu điều trị dứt điểm chấn thương, Thạch Kim Tuấn chỉ còn khoảng 5 tháng để chuẩn bị cho Olympic 2016. Đã vậy, chấn thương của Thạch Kim Tuấn đến ở cả 3 bộ phận cơ thể cực kỳ quan trọng với VĐV cử tạ là vai, lưng, đầu gối. Cả 3 vùng này cùng bị tổn thương là vấn đề không nhỏ với đô cử này. Năm 2014, anh chưa bị chấn thương nên mới đạt mức 294kg. Còn năm 2015, khi bị chấn thương, anh chỉ đạt 287kg.

Quãng thời gian 5 tháng là không nhiều để Thạch Kim Tuấn hướng đến mục tiêu lớn như giành huy chương Olympic. Không kể, chấn thương có thể tiếp tục xảy ra khi Thạch Kim Tuấn lại phải ép cân để tham dự Olympic 2016. Thế nên, khả năng giành huy chương Olympic 2016 của đô cử này khá chông chênh.

Cũng may, cử tạ Việt Nam còn có một Vương Thị Huyền, thậm chí cả Nguyễn Thị Thúy có thể chia sẻ gánh nặng huy chương Olympic 2016 với Thạch Kim Tuấn. Nhưng bản lĩnh và kinh nghiệm thi đấu vẫn là dấu hỏi với Vương Thị Huyền trong khi Nguyễn Thị Thúy lại phụ thuộc vào những yếu tố khách quan khác.

Vì vậy, cử tạ Việt Nam sẽ cực kỳ khó khăn để nâng thành công gánh nặng huy chương Olympic 2016 dù đã có những con người có thể đáp ứng mục tiêu.

Chọn Mỹ để chuẩn bị cho Olympic 2016

Ngành thể thao đã lên kế hoạch tập huấn tại Mỹ cho các đô cử nam, trong đó có Thạch Kim Tuấn để chuẩn bị cho Olympic 2016 thay vì Hungary. Một trong những nguyên nhân là Mỹ có môi trường, điều kiện phù hợp hơn với tập luyện cử tạ cũng như có múi giờ như thành phố Rio (Brazil) – nơi diễn ra Olympic 2016. Trong khi đó, Hungary không phù hợp về múi giờ với thành phố Rio dù đội cử tạ đã hai lần chọn nơi đây để tập huấn chuẩn bị cho Giải vô địch cử tạ thế giới 2014 và 2015.

Minh Khuê

Minh An
.
.
.