Cột mốc mới của quần vợt Việt Nam

Thứ Sáu, 06/12/2019, 05:32
Ngày 5-12 là ngày đáng nhớ của quần vợt Việt Nam tại đấu trường SEA Games khi hai tay vợt Daniel Nguyễn và Lý Hoàng Nam cùng giành chiến thắng ở bán kết để tạo nên trận chung kết quần vợt đơn nam toàn vận động viên (VĐV) Việt Nam tại SEA Games 30.


Như thế giấc mơ có tay vợt nam đăng quang tại SEA Games của quần vợt Việt Nam đã thành hiện thực bất kể tay vợt đăng quang đó là ai.

Khẳng định vị thế

Ngay khi kết quả bốc thăm nội dung đơn nam quần vợt tại SEA Games 30 được công bố, giới chuyên môn đã nghĩ tới kịch bản một trận chung kết toàn vận động viên Việt Nam. Đơn giản vì quần vợt Việt Nam sở hữu hai tay vợt tại Đông Nam Á có thứ hạng tốt nhất trên bảng xếp hạng quần vợt nam thế giới hiện nay. Trong đó, Lý Hoàng Nam trong nhóm 500 tay vợt hàng đầu thế giới còn tay vợt Việt kiều Daniel Nguyễn trong nhóm 350 tay vợt hàng đầu thế giới. Dù vậy, ở sân chơi SEA Games, mọi bất ngờ đều có thể xảy đến nên sự nhiều nhà chuyên môn vẫn dè dặt.

Dù vậy, hành trình của cả hai tay vợt hàng đầu Việt Nam tại nội dung đơn nam đã diễn ra như dự báo. Đến ngày 5-12, cả hai bước vào trận bán kết, đều gặp các tay vợt chủ nhà Philippines. Trong số này, Daniel Nguyễn (hạt giống số 1, từng xếp hạng 189 thế giới) đã giành chiến thắng 2-0 (6-3, 6-4) đầy thuyết phục trước tay vợt chủ nhà Alberto Nucum Lim Jr.

Lý Hoàng Nam có cơ hội vô địch SEA Games.

Còn ở trận bán kết khác, Lý Hoàng Nam đã có cú lội ngược dòng trước tay vợt Jeson Ysores Patrombom khi thắng 2-1 (5-7, 6-1, 6-3) dù chịu không ít sức ép từ khán giả chủ nhà và sự hưng phấn của đối thủ.

Như thế, đã không có bất ngờ ở nội dung đơn nam. Quan trọng hơn cả, hai tay vợt Việt Nam đều hoàn thành mục tiêu vào chung kết dù hành trình của Lý Hoàng Nam gập ghềnh hơn. 

Vấn đề là quần vợt Việt Nam đã thực hiện được giấc mơ giành Huy chương Vàng (HCV), đặc biệt ở nội dung đơn nam, của sân chơi SEA Games dù trận chung kết chưa diễn ra. Đó là mong ước mà bao thế hệ VĐV Việt Nam chỉ biết mơ ước và ngậm ngùi nhìn các đối thủ lên ngôi vô địch. 

Ngay cả khi Lý Hoàng Nam giành HCĐ đơn nam tại kỳ SEA Games trước đã được coi là dấu mốc của quần vợt Việt Nam. Còn đến bây giờ, dấu mốc mới đã được thiết lập theo cách ngoạn mục và thuyết phục nhất với việc có tới 2 tay vợt Việt Nam cùng vào chung kết.

Niềm vui của quần vợt Việt Nam trong những ngày này ở SEA Games 30 càng được nhân lên khi tay vợt Savanna Lý Nguyễn cũng đã giành quyền vào chơi trận chung kết đơn nữ. Đó cũng là trận chung kết đơn nữ đầu tiên tại môn quần vợt SEA Games có sự góp mặt của một tay vợt Việt Nam.

Tất cả đã cho thấy vị thế mới của quần vợt Việt Nam ở đấu trường SEA Games, nơi các tay vợt Việt Nam chưa từng đặt dấu ấn.

