Chuyện "tiền" ở VPF

Thứ Bảy, 09/12/2017, 07:52
Từng có lúc đấy là một câu chuyện đầy hứa hẹn, khiến người ta chỉ nghe thôi đã phải trầm trồ vì choáng. Đấy từng có lúc lại là chuyện khiến chính những người trong cuộc phải "nói chuyện căng thẳng" với nhau. Và bây giờ, đấy có vẻ lại là chuyện khó, khiến những tân lãnh đạo của VPF đứng trước nhiều thách thức.


Khởi thuỷ thành lập VPF (Công ty cổ phần phát triển bóng đá Việt Nam), cựu bầu Nguyễn Đức Kiên thực sự đã làm một cuộc cách mạng về tiền bạc. Cái hợp đồng bản quyền truyền hình 6 tỷ đồng/mùa, có luỹ tiến từng mùa mà VFF trước đó "trót" ký với AVG bị đánh giá là rất hớ, nên bầu Kiên làm đủ mọi cách vô hiệu hoá bản hợp đồng "trót" ký ấy, để giật lại nó về tay mình.

Trong suy nghĩ của bầu Kiên khi ấy, có bản quyền là có tất cả. Một lộ trình màu hồng đã được vẽ ra: bầu Kiên sẽ kêu gọi những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam tham gia vào một Hội đồng gọi là "Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam", dự kiến mỗi năm rót vào VPF khoảng 50 tỷ đồng, đổi lại các doanh nghiệp này sẽ có được sóng quảng cáo trên truyền hình, trước, giữa và sau mỗi trận đấu V.League.

Những nhà lãnh đạo VPF khi ấy còn tính đến việc sẽ trích từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm hỗ trợ ngược lại VFF, phục vụ việc phát triển bóng đá trẻ và các Đội tuyển Quốc gia. Với nguồn tiền dồi dào như vậy chế độ lương thưởng cho các trọng tài, giám sát cũng được nâng cao đột biến.

Tân Chủ tịch VPF (phải) sẽ phải giải quyết ổn thỏa vài toán "đầu tiên"

Nhưng khi bầu Kiên bất ngờ xộ khám thì cái ý tưởng thành lập Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam cũng tan tành. Tiền đổ vào VPF khi đó chủ yếu đến từ doanh nghiệp của các ông bầu có chân trong Hội đồng Quản trị VPF như bầu Võ Quốc Thắng, bầu Đoàn Nguyên Đức - những người mà đến lúc này đã hoàn toàn rút chân khỏi vị trí lãnh đạo VPF... 

Ngay cả tiền tài trợ V.League, khi Eximbank rút lui, VPF cũng phải rất khó khăn mới có được sự hợp tác vào phút chót với Toyota, và thực tế thì khoảng tiền mà Toyota rót vào V.League thấp hơn rất, rất nhiều so với khoản tiền mà họ đã rót vào Thai - League (giải vô địch quốc gia Thái Lan) cùng thời điểm.

Có lần ngồi tâm sự với chúng tôi, một thành viên trong Hội đồng quản trị VPF thừa nhận: "Nếu anh Kiên không dính vào vòng lao lý thì chắc chắn chuyện kiếm tiền ở VPF sẽ suôn sẻ, trơn tru hơn rất nhiều".

Mất bầu Kiên, rõ ràng VPF đã gãy luôn cả một kế hoạch kiếm tiền lớp lang, bài bản. Và thế là mối quan hệ giữa giới lãnh đạo, điều hành VPF với một bộ phận cổ đông (là những lãnh đạo các CLB ở sân chơi V.League và giải hạng Nhất Quốc gia) diễn ra chuyện cơm không lành canh không ngọt.

Thế mới nảy sinh ra chuyện ở lễ tổng kết V.League cách đây vài năm, Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng đã công khai đứng dậy phê phán từ ông Phó tổng giám đốc Phạm Phú Hoà đến ông Giám đốc điều hành Nguyễn Minh Ngọc. Nội dung phê phán khá nhiều, nhưng gốc rễ của nó cũng chỉ liên quan đến một chữ "tiền".

