Câu chuyện đậm nghĩa thầy trò

Thứ Hai, 11/02/2019, 07:36
Trong vô vàn câu chuyện xúc động, truyền cảm hứng của thể thao Việt Nam trong năm 2018, câu chuyện thầy trò Bùi Vinh – Trần Tuấn Minh, môn cờ vua ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII – 2018 tại Hà Nội đã được nhắc đến với sự trân trọng. Với Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh, trước mắt sẽ là những dự án đóng góp cho cờ vua Việt Nam.


Thầy cản bước cho trò

Đến bây giờ, Đại Kiện tướng quốc tế Trần Tuấn Minh đã có thể độc lập tác chiến tại nhiều giải đấu. Hiện tại, trình độ của Trần Tuấn Minh cần được nâng tầm bởi những chuyên gia ngoại thay vì chuyên gia nội. Nhưng từ lúc mới đi theo con đường vận động viên thành tích cao cách đây hơn chục năm, Trần Tuấn Minh đã học hỏi rất nhiều từ Bùi Vinh, một trong số Đại kiện tướng quốc tế đầu tiên của cờ vua Hà Nội cũng như toàn quốc. Cả một quãng thời gian dài được HLV Bùi Vinh chỉ giáo, Trần Tuấn Minh thăng tiến ổn định. Như người trong nghề nói thì Bùi Vinh là một trong những HLV đào tạo kỳ thủ trẻ tốt nhất Việt Nam.

Sau này, khi được sang Nga tập huấn liên tục, Trần Tuấn Minh đã tiến đến đẳng cấp như người thầy cũ. Tại giải vô địch cờ vua quốc gia 2017 và 2018, anh đều lên ngôi vô địch một cách xứng đáng ở nội dung cờ tiêu chuẩn – nội dung danh giá nhất trong môn cờ vua. Trong đó, chức vô địch năm 2017 đã chấm dứt hơn 30 năm khát danh hiệu vô địch nội dung cờ tiêu chuẩn nam của cờ vua Hà Nội.

Một trong những lý do để ngành thể thao Hà Nội đầu tư mạnh mẽ cho Trần Tuấn Minh chính là ngôi vô địch cờ tiêu chuẩn nam ở Đại hội Thể thao toàn quốc – 2018. Đấy là kỳ đại hội phải sau 12 năm mới được tổ chức tại Hà Nội, được người trong nghề ở Thủ đô chờ đợi và coi trọng. Cờ vua Hà Nội dù gặp khó khăn về kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế nhưng lãnh đạo bộ môn vẫn quyết dồn kinh phí cho một số kỳ thủ trọng điểm, trong đó có Trần Tuấn Minh.

2 chức vô địch quốc gia năm 2017 và 2018 sẽ chẳng là gì nếu anh không khẳng định được tài năng ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII – 2018. Tại đó quy tụ tất cả kỳ thủ giỏi nhất cả nước, trong đó Lê Quang Liêm đang từ Mỹ cũng phải thu xếp về Việt Nam để thi đấu cho TP Hồ Chí Minh.

Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh ấp ủ nhiều dự định đóng góp cho cờ vua Việt Nam.

Tại nội dung cờ tiêu chuẩn của đại hội, lợi thế đã đến với Lê Quang Liêm sau ván 7 khi thắng Trần Tuấn Minh. Nhờ đó, Lê Quang Liêm vươn lên dẫn đầu dù cùng điểm như Trần Tuấn Minh nhưng hơn về chỉ số phụ. Đến trước ván cuối, cả hai được 7 điểm. Nếu Lê Quang Liêm thắng ở ván cuối thì đương nhiên giành ngôi vô địch. Trong khi đó, nếu giành chiến thắng trước Nguyễn Đức Hòa (Quân đội) ở ván cuối thì Trần Tuấn Minh vẫn phải trông vào kết quả giữa Lê Quang Liêm với người thầy cũ của mình là Bùi Vinh. Trần Tuấn Minh đã làm tốt vế đầu tiên khi vượt qua Nguyễn Đức Hòa.