Thành quả từ chiến lược xây dựng lực lượng

Thực tế, những sự xuất hiện của các tay vợt Việt kiều trong đội tuyển quần vợt Việt Nam tham dự SEA Games 30 đã làm thay đổi cán cân lực lượng giữa các đoàn. 

Rõ nhất là sự góp mặt của tay vợt Daniel Nguyễn, từng vào nhóm 200 tay vợt nam hàng đầu thế giới, đang sinh sống tại Mỹ. Anh cũng từng nhiều lần ngỏ ý muốn khoác áo đội tuyển quần vợt Việt Nam trong khi điều này lại phù hợp với cách làm của Liên đoàn quần vợt Việt Nam là tìm kiếm các tay vợt gốc Việt trên toàn thế giới muốn cống hiến cho quê hương kết hợp với những tay vợt đang sinh sống tại Việt Nam.

Thực tế, từ nhiều năm nay, quần vợt Việt Nam đã tạo mọi điều kiện cho các tay vợt đang sinh sống tại Việt Nam có cơ hội phát triển. Trong đó, các doanh nghiệp tư nhân đầu tư mạnh mẽ cho một số tay vợt trong khi Tổng cục TDTT, Liên đoàn quần vợt Việt Nam, các địa phương… cũng tạo điều kiện tối đa về vật chất để các tay vợt có cơ hội cọ xát quốc tế. Lý Hoàng Nam là trường hợp rõ nhất được đầu tư theo hướng này và đã vào nhóm 500 thế giới như hiện nay. 

Tương tự là trường hợp của 2 tuyển thủ Việt Nam khác tại SEA Games kỳ này là Nguyễn Văn Phương, Trịnh Linh Giang. Tuy nhiên, nếu chỉ đầu tư theo hướng này thì quần vợt Việt Nam cũng chỉ mong manh hy vọng giành HCV ở SEA Games và xa hơn là chới với ở cuộc chiến chống xuống nhóm 3 tại Giải quần vợt nam đồng đội thế giới (Davis Cup). 

Vì vậy, cách đầu tư bằng cả hai chân – đầu tư cho VĐV tại Việt Nam kết hợp tìm kiếm VĐV gốc Việt trên toàn thế giới mới được đặt ra và đến giờ đã cho thành quả bước đầu ở cả đội tuyển nam và nữ quần vợt Việt Nam ở SEA Games 30.

Vì thế, sau SEA Games kỳ này, rất có thể sẽ có thêm những tay vợt gốc Việt khác xuất hiện trong màu áo đội tuyển Việt Nam ở các Đại hội thể thao hay giải quần vợt quốc tế khác. Nhưng trước mắt, quần vợt Việt Nam đang có những ngày tháng tươi đẹp tại đấu trường SEA Games, nơi từ nhiều năm qua các tay vợt Việt Nam thường đứng ngoài cuộc đua đến ngôi vô địch vì hạn chế về trình độ, nhân sự.

Ngày 6-12 sẽ chứng kiến tay vợt Việt Nam lên ngôi ở SEA Games 30

Trong ngày 6-12, các tay vợt Việt Nam sẽ góp mặt ở hai trận chung kết đơn nam và đơn nữ môn quần vợt SEA Games 30. 

Trong khi ở trận đơn nam là cuộc đấu giữa Lý Hoàng Nam và Daniel Nguyễn thì ở trận chung kết đơn nữ, Savanna Lý Nguyễn (Việt Nam) gặp tay vợt người Indonesia Sutjiadi Aldila. 

Trong khi đó, ở bán kết đôi nam, Việt Nam có hai đôi góp mặt ở hai nhánh đấu khác nhau gồm Daniel Nguyễn/ Nguyễn Văn Phương, Lý Hoàng Nam – Lê Quốc Khánh. Ở bán kết đơn nữ, đôi Phan Thị Thanh Bình/ Trần Thúy Thanh Trúc cũng góp mặt. 

Khả năng quần vợt Việt Nam tiếp tục góp mặt ở chung kết nội dung đôi nam, đôi nữ hoàn toàn có thể xảy ra và đó sẽ là dấu mốc không thể quên cho quần vợt Việt Nam. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.
.