Bóng rổ lên ngôi trong thể thao học đường Hà Nội

Thứ Năm, 11/05/2017, 07:59
Thông tin từ lễ phát động giải bóng rổ học sinh tiểu học Hà Nội lần thứ XI Cúp Milo năm 2017 vào ngày 10-5 đã cho thấy, bóng rổ tiếp tục là môn thể thao được ưa chuộng hàng đầu trong thể thao học đường Hà Nội.

Tăng chóng mặt về số lượng

Nhìn lại hành trình phát triển 10 năm qua của giải bóng rổ học sinh tiểu học Hà Nội, do Báo Nhi Đồng tổ chức, Tổng Biên tập Báo Nhi Đồng Nguyễn Phan Khuê đã gọi đó là "hành trình kỳ diệu".

Hành trình ấy bắt đầu từ năm 2007, khi giải bóng rổ học sinh tiểu học Hà Nội lần thứ nhất được tổ chức. Năm đó, vỏn vẹn 16 đội của 8 trường dự giải (8 đội nam, 8 đội nữ). Giải đấu vẫn chưa gây tiếng vang cho đến khi nhiều trường tiểu học tại Hà Nội, chủ yếu ở nội thành, được Công ty Nestle' hỗ trợ lắp đặt bảng rổ. Từ đây, số lượng trường và đội dự giải tăng chóng mặt.

Năm 2012, có 65 đội dự giải, năm 2013 có 69 đội dự giải, năm 2014 có 78 đội dự giải. Đến năm 2015, ở kỳ giải thứ IX, giải có tới 96 đội bóng từ 56 trường tham dự. Đến năm 2016, giải đạt cột mốc mới khi số đội tham dự vượt qua con số 100. Theo đó, có tới 115 đội bóng của 69 trường góp mặt tại giải.

Đến mùa giải 2017, theo thống kê chưa đầy đủ từ Ban tổ chức, có tới gần 90 trường đăng ký tham dự. Nếu vậy, đây sẽ là kỷ lục mới trong lịch sử tổ chức giải. Và không ngẫu nhiên khi sự phát triển về quy mô giải đấu được gọi là "hành trình kỳ diệu".

Đơn giản, đó vẫn là bề nổi của phong trào khi xét ở quy mô cấp thành phố. Còn ở các trường tiểu học ở Hà Nội, đặc biệt ở khu vực nội thành, môn thể thao này đã thu hút hàng nghìn học sinh tập luyện thường xuyên. Ngay lãnh đạo nhiều trường cũng coi đây là môn thể thao phù hợp với điều kiện của trường, nhất là những trường có diện tích nhỏ.

Ngoài lắp đặt một bộ bảng rổ đúng quy chuẩn, nhiều trường còn chủ động gắn rổ lên tường, thân cây để đáp ứng nhu cầu của học sinh. Nhờ vậy, học sinh nhiều trường tiểu học ở Hà Nội có điều kiện lựa chọn thêm môn thể thao phù hợp. Trong khi đó, các gia đình đều ủng hộ cho con tập luyện môn thể thao có thể giúp con rèn thể lực, tinh thần đồng đội. Vì vậy, có tới cả trăm câu lạc bộ bóng rổ được thành lập tại các trường tiểu học ở Hà Nội.

Giải bóng rổ học sinh tiểu học Hà Nội năm 2016.

Ở khối trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT), nhiều học sinh cũng chọn lựa tập luyện bóng rổ. Đến năm 2016, giải bóng rổ học sinh THCS và THPT thành phố Cúp Milo mới đạt con số kỷ lục là 105 đội bóng tham dự trong đó khối THCS có 32 đội nam và 15 đội nữ, khối THPT có 43 đội nam và 15 đội nữ. Số đội nam tham dự quá đông nên Ban tổ chức đã phải chọn thể thức đấu loại trực tiếp. Dù vậy, giải đấu cũng có tới 124 trận và kéo dài 13 ngày.