Trong khi ấy, sự già dơ, bản lĩnh và độ quái đã giúp Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh cầm hòa Lê Quang Liêm. Nhờ đó, Trần Tuấn Minh được 8 điểm để lên ngôi vô địch, còn Lê Quang Liêm ngậm ngùi nhận ngôi á quân. Sau này, Bùi Vinh có kể lại, từng có cơ hội thắng Lê Quang Liêm ở trận đấu ấy nhưng nếu thắng cũng chỉ giành ngôi á quân. Còn nếu sơ sảy ở nước đi sau thì có thể Lê Quang Liêm sẽ thắng chung cuộc để lên ngôi vô địch và đương nhiên đó lại là thất bại của cờ vua Hà Nội nói chung. Vì vậy, Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh mới kiên định với mục tiêu cầm hòa, khiến Lê Quang Liêm không có cơ hội thắng để giúp cậu học trò cũ - đồng đội Trần Tuấn Minh lên ngôi vô địch.

Còn kỳ thủ 21 tuổi Trần Tuấn Minh chấm dứt 33 năm chờ đợi chức vô địch cờ tiêu chuẩn cá nhân nam của cờ vua Hà Nội kể từ sau khi kỳ thủ Đặng Vũ Dũng (nay là Trưởng bộ môn cờ Hà Nội) lên ngôi ở Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần đầu tiên vào năm 1985.

Còn phải làm nhiều việc để xứng với sự đầu tư

 Sau khi giành tấm Huy chương vàng ở Đại hội, Trần Tuấn Minh bảo rằng, tấm huy chương đó không phải mang tính cá nhân, mà còn có dấu ấn tập thể của cờ vua Hà Nội. Những người thầy như Bùi Vinh hay người đồng đội Nguyễn Văn Huy đã nỗ lực trong từng nước đi để khiến Lê Quang Liêm phải chia điểm. Điều này gián tiếp đưa anh lên ngôi vô địch.

Còn ông thầy Bùi Vinh chia sẻ, ở ván đấu với Lê Quang Liêm, anh không chỉ thi đấu vì danh dự của bản thân, danh dự của một Đại kiện tướng quốc tế, mà còn vì cậu học trò và cũng là đồng đội tại kỳ đại hội này. Thực tế, cờ vua Hà Nội đã phải chờ đợi rất lâu mới có cơ hội vô địch cờ tiêu chuẩn nam ở Đại hội Thể thao toàn quốc nên khi có cơ hội là phải tận dụng tối đa.

Còn Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh trong ngày đầu năm Kỷ Hợi chỉ cười mỉm khi nhắc lại chuyện cũ. Vị HLV này bảo, trong thời gian tới còn phải làm nhiều việc hơn cho cờ vua Việt Nam: “Danh hiệu Đại Kiện tướng quốc tế mà tôi, Trần Tuấn Minh và một số kỳ thủ Việt Nam khác có được hầu hết đều đến từ nguồn kinh phí nhà nước. Vì thế, tất cả phải có nghĩa vụ đóng góp lại cho cộng đồng cờ vua để có thêm nhiều kỳ thủ Việt Nam được nâng hệ số elo, được thêm chuẩn của các danh hiệu trong làng cờ vua thế giới như Kiện tướng quốc tế, Đại Kiện tướng quốc tế…”.

Ngay trong năm 2019, HLV Bùi Vinh cũng sẽ tham gia tổ chức một số giải đấu tại Việt Nam để tăng hệ số elo cho các kỳ thủ Việt Nam. Như HLV Bùi Vinh chia sẻ thì cần nhiều bàn tay hơn nữa để nâng chất cho các kỳ thủ Việt Nam, giúp cờ vua Việt Nam có một mặt bằng trình độ tốt hơn hiện nay.

Thầy trò cùng lên ngôi vô địch

Đấy là câu chuyện của thầy trò Đào Thiên Hải – Nguyễn Anh Khôi (TP Hồ Chí Minh), cũng tại môn cờ vua ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018. Đào Thiên Hải từng là một trong những Đại Kiện tướng quốc tế sớm nhất của Việt Nam và có cơ duyên huấn luyện Nguyễn Anh Khôi. Năm 2016 là năm đầu tiên cả hai thầy trò cùng thi đấu dưới màu áo đội tuyển quốc gia ở giải cờ vua đồng đội châu Á.

Tại Đại hội, cả hai thầy trò cùng thi đấu tại nội dung đồng đội cờ nhanh và đã giành ngôi vô địch. Ngoài ra, tại Đại hội, cả hai còn giành Huy chương bạc nội dung đồng đội cờ chớp nhoáng sau trận thua bộ đôi Trần Tuấn Minh – Trần Minh Thắng (Hà Nội).

Minh Hà

Minh Nhật
.
.
.