Cụ thể, ông Trần Mạnh Hùng khi ấy "tố" việc ông Phạm Phù Hoà nhận lương không dưới 50 triệu đồng/tháng, nhưng không thể tìm kiếm, kêu gọi được một gói tài trợ thực sự đáng kể nào. Giữa đầy đủ lãnh đạo VFF, VPF và các cơ quan truyền thông, ông Hùng đặt câu hỏi xanh rờn: Nhận lương cao như thế, nhưng kiếm tiền kém như thế thì còn ở đấy để làm gì?

Tất nhiên sau đó lãnh đạo VPF có thanh minh rằng các thành viên của mình không vô tích sự như ông Hùng nghĩ, nhưng không lâu sau đó ông Phạm Phú Hoà đã lẳng lặng rút lui.

Bây giờ khi ông Chủ tịch Võ Quốc Thắng chính thức rút lui thì một cổ đông giấu mặt của VPF lại tuồn cho báo chí những thông tin khá nhạy cảm về chuyện tiền nong của tổ chức này. Ông Võ Quốc Thắng rốt cuộc đã phải đăng đàn thanh minh, nhưng câu chuyện cho thấy vấn đề tiền bạc, từ việc kiếm tiền đến việc chi tiền ở VPF rõ ràng đã là một vấn đề âm ỉ, khiến các cổ đông không phải lúc nào cũng nhìn một hướng.

Chẳng biết có phải vì hiểu rõ và hiểu thấu tất cả những điều như vậy hay không mà chỉ vừa nhậm chức, tân Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đã nói nhiều tới các dự định kiếm tiền cho tổ chức này. Không thể hy vọng dưới thời ông Tú, chuyện tiền bạc sẽ dồi dào suôn sẻ như cái kế hoạch mà cựu bầu Nguyễn Đức Kiên từng vẽ ra, chỉ hy vọng nó sẽ không còn là một "cái gai" khiến chính những người trong cuộc phải "mượn tay" báo chí để bắn tỉa nhau như trước nữa.                                       

Ẩn số tiền từ V.League 2018

Trong số các nguồn tiền mà VPF thu về (tiền tham dự giải của các CLB, tiền bản quyền truyền hình, tiền tài trợ, quảng cáo...) thì nguồn từ nhà tài trợ V.League là một con số đáng kể. Cụ thể suốt 3 năm qua, Toyota đã tài trợ V.League 120 tỷ đồng, nghĩa là khoảng 40 tỷ đồng/ mùa.

Theo tính toán thì khoản tiền ấy chiếm khoảng 30% số tiền mà VPF thu được ở nhiệm kỳ 2. Ở thời điểm hiện tại, theo cựu Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng thì Toyota đã kết thúc hợp đồng và hai bên vẫn đang bàn thảo xem có tiếp tục hợp tác nữa hay không, nếu có, giá trị hợp đồng cụ thể sẽ được tăng lên ở mức độ nào?

Còn theo tân Chủ tịch VPF Trần Anh Tú thì việc tìm kiếm một nhà tài trợ xứng tầm cho V.League 2018 chuẩn bị khởi tranh thực sự là một vấn đề nan giải. Muốn có nhà tài trợ xứng tầm, gói tài trợ giá cao thì bản thân V.League phải là một giải đấu có sức hút.

Nhưng khốn nỗi, V.League mùa vừa qua lại khiến không ít người ngao ngán với tình trạng bạo lực và những dấu hỏi về việc một ông chủ nhiều đội bóng. Cứ chờ xem với thực trạng như vậy, cái ẩn sổ về nhà tài trợ V.League rốt cuộc sẽ được giải quyết theo cách nào.

Ngọc Anh
Diệp Xưa
.
.
.