Những ngày diễn ra giải, Nhà thi đấu Hoàng Mai phải hoạt động hết công suất từ sáng đến cuối chiều với trung bình 10 trận đấu/ngày.

Nền tảng để đưa bóng rổ thành môn số 2 ở Việt Nam

Sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng đã giúp bóng rổ Hà Nội làm mưa làm gió tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2016, khi giành tới 3 HCV, 1 HCB trong 4 nội dung thi đấu. Đấy được coi là thành công "vô tiền khoáng hậu" của bóng rổ học đường Hà Nội tại sân chơi Hội khỏe Phù Đổng.

Ông Đào Văn Kiên (Phụ trách môn bóng rổ - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, đơn vị phụ trách chuyên môn các giải đấu học sinh) cho rằng: "Sự phát triển nhanh chóng của môn bóng rổ trong thể thao học đường Hà Nội khiến chính những người làm nghề như chúng tôi cũng phải bất ngờ. Đây rõ ràng là nguồn cung cấp vận động viên quý giá cho bóng rổ Hà Nội".

Còn phía Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội cũng cho hay rằng rất khuyến khích phát triển bóng rổ trong các trường học tại Hà Nội vì phù hợp với điều kiện của nhiều trường.

Gần đây, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đưa bóng rổ thành môn thể thao số 2 tại Việt Nam. Căn cứ để đưa ra mục tiêu này chính là sự phát triển mạnh mẽ của môn thể thao này trong các trường học ở những thành phố lớn trong đó có Hà Nội. Ngay trên địa bàn Hà Nội, câu lạc bộ bóng rổ chuyên nghiệp Hanoi Buffaloes cũng chú ý đến đối tượng học sinh khi tổ chức chương trình giao lưu, hướng dẫn các em chơi bóng rổ tại một số trường.

Tới năm 2017, khi Hà Nội xuất hiện thêm một đội bóng rổ chuyên nghiệp nữa, hoạt động giao lưu, hướng dẫn học sinh chơi bóng rổ sẽ được đẩy mạnh.

Trong khi đó, những người có trách nhiệm của thể thao Hà Nội cũng tìm cách để sân chơi bóng rổ học đường ngày càng hấp dẫn, qua đó khuyến khích các nhà trường phát triển môn thể thao này. Thực tế, môn này đang phát triển mạnh ở các trường nội thành trong khi chưa rộng khắp ở các trường ngoại thành. Đấy là vấn đề cần giải quyết ngay khi muốn đưa bóng rổ "phủ sóng" khắp hơn trong các trường học ở Hà Nội.

Thay đổi thể thức thi đấu, tăng cơ hội cọ xát cho các đội bóng rổ THCS Hà Nội

Từ năm học 2017-2018, Giải Bóng rổ THCS - THPT Hà Nội sẽ thay đổi cách thức tổ chức nhằm giảm tải cho vòng chung kết cấp thành phố. Thay vì các trường THCS có thể đăng ký trực tiếp để thi đấu ở giải cấp thành phố, tới đây mỗi quận, huyện, thị xã chỉ được cử 1 đội nam, 1 đội nữ THCS dự giải.

Các quận, huyện, thị xã có thể tổ chức thi đấu vòng tuyển chọn hoặc tự chọn đội tham dự. Điều này giúp các đội có nhiều điều kiện cọ xát hơn, được thi đấu ít nhất 2-3 trận thay vì có thể chỉ được thi đấu đúng 1 trận theo thể thức loại trực tiếp tại vòng chung kết cấp thành phố như những năm trước.

Trước đó, nhiều HLV các trường cũng đã phản ánh rằng, đội bóng của trường tập cả năm nhưng lại chỉ được thi đấu chính thức đúng 1 trận nên khiến nhiều học sinh thiếu cơ hội cọ xát, nuôi dưỡng đam mê.

Minh Hà

Minh Khuê
.
.
.